'Shell in May' trên thị trường chứng khoán có đáng sợ?
(DNTO) - Tháng 5 với câu nói nổi tiếng "Shell in May, go away" khá ám ảnh nhiều nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Câu nói “Sell in May, go away” có nghĩa là Hãy bán vào tháng 5 và đi chơi, một câu nói từng được xem là chiến lược đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ. Tháng 5, thời điểm các báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 đã được hé lộ đầy đủ, cũng là thời điểm mùa du lịch bắt đầu, nhiều nhà đầu tư thường có xu hướng nghỉ ngơi, có thể hạ tỷ trọng danh mục và chờ đợi những động thái tiếp theo của thị trường.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, kể từ năm 2006 đến nay, VN-Index trải qua 8 năm tăng điểm và cũng có 9 năm giảm điểm trong tháng 5. Thời điểm giảm mạnh nhất của VN-Index là tháng 5/2008 với tỷ lệ giảm tới 20%, tiếp đó là tháng 5/2011, giảm 12%. Trong khi đó, tháng 5/2009, chỉ số này đã tăng gần 28%, hay tăng 17% trong năm 2007.
Như vậy, nhìn lại lịch sử, sự tăng giảm của thị trường chứng khoán trong tháng 5 có một tỷ lệ khá cân bằng, thậm chí ở một số năm lại có đà tăng đột biến. Và thực tế, sự biến động của chỉ số sẽ chịu tác động chủ yếu từ chính nội tại của nền kinh tế và các yếu tố vĩ mô bên ngoài.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích từ Công ty Chứng khoán VPS, cho biết, về bản chất hiện tượng “Sell in May" là hiện tượng bất thường trên thị trường, tuy nhiên lại không được được xếp vào bảy hiệu ứng bất thường được quan tâm nhiều nhất là: Hiệu ứng tháng Giêng; Hiệu ứng các ngày trong tuần; Hiệu ứng các cổ phiếu vừa và nhỏ; Hiệu ứng cổ phiếu vốn hoá lớn... Nhìn vào lịch sử tháng 5, có thể nhận thấy thậm chí nhiều cổ phiếu đã tăng điểm rất tốt.
"Dù tháng nào thì cơ hội cũng mở ra với nhà đầu tư khi các cổ phiếu điều chỉnh, tích luỹ hoặc đi ngang", ông cho biết.
Ông lưu ý các nhà đầu tư chú ý đến những cổ phiếu riêng lẻ khi mà thị trường đã có dấu hiệu chạm đáy sâu, đi ngang và tích luỹ thời gian dài. Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, công nghệ hay bán lẻ sẽ là những thành phần có thể quan tâm khi mà giai đoạn nhà đầu tư cần lên kế hoạch cho thời điểm cuối năm đã tới.
Hiện tại, thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn giằng co với chuỗi phiên đan xen giữa pha hồi và pha giảm. Cụ thể, hiệu ứng dòng tiền yếu, nhà đầu tư mất niềm tin, không thấy lợi nhuận lại bán ra, khi đó thị trường giảm mạnh. Gặp tin tức tốt như các chính sách mới, thị trường lại bật lên, tuy nhiên có thể điều chỉnh tích luỹ thêm vài tuần khi đó nhà đầu tư chán nản lại bán mạnh.
"Đây là diễn biến bình thường trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có những khó khăn riêng và tâm lý nhà đầu tư chưa tự tin giải ngân", ông Khánh nhận định và cho biết thêm: "Chắc chắn nửa đầu năm thị trường sẽ phải lên xuống trong biên độ 50-100 điểm, kéo dài từ 3-6 tháng liên tục, cho đến khi các khó khăn giảm bớt".
Kết phiên giao dịch hôm nay, ngày 4/5, phiên đầu tiên của tháng 5/2023, thị trường chứng khoán mất hơn 8 điểm, còn 1.040 điểm khi thanh khoản bán chủ động bất ngờ gia tăng mạnh trở lại về cuối phiên khiến VN-Index giảm mạnh. Kết quả này được cho là đến từ thông tin FED tăng lãi suất lên 0,25%, con số cao nhất trong vòng 16 năm qua của Mỹ là thông tin không mấy tích cực với thị trường.
Thị trường chứng khoán vốn dĩ nhạy cảm với nhiều biến số trong và ngoài nước. Dù là tháng 5 hay tháng nào, nhà đầu tư cũng cần hết sức thận trọng trong bối cảnh nhiều biến động hiện nay. Theo VNDirect, vùng 1.000-1.030 điểm sẽ là vùng hỗ trợ mạnh của chỉ số trong tháng 5 và điều này sẽ mở ra cơ hội hấp dẫn để mua và nắm giữ cố phiếu dài hạn. "Chiến lược đầu tư tháng 5 sẽ bao gồm: câu chuyện đầu tư công, triển vọng ngành ngân hàng cải thiện nhờ chính sách và đi tìm các câu chuyện tăng trưởng riêng biệt", VNDirect khuyến nghị.