PVN nói sao khi EVN đề xuất nhường khí để sản xuất điện?
(DNTO) - Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau là các công ty cổ phần, nên các hoạt động đều phải được Đại hội đồng cổ đông quyết định, đồng thời theo tính toán của PVN, việc giảm/dừng nguồn khí của hai nhà máy đạm cho sản xuất điện cũng không giúp nhiều (chỉ gần 1%) cho hệ thống điện quốc gia.
Tình trạng nắng nóng kỷ lục đã xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước trong tháng qua và được dự báo sẽ còn tiếp diễn. Tuy nhiên hiện tại, lưu lượng nước về các hồ thủy điện rất thấp, đặc biệt các hồ thủy điện miền Bắc; nguồn than nhập khẩu về chậm hơn so với nhu cầu... gây khó khăn cho mục tiêu đảo bảo cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Ngày 16/5, EVN đã có văn bản số 2480/EVN-KTSX đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau hỗ trợ, ưu tiên nhường khí cho sản xuất điện, trước mắt xem xét cho ngừng toàn bộ Nhà máy đạm Cà Mau và Nhà máy đạm Phú Mỹ để nhường khí cho sản xuất điện từ nay cho đến hết tháng 5.
Trước đề xuất này của EVN, ngày 20/5, thông báo từ PVN đã đưa ra nhiều lý do phản hồi đề nghị của tập đoàn này.
Cần cơ chế mua khí phù hợp?
Hiện tại nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau đang tiêu thụ ổn định khoảng 1,1 tỷ m3 khí mỗi năm, góp phần đảm bảo an ninh lương thực của đất nước. Việc lập kế hoạch cho nhu cầu sử dụng khí cũng như kế hoạch về bảo dưỡng, bảo trì các nhà máy đều được các bên tuân thủ theo các quy định chặt chẽ của các hợp đồng mua bán khí có cam kết dài hạn.
Nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau là các công ty cổ phần nên các hoạt động tác động đến hiệu quả sản xuất kinh doanh đều phải được thông qua Đại hội đồng cổ đông của các công ty này trước khi thực hiện.
"Việc dừng/giảm cấp khí ngoài kế hoạch cho các nhà máy đạm Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, làm phát sinh nhiều hệ lụy đến các bên liên quan và sẽ phụ thuộc vào sự chấp thuận, thiện chí, sự hợp tác chia sẻ của cổ đông các nhà máy đạm", PVN cho biết.
Trong khi đó, theo PVN, việc dừng/giảm khí thiên nhiên của các nhà máy đạm cũng không giúp nhiều, khoảng gần 1% cho việc đảm bảo vận hành hệ thống điện quốc gia.
Tổng công ty đưa ra các đề xuất để duy trì cung cấp khí thiên nhiên dài hạn cho sản xuất điện, bao gồm: có cơ chế phát triển nguồn điện chạy nền ổn định, những quy định về vận hành hệ thống điện phù hợp với cơ chế cam kết mua khí thiên nhiên...
Đặc biệt, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng lưu ý, các cơ quan chức năng cần có "những quy định về vận hành hệ thống điện phù hợp với cơ chế cam kết mua khí thiên nhiên và chính sách giá điện hợp lý". Điều này sẽ giúp chủ đầu tư các nhà máy điện có thể yên tâm ký kết các hợp đồng mua khí dài hạn, nhất là khi các nguồn khí thiên nhiên giá rẻ trong nước ngày càng cạn kiệt và giá các nguồn LNG nhập khẩu ngày càng tăng.
Huy động điện khí đang thấp
Khí thiên nhiên là một loại hàng hoá đặc thù, và để khai thác và phát triển được như ngày hôm nay, là cả một quá trình dài phát triển đồng bộ đường ống dẫn khí, hệ thống khách hàng. Trong khi đó, việc khai thác các mỏ khí lại có sự tham gia của nhiều chủ mỏ như Petrovietnam và các đối tác nước ngoài và luôn tuân theo kế hoạch khai thác cụ thể hàng năm dựa theo các tiêu chí chặt chẽ.
Trong khi đó, theo PVN, nhu cầu huy động khí thiên nhiên cho sản xuất điện trong quý 1 năm nay là rất thấp. Tính đến hết tháng 4 vừa qua, lượng khí huy động cho các nhà máy điện chỉ đạt 96% so với kế hoạch của Bộ Công Thương đã giao.
Thực tế, Petrovietnam và các bên trong các hệ thống khí đã tăng cường khai thác tối đa lượng khí thiên nhiên trong nước, đồng thời còn thống nhất mua toàn bộ lượng khí khai thác từ cụm mỏ PM3-CAA với Malaysia để hỗ trợ nguồn cung trong nước, dự kiến đưa lượng khí huy động vượt 104.8% so với kế hoạch của Bộ Công Thương giao.
Tuy nhiên hiện tại, công suất huy động các nhà máy điện khí đang rất thấp "cao nhất chỉ chiếm khoảng 12% trong tổng công suất các nguồn điện được huy động". Do đó, theo PVN, việc huy động từ nhiều nguồn khác ngoài điện khí là cần thiết, có thể tính đến các nguồn như điện than, thuỷ điện, năng lượng tái tạo…
Trước đó, tại cuộc họp về đảm bảo cung ứng điện mùa khô năm 2023, Thủ tướng đã yêu cầu chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn EVN, PVN, Công nghiệp Than - Khoáng sản, Tổng công ty Đông Bắc thực hiện ngay các giải pháp để bảo đảm cung ứng đủ điện, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn mang tính ngắn hạn, cục bộ đến ngày 25/5/2023.