Doanh nghiệp cần niêm yết giá sản phẩm để tránh ‘té nước theo mưa’ khi giá điện tăng
(DNTO) - Dù giá điện chỉ tăng 3% không ảnh hưởng nhiều đến hóa đơn tiền điện của các gia đình cũng như chỉ số giá tiêu dùng CPI nói chung, nhưng thị trường không hiếm cảnh hàng hóa lợi dụng cơ hội này để tăng giá.
Không thể không tăng giá điện
Từ 4/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chính thức điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tăng 3% so với giá điện bán lẻ hiện hành. Như vậy, với giá điện mới, theo ước tính, hộ sinh hoạt phải trả thêm 5.100-18.700 đồng nếu dùng 100-300 kWh và và 27.200 đồng nếu dùng trên 400 kWh mỗi tháng. Mức giá tăng thêm này không lớn, không ảnh hưởng quá nhiều đến hóa đơn tiền sinh hoạt của các hộ gia đình, khi sau 4 năm cơ quan điều hành mới điều chỉnh giá điện.
Ở góc độ vĩ mô, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng giá điện tăng ở mức 3% là rất thấp. Bởi thời gian qua, chi phí đầu vào sản xuất điện đều tăng đã làm giá điện bình quân đã tăng khoảng 15%.
Tuy nhiên, khi điều chỉnh giá điện, ít nhiều cũng sẽ có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng, nhưng mức độ tác động không lớn. Ông Thỏa cho biết, theo tính toán, giá điện tăng 3% tác động tăng chỉ số giá tiêu dùng 0,099% trực tiếp ở vòng 1 và tăng 0,18% ở vòng 2. Với các ngành sản xuất dùng nhiều điện, giá điện tăng sẽ làm giá thành sản xuất thép tăng khoảng 0,18 %; sản xuất xi măng tăng khoảng 0,45 % và sản xuất giấy tăng khoảng 0,4 %.
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, cho biết việc tăng giá điện giúp EVN có điều kiện tài chính tốt hơn để thu hút đầu tư vào các dự án truyền tải điện, đồng thời có thể thương thảo mua điện từ các doanh nghiệp năng lượng tái tạo khác với mức giá hai bên chấp nhận được . Lưới điện được mở rộng cũng giúp giải phóng nguồn năng lượng tái tạo đang bị nghẽn, đảm bảo mục tiêu chuyển dịch năng lượng quốc gia.
Kiểm soát việc “thổi giá” hàng hóa theo giá điện
Tuy nhiên, giá điện tăng làm tăng lo ngại về việc nhiều hàng hóa sẽ “té nước theo mưa” để tăng giá. “Giá quả trứng vài năm trước là 3.000 đồng, rồi tăng lên 4.000 đồng và giờ là 5.000 đồng”, chị Bùi Thu Hương (Đống Đa, Hà Nội) nêu ví dụ về việc tăng giá hàng hóa những năm gần đây.
Nghiên cứu của NielsenIQ cho thấy, trong năm 2022, giá ngành hàng thực phẩm thiết yếu tăng gần 10% so với mặt bằng chung của năm 2021 và có xu hướng tiếp tục tăng. Trong khi đó, 74% người Việt Nam cảm thấy tình hình tài chính hộ gia đình suy giảm so với trước dịch. Người tiêu dùng đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu các sản phẩm, dịch vụ không thiết yếu (bia, nước ngọt, bánh kẹo, vui chơi giải trí…).
Cũng trong năm ngoái, giá xăng dầu trong nước bình quân năm tăng 28%, là một trong những nguyên nhân khiến giá hàng hóa gia tăng. Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm nay, giá xăng dầu trong nước giảm 12,22%, giá gas giảm 6,73% so với cùng kỳ.
“Khi giá xăng dầu, giá điện, giá lương tăng thì giá hàng hóa tăng theo nhưng lại không giảm khi giá xăng dầu giảm”, anh Quốc Huy (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ.
Thực tế, tình trạng lợi dụng việc tăng giá điện, giá xăng dầu để đẩy giá hàng hóa đã nhiều lần diễn ra. Hàng hóa tăng giá không có sự kiểm soát sẽ ảnh hưởng tới đời sống người dân, mục tiêu kiểm soát lạm phát và sự ổn định của kinh tế vĩ mô.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, cần có chính sách tổng thể về bình ổn mặt bằng giá. Cần yêu cầu các doanh nghiệp đăng kí giá thành sản phẩm, dịch vụ. Với doanh nghiệp do Nhà nước định giá phải kê khai giá chi tiết sản phẩm, dịch vụ khi giá điện tăng 3%.
Ông Hà Đăng Sơn khuyến nghị với các doanh nghiệp sử dụng nhiều điện, có thể sử dụng thêm các nguồn tự phát (điện mặt trời mái nhà, điện sinh khối), những nguồn mua ở mức độ có thể quản lý được để không phụ thuộc quá nhiều vào EVN. Đầu tư thay thế các thiết bị tiết kiệm năng lượng hay ứng dụng công nghệ tự động hóa có thể giúp doanh nghiệp giảm từ 20-40% lượng điện tiêu thụ.
Với các hộ gia đình, thực hành tiết kiệm điện cần như một thói quen trong sinh hoạt hàng ngày, không giúp giảm áp lực chi phí sinh hoạt mà còn hỗ trợ ổn định an ninh năng lượng quốc gia, góp phần vào mục tiêu giảm thiểu biến đổi khí hâu.