Giá bán buôn điện cho chợ An Đông là 2.451 đồng/kWh, nhưng tiểu thương phải trả tới 3.800 đồng/kWh
(DNTO) - Đại diện điện lực TP.HCM cho biết, chợ An Đông chưa đủ điều kiện bán điện theo giá bán buôn nhưng lại không cho điện lực bán điện trực tiếp cho tiểu thương.
Tác động từ tăng giá điện không lớn
Gửi câu hỏi đến tọa đàm trực tuyến về giá điện hôm 16/5 của Báo Thanh niên, chị Cẩm Châu (Quận 5, TP. HCM) thắc mắc: Dù kinh doanh tại chợ truyền thống An Đông (quận 5, TP.HCM) nhiều năm nhưng các tiểu thương phải trả tiền theo giá mua điện của trung tâm thương mại.
Cụ thể, giá bán buôn điện cho chợ theo điều chỉnh mới của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) là 2.451 đồng/kWh, nhưng tiểu thương đang trả cho Ban Quản lý chợ An Đông là 3.800 đồng/kWh. Tiểu thương đề nghị Điện lực TP.HCM làm việc với các bên liên quan để giải quyết tình trạng này.
Trả lời câu hỏi trên, ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Điện lực TP.HCM, cho biết chợ An Đông chưa đủ điều kiện bán điện theo giá bán buôn. Dù phía Điện lực TP.HCM đã làm việc với Ban Quản lý chợ An Đông, tuy nhiên họ không đồng ý để Điện lực bán điện trực tiếp cho tiểu thương.
“Các tiểu thương và ngành điện có thể cùng kiến nghị với Sở Công thương TP.HCM cấp giấy phép điện lực cho Ban Quản lý chợ để có đủ điều kiện hoặc Ban quản lý chợ bàn giao nhóm khách hàng này cho điện lực, để ngành điện có thể bán điện trực tiếp cho tiểu thương theo giá bán buôn”, ông Kiên cho biết.
Trước câu hỏi người tiêu dùng có phải trả tiền cho lượng điện thất thoát của hệ thống không, ông Đặng Nguyên Phương, Trưởng Ban Kinh doanh, Tổng Công ty điện lực Miền Nam, cho biết trong cơ cấu giá thành điện đã tính cả tổn thất điện năng. Tuy nhiên, việc tổn thất được giám sát theo quy định của pháp luật và Việt Nam là nước có hiệu quả giảm tốt thất tốt nên nên tỉ lệ thất thoát ngày càng nhỏ.
Về vấn đề tăng giá điện, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban kinh doanh EVN cho biết sau 4 năm, ngành điện mới quyết định điều chỉnh giá điện. Tiền điện tăng thêm của các hộ tiêu thụ điện từ 50 - 400 kWh/tháng chỉ từ 2.500 đồng - 27.200 đồng/hộ/tháng. Như vậy, tác động của việc tăng giá điện là không lớn.
Nhiều hồ thủy điện về gần mực nước chết
Cũng trong tọa đàm, ông Võ Quang Lâm , Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết nguy cơ thiếu điện hiện rõ khi lượng nước của 12/12 hồ thủy điện ở miền Bắc chỉ đạt 50-60% trung bình hàng năm. Mực nước ở nhiều hồ khu vực miền Nam và miền Trung (Trị An, Đak R'Tih, Sông Côn 2…) cũng rất thấp, thậm chí về gần mực nước chết hay dưới mực nước tối thiểu vận hành. Theo dự báo, hiện tượng El Nino sẽ xuất hiện từ cuối năm 2023 và kéo dài sang 2024, ảnh hưởng đến lượng nước trong các hồ thủy điện, gây khó khăn cho sản xuất điện.
Cách đây 3 hôm, Thủ tướng đã có công điện giao EVN và các đơn vị liên quan phải đảm bảo nước và điện cho sản xuất, sinh hoạt. Tuy nhiên, theo ông Lâm, ngoài việc EVN đảm bảo nguồn cung điện, Việt Nam còn dư địa rất lớn trong tiết kiệm điện. Vị này lấy ví dụ giờ Trái đất tiết kiệm 500 triệu kWh chỉ trong 1 giờ tắt các thiết bị điện.
“Trong một ngày, người dân, doanh nghiệp chỉ cần điều chỉnh cách sử dụng một chút sẽ tiết kiệm hàng triệu kWh để dành cho sản xuất, sinh hoạt...”, ông Lâm nói.
Trước thắc mắc vì sao thiếu điện nhưng không huy động nguồn điện tái tạo đang dư thừa, TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng và Phát triển xanh, cho biết các dự án điện gió, điện mặt trời thời gian qua có công suất rất lớn nhưng điện năng không ổn định.
Ví dụ, điện mặt trời có thời gian phát điện từ 6 - 18 giờ, đỉnh điểm từ 9- 13 giờ, không phù hợp với đặc thù tiêu thụ điện của các hộ tiêu thụ thông thường. Điện gió còn phụ thuộc vào từng khu vực và năng lực phát điện giai đoạn tháng 4, tháng 5 chỉ đạt khoảng 10 - 20% công suất.
“Sản lượng cung ứng thực tế hạn chế của điện gió, điện mặt trời rất khó để đáp ứng nhu cầu tăng cao mùa nắng nóng”, TS Hà Đăng Sơn cho hay.
Liên quan đến quy hoạch điện 8 mà Chính phủ vừa phê duyệt tối qua (15/5), TS Hà Đăng Sơn đánh giá sẽ "giải cứu" các dự án điện gió, điện mặt trời. Bởi đây là căn cứ pháp lý quan trọng để EVN có thể đầu tư mở rộng lưới điện, mua điện từ các dự án điện mặt trời, điện gió đang gặp khó và phát triển điện mặt trời mái nhà. Mục tiêu đến 2030, 50% mái nhà công sở, hộ gia đình cả nước sẽ được phủ kín pin mặt trời, đáp ứng nhu cầu điện tự dùng.