Thời giá điện tăng, những nhóm cổ phiếu cần lưu ý
(DNTO) - Việc giá điện chính thức được điều chỉnh tăng sẽ tác động đến nhiều nhóm ngành, theo đó nhiều cổ phiếu ngành năng lượng điện dự đoán sẽ được hưởng lợi.
Căn cứ văn bản số 304/BCT-ĐTĐL của Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có quyết định về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, từ ngày 4/5, mỗi kWh giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm gần 56 đồng, tương đương mức tăng 3% so với trước, giá bán lẻ điện sinh hoạt cũng sẽ được EVN điều chỉnh tương ứng sau đó.
Việc tăng giá điện được đánh giá là "cần thiết" khi EVN đang trong tình trạng có thể cạn thanh khoản trong tháng 5, nhất là khi mùa nắng nóng đã đến với tình trạng khí hậu El Nino đang trở lại.
Đồng thời, từ góc độ nhiều chuyên gia, mức tăng này cũng được cho là "hợp lý" và "thận trọng" để tránh việc điều hành giật cục, chia sẻ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Điện hiện đang chiếm khoảng 3,5% tổng cấu thành rổ tính CPI. Giá điện tăng 3% sẽ khiến CPI đối mặt với mức tăng 0,1% trong thời gian tới. Dù đây là việc cần thiết nhưng khá nhiều ngành kinh tế sẽ đứng trước nhiều thách thức và cũng sẽ không ít doanh nghiệp hưởng lợi.
Ngành nào gặp khó?
Theo ước tính của Mirae Asset, tác động tích cực có thể "chưa rõ nét" khi các công ty ngành điện ký các thỏa thuận dài hạn mua bán điện với EVN như Nhiệt điện Phả Lại, Quảng Ninh... ký hợp đồng thỏa thuận trong 25 năm. Do đó việc tăng giá bán điện bình quân trong ngắn hạn chưa thể tác động tích cực đến các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất điện trong giai đoạn hiện tại mà là câu chuyện của góc nhìn dài hạn.
Tuy nhiên với nhiều ngành, chi phí điện đang chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí doanh nghiệp và trong trường hợp doanh nghiệp không thể chuyển mục chi phí sang cho người tiêu dùng bằng cách tăng giá bán sản phẩm thì tổng lợi nhuận trước thuế của từng ngành sẽ đối mặt với rủi ro giảm.
Theo Mirae Asset, chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán đối với doanh nghiệp sản xuất thép và ngành hoá chất; chiếm khoảng 14-15% với doanh nghiệp xi măng nói chung; chiếm trung bình 4-5% chi phí với doanh nghiệp sản xuất giấy.
Do đó, lợi nhuận trước thuế của ngành thép sẽ giảm nhiều nhất tối đa lên tới 15%, tiếp đó là ngành xi măng giảm tối đa 13%, ngành giấy giảm 2%, hoá chất giảm 1%. Điều này có nghĩa, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp liên quan tới 4 ngành trên có thể sẽ bị ảnh hưởng rõ rệt.
Lựa chọn cổ phiếu nào?
Chuyên gia Trần Ngọc Thúy Vy của Mirae Asset cho biết, hiện tại, lợi thế đang thuộc về những doanh nghiệp phân phối điện khi giá bán điện tăng lên. "Vì hợp đồng đã ký dài hạn với giá rẻ, nay bán giá cao, giúp lợi nhuận doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ tăng", chuyên gia cho biết.
Điều đáng nói, việc tăng giá điện cũng góp phần tạo nguồn lực để EVN có điều kiện đưa mức giá điện mua vào hấp dẫn hơn với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp. Hiện tại dù khung giá mới đã được Bộ Công thương ban hành dựa trên những tính toán từ EVN tuy nhiên mức giá chưa đủ hấp dẫn với chủ đầu tư khi mà "không dự án nào cũng có khả năng sinh lời tốt", theo đánh giá của VNDirect.
Trong khi đó, xét trong dài hạn, theo định hướng của Quy hoạch điện VIII, phát triển năng lượng tái tạo đang được ưu tiên rõ ràng hơn. Có thể trong ngắn hạn, điện than vẫn là yếu tố tạo nền cho mục tiêu phát triển kinh tế, tuy nhiên về dài hạn, sản lượng điện than sẽ giảm dần nhường chỗ cho sản lượng điện khí và điện gió. Sản lượng điện khí LNG sẽ tăng lên ít nhất 88 tỷ kWh vào năm 2030 với tổng cộng mười sáu dự án sẽ được triển khai; năng lượng gió dự kiến sẽ cung cấp từ 31 tỷ kWh đến 80 tỷ kWh vào năm 2030.
Theo đó, các cổ phiếu năng lượng, điện như PC1, P0W, QTP hoặc REE là những cổ phiếu được lưu ý. "Chúng tôi kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng đáng kể về điện gió, các dự án điện khí cũng như hệ thống truyền tải, cũng sẽ là ba lĩnh vực tiềm năng trong ngành năng lượng, điện. Các công ty có hoạt động kinh doanh chính liên quan đến các lĩnh vực kể trên: PC1, POW, QTP hoặc REE", ông Phạm Đức Toàn từ ACBS khuyến nghị.
Khá đồng quan điểm, chuyên viên Nguyễn Hà Đức Tùng từ chứng khoán VNDirect nhận định, POW được kỳ vọng là doanh nghiệp điện khí hàng đầu sẽ hưởng lợi từ triển vọng tích cực của mảng điện khí. Tiếp đó, khi nhiều nút thắt khó khăn trên được quyết, "mảng xây lắp điện, bao gồm thầu EPC điện gió và xây lắp đường dây, trạm biến áp sẽ bùng nổ đầu tiên và PC1 là sẽ là doanh nghiệp đón đầu xu hướng này".