Cổ phiếu ngành đường: Có nên tranh thủ chốt lời, hạn chế mua?
(DNTO) - Dù có dấu hiệu giảm giá nhẹ trong hai phiên gần đây nhưng những cổ phiếu ngành đường đã có bước tăng độ phá trong thời gian qua, thậm chí có mã tăng hơn 50% trong vòng một tháng. Và chính điều này đang đặt nhóm cổ phiếu này trước nhiều rủi ro.
Theo chia sẻ của ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Smart Invest, với nhà đầu tư tại chương trình "Khớp lệnh" ngày 27/4, nhóm cổ phiếu ngành đường đa phần đã đến thời kỳ chốt lời sau thời gian tăng giá mạnh.
Cụ thể, tính theo thời gian một tháng qua, cổ phiếu LSS đã tăng gần 59%, hiện đang giao dịch tại 11.500 đồng/cp; SLS tăng hơn 13%, chốt phiên ngày 27/4 tại 170.800 đồng/cp; mã QNS tăng gần 14%, hiện có thị giá 42.300 đồng/cp hay SBT tăng tới 17% và đang giữ mức giá 16.950 đồng/cp.
Đà tăng mạnh mẽ của giá đường đã tạo thuận lợi cho nhóm cổ phiếu ngành này trên thị trường chứng khoán. Tính đến ngày 26/4, giá đường thô tăng lên 26,6 cent/pound, mức cao nhất kể từ tháng 9/2011.
Tuy nhiên theo ông Vũ Duy Khánh, vấn đề lợi nhuận của doanh nghiệp ngành đường mới là cần xem xét. "Hiệu quả về mặt tăng giá của cổ phiếu và hiệu quả về mặt kinh doanh của doanh nghiệp đang bị lệch. Hiện các doanh nghiệp này còn chưa công bố hết kết quả kinh doanh quý 1 nên nhà đầu tư nếu có mua trước đó thì nên chốt lời còn nếu có ý định mua mới thì nên hạn chế", Giám đốc Smart Invest chia sẻ.
Cũng theo ông, nếu cổ phiếu đã tăng gấp đôi và trong bối cảnh thị trường chung không quá khoẻ, giả sử kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 1 không được như ý, khi đó cổ phiếu có khả năng bị điều chỉnh rất sâu và nhà đầu tư có khi phải chờ một nhịp khá lâu mới có thể hoà vốn.
Thực tế, đứng trước các cổ phiếu có đà tăng mạnh, nhà đầu tư sẽ khó tránh khỏi tâm lý FOMO chạy theo giá. Nhất là trong bối cảnh nhiều biến động hiện nay, nhiều người đang khá loay hoay tìm hướng giải ngân cho dòng tiền. Theo đó, việc cẩn trọng trước các rủi ro là điều cần chú ý.
Theo VNDirect dự báo, giá đường trong nước có thể sẽ diễn biến theo xu hướng của giá đường thế giới. Tuy nhiên do áp lực lớn mà ngành đường đang chịu chính là sự cạnh tranh từ đường nhập lậu nên giá đường trong nước có thể chỉ tăng nhẹ khoảng 4,2% so với cùng kỳ trong trong 6 tháng đầu năm 2023 lên 18.500 đồng/kg.
Với các công ty chủ yếu sử dụng nguyên liệu mía trong nước như SLS và LSS sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ xu hướng tăng giá đường. Còn với các doanh nghiệp nhập khẩu đường thô để sản xuất đường RE như QNS hay SBT, giá bán đường cao sẽ bù đắp phần nào cho giá đường thô nhập khẩu tăng.
Rủi ro của ngành đường trong nước sẽ đến từ các nguyên nhân như: buôn lậu, gian lận thương mại chưa được kiểm soát; thời tiết hanh khô ở nhiều vùng trồng dễ xảy ra cháy và việc nông dân giảm diện tích mía để chuyển sang cây trồng khác.
Dù vậy, là một trong những doanh nghiệp đầu tiên công bố kết quả kinh doanh tự lập, công ty Mía đường Sơn La (SLS) đã cho thấy vị ngọt trong ba tháng kinh doanh đầu năm. Doanh thu doanh nghiệp đạt trên 411 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ. Trong khi đó, doanh thu tài chính tăng 100% lên gần 11 tỷ đồng, chi phí tài chính lại được tiết giảm 33%. Kết quả, SLS lãi ròng hơn 109 đồng trong quý, tăng 90% so với cùng kỳ năm ngoái.