Tăng giá điện ở mức nào để thị trường đỡ ‘sốc’?
(DNTO) - Giá điện tăng là việc không tránh khỏi khi giá đầu vào sản xuất điện tăng mạnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, tăng giá điện đồng nghĩa với việc chỉ số giá tiêu dùng gia tăng, ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô và lạm phát. Vì vậy, tăng giá ở mức nào và lộ trình ra sao cần được nghiên cứu kĩ lưỡng.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định (số 02/QĐ-TTg ngày 03/02/2023) về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, làm cơ sở để điều hành giá điện trong thời gian tới.
Theo đó, khung giá mới đã được điều chỉnh tăng - với mức giá sàn/tối thiểu tăng 220 đồng và giá trần/tối đa tăng 538 đồng/kWh (biên độ từ 13% - 28%) so với mức khung giá bán lẻ điện cũ.
Thực tế, sản xuất, kinh doanh điện Việt Nam chịu nhiều tác động từ bên trong và bên ngoài. Từ năm 2020 đến nay, giá các loại nguyên liệu cung ứng cho sản xuất điện như than, xăng dầu, khí đều tăng rất mạnh so với trước. Ví dụ giá than năm 2022 tăng gấp 6 lần năm 2020 và 2,6 lần với năm 2021. Hay việc chênh lệch tỷ giá thực hiện trong hợp đồng mua bán điện từ năm 2019 đến 2024 ước khoảng hơn 21 nghìn tỷ đồng… Những điều này khiến chi phí phát điện (chiếm 80% giá điện) gia tăng.
Trong khi đó, giá điện giữ ổn định từ năm 2019 cho đến nay, làm cho giá hiện hành không bù đắp đủ chi phí kinh doanh, dẫn đến ngành điện gặp khá nhiều khó khăn và sản xuất kinh doanh bị lỗ là không tránh khỏi.
Với chi phí sản xuất kinh doanh điện thực tế đã tăng, nếu không điều chỉnh giá bán điện tăng, ngành điện sẽ không cân đối được dòng tiền. Khi dòng tiền âm sẽ không thể thanh toán cho các đơn vị phát điện, cùng với đó là tác động đến đầu tư cho phát điện, truyền tải, phân phối điện… Việc đảm bảo an ninh năng lượng là yêu cầu rất quan trọng trong bối cảnh nhu cầu điện của nước ta tăng khá cao mỗi năm.
Trong bối cảnh tác động cả bên trong và bên ngoài, việc điều chỉnh giá điện là không thể trì hoãn. Vấn đề đặt ra là việc điều chỉnh giá điện trong thời gian tới sẽ được tính toán ra sao để đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, vừa phù hợp với sức chịu đựng của doanh nghiệp và người dân, vừa góp phần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Ông Nguyễn Tiến Thoả, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, nếu thực hiện đúng nguyên tắc của Luật giá là giá phải bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh cho ngành điện thì mức điều chỉnh giá điện phải tăng 15% so với giá bán hiện nay. Nhưng mức này sẽ trực tiếp đẩy lạm phát vòng 1 tăng khoảng 5%, chưa kể tác động đến vòng 2 và tác động đẩy giá thành sản xuất của các ngành sử dụng nhiều điện tăng (ngành thép tăng 0,9%, xi măng tăng 2,25% và dệt may tăng 1,95%).
Vì vậy, để giảm thiểu tác động đến đời sống và lạm phát, ông Thỏa cho rằng nên chia lộ trình điều chỉnh giá điện thành 2 đợt, mỗi đợt điều chỉnh tăng 7-8%.
“Với mức điều chỉnh này có thể đẩy giá lạm phát vòng 1 khoảng 0,2%. Lúc này, cơ quan điều hành cần theo dõi và có sự tính toán chi tiết, nếu các tháng cuối năm, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát trong mục tiêu thì có thể tiến hành điều chỉnh giá điện đợt 2” ông Thỏa cho hay.
Trước lo ngại về việc tăng giá điện có thể khiến mặt bằng giá bị đẩy lên cao, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng Nhà nước phải có giải pháp tổng thể để bình ổn mặt bằng giá, tránh việc nhiều mặt hàng tăng giá theo kiểu “té nước theo mưa”.
Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN khẩn trương xây dựng các phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 dựa trên khung giá đã được thống qua. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương sẽ ban hành quyết định quy định giá bán điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện.
Hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chiếm khoảng 40% sản lượng điện sản xuất mỗi năm. Năm ngoái, đơn vị này lỗ tới 31.000 tỷ đồng và đã đề xuất với Bộ Công thương tăng giá điện, nếu không, tổng số lũy kế ước tính của EVN 2022-2023 của EVN sẽ lên tới hơn 93.000 tỷ đồng.
Việt Nam hiện chưa có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, nên EVN vẫn đảm nhiệm khâu phân phối (bán lẻ) điện. Kế hoạch thí điểm thị trường bán lẻ điện cạnh tranh của Bộ Công Thương dự kiến bắt đầu từ năm 2022 và đến năm 2024 người tiêu dùng sẽ được lựa chọn đơn vị bán lẻ điện. Song việc thí điểm này đang bị chậm so với kế hoạch.
Các chuyên gia cho rằng, đối với con số lỗ hơn 31.000 tỷ của EVN, các cơ quan chức năng cũng cần xác minh, kiểm tra, kết luận và công khai để tạo sự chia sẻ sự đồng thuận của người tiêu dùng khi điều chỉnh tăng giá điện.