Fed có thể nới lỏng chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm
(DNTO) - Thông tin tại hội nghị giao ban với các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, ông Trần Minh Thắng, Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco (Mỹ), cho biết Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể nới lỏng chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm.
Theo Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco, nền kinh tế Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2024 chịu tác động của nhiều yếu tố. Trong đó nổi lên là tình hình tranh cử tổng thống căng thẳng, dự kiến cuộc bầu cử người đứng đầu nước này sẽ diễn ra vào tháng 11 tới. Song song với cuộc bầu cử, sự phân hóa chính trị trong lòng nước Mỹ ngày càng trở nên gay gắt. Trong khi đó, lãi suất vẫn duy trì ở mức cao và những biến động địa chính trị, địa kinh tế từ cuộc khủng hoảng chiến tranh Nga – Ukraine, khủng hoảng ở dải Gaza, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung... vẫn căng thẳng.
Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chậm lại trong quý đầu năm nay. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nền kinh tế của nước này ngày càng tránh được suy thoái. Tăng trưởng GDP quý 1 đạt 1,6% so với mức 3,4% trong quý 4/2023. Thị trường lao động đã đạt được điểm cân bằng tốt hơn, tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ nhưng vẫn ở mức thấp 4%.
“Nhìn chung, thị trường lao động đã trở lại ở mức trước xảy ra đại dịch, tức tương đối khan hiếm nhưng không quá nóng. 6 tháng cuối năm, dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ có thể đạt mức 1,5%, trước khi tăng lên 1,7% vào năm 2025. Lạm phát sẽ giữ ở mức ổn định 2,5% và do đó rất có thể Fed sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ sang nửa cuối năm nay”, ông Thắng nhận định.
Cùng với tăng trưởng kinh tế, lạm phát đã giảm đáng kể từ đỉnh điểm 7% xuống còn 2,7%. Theo Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), tỷ lệ này vẫn còn khá cao và Cục này cam kết sẽ đưa lạm phát về mục tiêu 2%, để đạt được mục tiêu kép là tối ưu hóa thị trường việc làm và giữ cho mặt bằng giá cả ổn định.
Trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của nước này đạt 683 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu đạt 1.055 tỷ USD và nhập siêu 371 tỷ USD. Tác động của hậu Covid-19 đã khiến Hoa Kỳ điều chỉnh chính sách mới, bao gồm việc đảm bảo an toàn chuỗi cung ứng toàn cầu và hỗ trợ công nghiệp phục hồi sau đại dịch.
Một nội dung quan trọng trong chính sách thương mại của Mỹ là nước này tập trung hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước, bao gồm các gói tài trợ, khuyến khích đầu tư, nghiên cứu phát triển và sản xuất trong các ngành công nghiệp chiến lược. Để bảo vệ các công nghệ tiên tiến và dịch vụ quan trọng, nước này cũng củng cố các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ, đưa ra các quy định nghiêm ngặt hơn về an ninh mạng, tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ.
“Theo dự đoán, chính sách thương mại của Hoa Kỳ trong năm bầu cử tổng thống sẽ chưa có nhiều thay đổi. Nước này sẽ tiếp tục đề cao các yếu tố như tăng cường ăn ninh kinh tế, đàm phán các thỏa thuận thương mại song phương, đa phương cũng như thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp nội địa. Mỹ cũng sẽ tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại...”, ông Thắng cho biết.