‘Mảnh đất’ quá chật với các công ty khởi nghiệp SaaS
(DNTO) - Doanh thu toàn ngành SaaS (Software as a Service – cung cấp dịch vụ phần mềm) năm ngoái chỉ hơn 136 triệu USD nhưng có tới 533 công ty tham gia thị trường. Các startup nhỏ phải khá vật lộn để giành “miếng bánh” thị phần với các anh lớn.
“Đất chật, người đông”
So với các khu vực khác trên thế giới, Đông Nam Á vẫn còn khá sớm trong việc áp dụng SaaS. Doanh thu thị trường điện toán đám mây của khu vực này ước tính đạt 40,32 tỷ USD vào năm 2025 (Gartner). Singapore đang đảm nhận vai trò đầu tàu, theo sau là những đàn em sung sức Thái Lan, Indonesia và Việt Nam.
Theo Statista, doanh thu trên thị trường SaaS dự kiến đạt 136,30 triệu USD (khoảng 3163 nghìn tỷ đồng) vào năm 2022, trong khi có tới 533 startup công nghệ đang hoạt động trong lĩnh vực này. Như vậy, tính trung bình, mỗi startup chỉ đạt doanh thu 5,9 tỷ đồng/năm.
Chưa kể, thị trường SaaS Việt Nam hiện đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt của các “ông lớn”. Rất nhiều công ty đa quốc gia đã nhảy vào từ rất sớm để cung cấp để dịch vụ dựa trên đám mây như IBM, AWS, Salesforce.
Trong nước, những tập đoàn công nghệ hàng đầu cũng rất nhanh chân trong cuộc chơi này như FPT, VNPT, Viettel, CMC… Một vài công ty khởi nghiệp “cây nhà lá vườn” đang cung cấp phần mềm quản lý bán hàng, tối ưu hóa hàng tồn kho… như Sapo, Haravan, Sapo, Bizzi và nhiều hãng khác.
Do “miếng bánh” thị phần còn quá nhỏ, lại đang bị phân mảnh cho quá nhiều người chơi, nên khả năng huy động vốn của startup trong ngành cũng chưa thực sự hấp dẫn.
Trong phân khúc POS (thiết bị bán hàng) và Omni channel (bán hàng đa kênh), KiotViet là startup ở giai đoạn B và cũng là startup dẫn đầu về huy động vốn với 51 triệu USD; theo sau là Sapo, Nhanh.vn, Onpoint,...
Vào năm 2022, đầu tư vào SaaS khá khiêm tốn, xét về cả số lượng đầu tư và số tiền đầu tư.Thương vụ nổi bật chỉ có Nhanh.vn (cung cấp giải pháp POS) được nền tảng thanh toán Momo mua lại, số tiền không được tiết lộ.
Tiếp theo là True Platform - một công ty khởi nghiệp SaaS khác được thành lập bởi Hùng Phạm - người sáng lập Base.vn, đã huy động thành công vòng hạt giống trị giá 3,5 triệu USD để phát triển giải pháp phần mềm toàn cầu. Đây là một thỏa thuận lớn hơn bình thường trong vòng hạt giống, cho thấy tiềm năng của True Platform đối với các nhà đầu tư.
Tham vọng "mang chuông đánh xứ người"
Hiện động lực tăng trưởng chính của ngành dịch vụ phần mềm chính là nhu cầu chuyển đổi số ngày càng tăng cao. Việt Nam đang có khoảng 800 nghìn doanh nghiệp với 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của cuộc cách mạng 4.0 và sự cạnh tranh kỹ thuật số khốc liệt, các doanh nghiệp luôn tìm kiếm các giải pháp công nghệ nhỏ gọn, hiệu quả tại một mức giá hợp lý.
Công nghệ SaaS đang được đánh giá là sản phẩm công nghệ tiềm năng cho SME vì doanh nghiệp không cần cài đặt hay đầu tư hệ thống vật lý để chạy phần mềm, từ đó tiết kiệm được một lượng lớn tiền bạc, thời gian và nguồn lực.
Mặc dù Statista cũng dự đoán đây là ngành có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm trong giai đoạn 2022-2027 là 12,91%, với mức doanh thu 250,10 triệu USD vào năm 2027, nhưng với tỉ lệ cạnh tranh gay gắt của các tay chơi trong thị trường, thị phần dành cho startup mới gia nhập thị trường là rất nhỏ.
Vì vậy, khi quy mô thị trường của một số phân khúc chưa đủ lớn, các công ty SaaS Việt Nam phải tìm cách mở rộng giải pháp hoặc tiến đánh thị trường nước ngoài để tăng doanh thu và thị phần.
Điển hình như Tập đoàn công nghệ FPT, năm 2022, doanh thu mảng Dịch vụ Công nghệ thông tin tại nước ngoài đạt 18.935 tỷ đồng, gấp 3 lần doanh thu mảng này tại thị trường trong nước 6.586 tỷ đồng. Các thị trường trọng điểm của tập đoàn này đều giữ được đà tăng trưởng cao như Mỹ (tăng 50%), châu Á – Thái Bình Dương (tăng 36,4%), Nhật Bản (tăng 16%).
Nhưng với các startup, việc mở rộng ra thị trường nước ngoài không dễ dàng như vậy. Bởi các công ty khởi nghiệp sẽ gặp phải vấn đề tính bản địa của từng địa phương, khu vực. Để tồn tại, sản phẩm cần phải điều chỉnh, thiết kế để phù hợp với yêu cầu thanh toán, quy định pháp luật của từng quốc gia. Thậm chí, trong một số trường hợp, phải đầu tư rất lớn để giáo dục thị trường.
Chưa kể, tại các thị trường khác, startup cũng phải đối mặt với các đối thủ tương tự. “Cuộc chạy bền” này đòi hỏi một nguồn lực (tài chính và nhân lực) rất lớn. Trong khi đó, như đã phân tích ở trên, không nhiều công ty khởi nghiệp Saas có khả năng huy động vốn tốt. Đặc biệt trong “mùa đông gọi vốn”, việc gọi vốn còn khó khăn hơn. Do đó, việc “mang chuông đi đánh xứ người” với các startup cũng là một thách thức lớn.