Không lo thiếu điện, chỉ 7 năm nữa, Việt Nam có thể xuất khẩu điện
(DNTO) - Việt Nam là một trong những nước rót tiền nhiều nhất cho năng lượng tái tạo (7,4 tỷ USD). Nếu đi đúng lộ trình, đến năm 2030, Việt Nam sẽ xuất khẩu điện.
Điện gió sẽ dẫn dắt cuộc chơi
Để đạt được cam kết về phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, điện gió là một yếu tố đóng góp chính vào cơ cấu năng lượng. Quy hoạch Điện 8 dự báo rằng, không phải điện mặt trời mà điện gió sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo của Việt Nam.
Năm 2021, tổng công suất điện gió đạt trên 4.100 MW. Theo quy hoạch công suất điện gió sẽ tăng lên 6.000 MW vào năm 2030 và 91.500 MW vào năm 2050. Việt Nam đang đứng trong Top 10 quốc gia đầu tư nhiều nhất vào năng lượng tái tạo, đạt 7,4 tỷ USD. Mức đầu tư này đã vượt 2 cường quốc năng lượng tái tạo là Pháp 7,3 tỷ USD và Đức 7,1 tỷ USD (theo World Bank).
Ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, Việt Nam hiện đã có nhiều chính sách để phát triển điện gió như Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, các cơ chế về giá điện gió cũng như mới đây nhất là quy hoạch điện 8.
Theo vị này, Việt Nam có đường bờ biển dài, nhiều vùng biển tiềm năng nên cần đẩy mạnh phát triển điện gió trên bờ và ngoài khơi. Ưu tiên phát triển không giới hạn công suất các nguồn điện từ năng lượng tái tạo phục vụ xuất khẩu, sản xuất năng lượng mới (hydro, amoniac xanh,…).
“Năm 2030, xuất khẩu điện khoảng 5.000-10.000 MW”, ông Vy nói trong tọa đàm “Điện gió và mục tiêu Net Zero vào năm 2050”, hôm 26/5.
Để phát triển điện gió ngoài khơi, TS. Dư Văn Toán, chuyên gia năng lượng tái tạo, Viện nghiên cứu Biển và Hải đảoViệt Nam, hiện nay, còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ như: Quy hoạch không gian biển quốc gia; Quy hoạch không gian cho điện gió ngoài khơi để tránh xung đột, tranh chấp không gian biển với các ngành kinh tế khác, dân cư. Hay các chuỗi cung ứng như vốn, tài chính. Hạ tầng như cáp ngầm, truyền tải, hợp đồng mua bán điện… cho điện gió ngoài khơi…
“Cần có chính sách Quốc gia dài hạn về điện gió ngoài khơi như (luật, nghị định). Trong đó chỉ rõ đâu là cơ quan đầu mối, trình tự cấp phép như thế nào, quá trình thẩm định, thu hồi, gia hạn dự án và sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài ra sao. Đặc biệt cần có quy định kĩ thuật về quản lý rác thải, tái chế, thu gom rác thải từ năng lượng tái tạo (tấm pin mặt trời, tuabin gió, tuabin sóng..)”, ông Toán kiến nghị.
Nhà đầu tư khó vay vốn vì Ngân hàng thờ ơ
Mặc dù chính sách năng lượng tái tạo đã có nhưng vẫn chưa cụ thể, rõ ràng. Điều này khiến những nhà đầu tư như ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam, gặp nhiều thách thức.
Cụ thể, Quy hoạch điện 8 đã phê duyệt nhưng chưa có văn bản, quy định hướng dẫn cụ thể bước triển khai các dự án năng lượng tái tạo. Cơ chế thu hút đầu tư chưa thực sự hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài vì còn phụ thuộc vào khả năng truyền tải của hệ thống điện quốc gia và thời gian giải phóng mặt bằng.
Đặc biệt, chi phí đầu tư ban đầu của các dự án năng lượng tái tạo rất lớn. Theo một thống kê, suất đầu tư trung bình của thủy điện từ 25-40 tỷ đồng/MW, nhiệt điện than 35-40 tỷ đồng/MW, điện gió lên tới 2 triệu USD/MW và điện mặt trời 1 triệu USD/MW. Tùy theo vị trí và quy mô đầu tư ở mỗi thời điểm, suất đầu tư cũng khác nhau.
Đặc biệt nhà đầu tư phải mất thêm chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng. Bởi các vùng có tiềm năng thì đa phần chưa phát triển về hạ tầng, nhà đầu tư phải xây dựng đường vào hay tuyến đường truyền tải…
“Tài chính của doanh nghiệp hạn chế nên yêu cầu vốn đối ứng lớn. Nhưng lãi suất cao, quy trình cấp vốn lâu, gồm 30 loại giấy tờ. Thời gian áp dụng giá FIT ngắn, khó khăn khi đàm phán vốn vay các dự án có công suất lớn, thời gian xây dựng kéo dài. Ngân hàng không có động lực cho vay vì chênh lệch lãi suất không đáng kể”, ông Dũng nói.
Ông Mai Trọng Thịnh, đại diện Công ty Bắc Phương cho biết, sau khi có phê duyệt quy hoạch điện 8, các doanh nghiệp rất quyết liệt vào cuộc. Tuy nhiên, cần triển khai được tổng thể hơn nữa về vốn, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo động lực cho các nhà đầu tư.
“Hiện công nghệ chưa thể hạ giá thành điện nên cần tính toán hài hòa lợi ích các bên”, ông Thịnh nói.
Thông tin về chính sách cho vay với nhà đầu tư năng lượng tái tạo, đại diện Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam thông tin quỹ này đang có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Quỹ cho vay ưu đãi lãi suất cố định 2,6%/năm hoặc 3,6%/năm trong tối đa 10 năm. Nhà đầu tư dự án năng lượng tái tạo có thể vay tối đa 70% tổng mức đầu tư. Mức vay không quá 36,6 tỷ đồng đối với một dự án và 73,2 tỷ đồng đối với một chủ đầu tư.