Cổ phiếu ngành đường sẽ tiếp tục 'ngọt'?
(DNTO) - Nhiều cổ phiếu ngành đường được hưởng lợi trước thông tin giá đường thế giới tăng mạnh, trong đó phải kể đến SLS của Công ty cổ phần Mía Đường Sơn La hay LSS của Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn.
Tính từ cuối tuần trước đến nay, cổ phiếu SLS đã tăng hơn 8%, từ mức giá 150.300 đồng/cp ngày 31/3 lên 161.500 đồng/cp trong phiên hôm nay, ngày 7/4. Và tính từ phiên đầu năm đến nay, thị giá SLS đã tăng gần 32%.
Trong khi đó, mã SBT của Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa cũng đã tăng hơn 7% chỉ sau một tuần giao dịch, chốt phiên hôm nay tại 15.450 đồng/cp.
Với LSS, cổ phiếu này đã bước vào phiên thứ 10 tăng điểm liên tiếp giúp thị giá tăng gần 16% từ mức 6.990 đồng/cp ngày 27/3 lên mức 8.050 đồng/cp ngày 7/4. Và tính từ đầu năm 2023 đến nay, mã này cũng đã tăng gần 26%.
Mã QNS dù tính theo tuần giao dịch vừa qua chỉ tăng nhẹ khoảng 3% tuy nhiên, tính từ đầu tháng 1. QNS cũng đã tăng hơn 19%, giữ mốc 41.700 đồng/cp.
Như vậy ở bốn tháng đầu năm nay, nhiều cổ phiếu ngành đường đã "nổi sóng" trong bối cảnh thị trường chung khá nhiều biến động.
Một trong những nguyên nhân thúc đẩy đà tăng của nhóm cổ phiếu này phải kể đến việc giá đường thế giới liên tục tăng thời gian qua. Tính đến ngày hôm qua, ngày 6/4, giá đường trắng trên sàn London tăng lên mức cao nhất 11 năm qua, theo đó giá đường trắng kỳ hạn tháng 5/2023 cũng tăng 4,3% lên 663,9 USD/tấn. Giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2023 trên sàn ICE tăng 2,1%, cao nhất kể từ tháng 10/2016.
Những lo ngại về nguồn cung khi một số quốc gia như Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan... thắt chặt sản lượng, giờ phần lớn phụ thuộc vào vụ thu hoạch đang diễn ra tại Brazil, đã khiến giá đường thế giới khó có thể ổn định.
Đà tăng liệu có bền?
Theo phân tích từ ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Smart Invest, mối liên quan giữa giá đường thế giới và giá cổ phiếu ngành đường trong nước là có nhưng nếu tính tương quan về lợi nhuận là không nhiều.
"Hệ số tương quan giữa giá đường và cổ phiếu là có, trong đó các mã LSS và SLS sẽ có độ nhạy cao hơn QNS và SBT. Tuy nhiên ngành đường của chúng ta đang gặp khó khăn do dư cung và đặc biệt phải cạnh tranh với đường Thái mà chúng ta đang thua ngay trên sân nhà", ông Khánh cho biết.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), trong tháng 2, tất cả nhà máy của ngành đường bước vào vụ ép 2022-2023 nhưng một vài nhà máy phải đối mặt với việc thiếu nguyên liệu mía. Trong khi đó, sức cầu đường trên thị trường tương đối yếu, thậm chí nhiều nhà máy trong tình trạng dư thừa hàng.
Báo cáo về ngành mía đường trong quý 1, Công ty Chứng khoán VCBS cũng chỉ ra hai khó khăn, ngoài việc dư thừa từ hàng tồn kho thì ngành đường trong nước còn tiềm ẩn mối lo từ việc Chính phủ có thể gia tăng thêm hạn ngạch nhập khẩu để bổ sung đường trong nước trong 2023. Trong khi đó, giá đường Việt Nam khá thấp khi chỉ bằng nửa giá đường Philippines và cao hơn đường Thái Lan trước thuế chống bán phá giá chỉ khoảng 25%.
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia của VCBS, ngành đường vẫn đứng trước nhiều thông tin tích cực. Thứ nhất, biện pháp bảo hộ đối với ngành đường trong nước đã có hiệu quả khi nhập khẩu đường từ Thái Lan, Lào và Campuchia trong quý 1 giảm hơn 12% trong với cùng kỳ, nguồn nhập thay thế chủ yếu đến từ Úc và Indonesia. Và thứ hai, giá thu mua mía đã hồi phục về mức trung bình 1,05-1,1 triệu đồng/tấn do khan hiếm nguồn cung, tạo tiền đề thúc đẩy người nông dân mở rộng vùng nguyên liệu tạo.
Giá đường được dự báo sẽ tăng quanh mức 18.000 – 18.500 VND/kg nhờ nhu cầu trong nước tăng và giá đường nhập khẩu kém cạnh tranh sau áp thuế thúc đẩy nhu cầu với đường trong nước.
Cổ phiếu khuyến nghị
Các chuyên gia của VCBS khuyến nghị 3 cổ phiếu: QNS, SLS và SBT.
Với QNS, các chuyên gia kỳ vọng tăng sản lượng đáng kể trong năm 2023 nhờ mở rộng diện tích vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận của mảng đường có thể giảm do chi phí nguyên liệu tăng, trong khi giá đường khó trong nước khó tăng mạnh. Điểm mạnh là doanh nghiệp dự kiến tỷ lệ chi trả cổ tức ở mức 30%/ mệnh giá cho năm 2022, tương ứng với tỷ suất cổ tức 7,9%.
Trong khi đó, SBT được kỳ vọng về tăng trưởng sản lượng nhở mở rộng vùng nguyên liệu và kênh xuất khẩu. Giai đoạn 2021-2025, SBT tập trung mở rộng vùng nguyên liệu tại Úc đến 20.000 ha.
Với SLS, doanh nghiệp từng có lịch sử trả cổ tức rất cao, lên đến 100% như niên vụ 2021/2022 có thể cho nhà đầu tư nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất với SLS cũng là rủi ro của ngành đường nói chung nằm ở vấn đề đường nhập lậu, khiến doanh thu có thể tăng chậm lại.