EVN lỗ lớn nhưng vì sao vẫn giữ độc quyền trong ngành điện?
(DNTO) - Ngành điện có đặc thù liên quan đến an ninh năng lượng và an toàn hệ thống lưới điện nên không thể giống như viễn thông, có thể hoàn toàn tư nhân hóa.
Sau khi thông tin giá điện tăng 3% từ ngày 4/5, dư luận bắt đầu nổi lên với nhiều ý kiến tiêu cực hướng về Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Dư luận bức xúc trước việc EVN tăng giá điện để bù đắp khoản lỗ hơn 26.000 tỷ đồng năm 2022.
Trong cuộc họp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 9/5, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân về khoản lỗ của EVN. Đây là một việc nên làm để đảm bảo quá trình tái cơ cấu của Tập đoàn này thực hiện hiệu quả, đồng thời cũng rộng đường dư luận.
Đối với ngành điện, từ lâu nay, nhiều người đặt câu hỏi rằng tại sao chỉ có EVN độc quyền mà không có thêm nhiều nhà cấp điện để giá thành tốt hơn, giống như trong lĩnh vực viễn thông.
Trả lời câu hỏi này, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh, cho biết thực tế có rất nhiều doanh nghiệp chuyển từ viễn thông sang đầu tư điện năng. Nhưng viễn thông và điện năng là 2 lĩnh vực có tính chất khác nhau.
Ví dụ trong viễn thông, hiện có 4/5 tuyến internet quốc tế đứt nhưng mọi người vẫn có thể truy cập mạng và làm việc ở mức độ nào đó. Nhưng nếu điện chỉ cần đứt 1-2 tuyến như cách đây vài năm, chỉ 1 tuyến điện gặp sự cố thì cả mười mấy tỉnh mất điện. Đây là câu chuyện đặc thù trong vấn đề liên quan đến an ninh năng lượng, đảm bảo an toàn hệ thống và cân bằng cung cầu tức thời mà ngành viễn thông không có yêu cầu cao như vậy.
“Rất khó để so sánh tại sao ngành điện không mở cửa và không cho đầu tư như viễn thông. Không ai dám đánh cược rủi ro trong đầu tư và chia nhỏ miếng thịt như thế. Thế giới cũng phải tranh luận với nhau rất nhiều trong việc có nhất thiết phải tư hữu hóa toàn bộ hay không. Kinh nghiệm đã có từ Pháp, họ thực hiện tư hữu hóa toàn bộ ngành điện và sau đó phải quay lại công ty nhà nước để đảm bảo an ninh cung ứng điện cho quốc gia”, ông Sơn cho biết.
Thực tế cũng cho thấy nhiều nước trên thế giới như Đức, Mexico, Na Uy, Trung Quốc, Đài Loan hiện cũng đang “độc quyền ngành điện”. Các nước Đông Nam Á có giá điện rẻ nhất như Malaysia, Lào, Myanmar hay Việt Nam cũng do công ty nhà nước độc quyền hoặc phần lớn cổ phần. Indonesia từng mở cửa cho ngành điện nhưng cũng lại vội vã “độc quyền” sau 5 năm vì giá điện tăng phi mã, các doanh nghiệp tư nhân không quan tâm đầu tư điện ở những vùng hải đảo xa xôi, do chi phí đầu tư cao mà lợi nhuận thấp.
“Bài toán ở đây rất khó, làm sao cân bằng được câu chuyện vừa mở cửa cho đầu tư tư nhân để phát triển ngành điện lực nhưng vẫn phải đảm bảo sự quản lý của nhà nước liên quan đến an toàn hệ thống và an toàn năng lượng quốc gia”, ông Sơn cho hay.
Từ năm 2015, cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa nhà máy điện và doanh nghiệp đã được các nhà đầu tư nước ngoài nêu ra. Năm 2016, Cục Điều tiết Điện lực đã nghiên cứu và xây dựng cơ chế đặc thù để cho các ông lớn FDI như Nike, Adidas… và các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có thể mua điện từ các nguồn năng lượng tái tạo.
Điều kiện là nguồn điện phải có công suất trên 30 MW để tham gia vào thị trường bán buôn điện cạnh tranh của Việt Nam. Các bên muốn sử dụng điện phải là những khách hàng lớn, sử dụng lưới từ 22kV trở lên và ưu tiên cho nhóm đối tượng sử dụng nguồn công suất cao, đấu nối vào lưới 110kV.
Theo ông Sơn, cơ chế này rất đột phá, giúp cho doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp FDI đáp ứng yêu cầu nguồn năng lượng sạch để xanh hóa chuỗi cung ứng. Tuy vậy, mặc dù Bộ Công thương đã có một loạt đề xuất và có cả quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhưng thời gian qua chưa thấy có động thái cụ thể để biến cơ chế này thành cơ chế có thể vận hành được.
“Theo tôi có một thách thức lớn là thẩm quyền ra quyết định cho cơ chế này. Vì đây là cơ chế khó và ít nhiều không hoàn toàn đáp ứng đầy đủ của Luật Điện lực. Vì Luật Điện lực có sửa đổi nhưng các thông tư, nghị định chưa có thì rất khó để thực thi. Trong trường hợp đặc thù bắt buộc phải có yêu cầu thị trường đặc thù, triển khai và thử nghiệm quy mô nhỏ, theo đề xuất là 1.000 MW năng lượng tái tạo. Với quy mô này thì những tác động đến hệ thống chung không lớn và chi phí mà EVN phải chịu cũng không quá nhiều”, ông Sơn cho hay.