Giới công nghệ toàn cầu chạy đua trong cuộc chiến chip bán dẫn
(DNTO) - Được xem là công nghệ làm chủ tương lai, vì vậy, phát triển chip bán dẫn đang được các cường quốc như Ấn Độ, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... tập trung cao độ. Việt Nam có nhiều cơ hội trong xu hướng này.
Cuộc chạy đua hàng trăm tỷ USD
Sáng 29/5, diễn ra hội thảo “Hợp tác phát triển công nghiệp bán dẫn” trong khuôn khổ Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2024 (Vietnam - Asia DX Summit 2024).
Tại hội thảo, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) thông tin, cho biết bán dẫn là một trong những công nghệ lõi quan trọng để các quốc gia tăng tốc phát triển trong nền kinh tế số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.
Chip bán dẫn là một loại vi mạch cung cấp năng lượng cho nhiều loại hàng hóa, linh kiện điện tử, công nghệ, cho phép máy móc thực hiện những chức năng chính như điều khiển, xử lý dữ liệu, lưu trữ... Nói cách khác, chip bán dẫn là một thành phần không thể thiếu trong các thiết bị điện tử, công nghệ hiện nay.
Ông Bình cho biết số lượng chip bán dẫn sẽ tăng gấp đôi sau 2 năm còn dữ liệu thế giới sẽ tăng gấp đôi sau mỗi năm. Đó cũng là lý do mà thế giới công nghệ toàn cầu đang diễn ra “cuộc chiến bán dẫn”, bởi đây quốc gia nào, tổ chức nào cũng mong muốn đi đầu trong công nghệ sẽ làm chủ tương lai này.
Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này khi các công ty nước này chiếm gần một nửa doanh số chip bán dẫn thế giới. Ấn Độ đang sở hữu lượng kỹ sư thiết kế chip bán dẫn hàng đầu còn Trung Quốc là nơi sản xuất nhiều chipset (nhóm mạch tích hợp các chip) nhất (chiếm 70%).
Để củng cố vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, Mỹ đã ban hành Đạo luật Khoa học và CHIPS liên ngành, với các gói hỗ trợ tài chính lên tới 200 tỷ USD trong 10 năm tới để cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc. Còn phía chính Trung Quốc, để tăng cường tự chủ công nghệ, nước này cũng vừa rót thêm gói đầu tư thứ 3 hơn 47 tỷ USD để tập trung phát triển thiết bị sản xuất chip. Đây cũng là gói đầu tư lớn nhất từ trước đến nay vào ngành công nghiệp bán dẫn của đất nước tỷ dân.
Phần còn lại của thế giới cũng chạy đua đầu tư vào lĩnh vực này, đặc biệt sau cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19 đã gây ra tình trạng khan hiếm chip bán dẫn.
Phân tích thêm về cuộc chạy đua này, bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, Phó Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết trong suốt 2 thập kỷ qua, thị trường chip toàn cầu luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt 14%. Dự báo có thể trở thành ngành công nghiệp nghìn tỷ USD vào năm 2030.
Cuộc chạy đua công nghệ của các cường quốc nóng lên kéo theo nhu cầu nhân sự trong lĩnh vực bán dẫn sẽ tiếp tục tăng cao. Ước tính tới năm 2030, Trung Quốc cần tới 400.000 nhân sự, Hoa Kỳ cần 67.000 nhân sự, các nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… cũng trong tình trạng thiếu hụt bán dẫn.
Theo bà Quyên đây chính là cơ hội cho Việt Nam trong việc cung ứng nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, đặc biệt khi nhiều tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới đang rầm rộ tiến vào thị trường Việt Nam và mong muốn đặt cơ sở tại đây.
Sự đón đầu từ phía Việt Nam
Để đón đầu làn sóng này, Việt Nam đã tung ra chiến lược phát triển nhân lực bán dẫn, với mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030. Trong đó có 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch, 35.000 kỹ sư trong lĩnh vực sản xuất, đóng gói, kiểm thử và các lĩnh vực khác. Ngoài ra, Việt Nam cần phát triển đội ngũ 1.300 giảng viên và mở rộng mạng lưới đào tạo lên 200 cơ sở để đáp ứng mục tiêu này.
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam) việc quyết vấn đề nhân lực bán dẫn là rất quan trọng nhưng chưa đủ. Việt Nam cần phải tạo điều kiện hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, tham gia phát triển thị trường bán dẫn trong nước. Việc tạo lập hệ sinh thái hỗ trợ sẽ giúp Việt Nam giữ chân được các “đại bàng”. Bởi các tập đoàn bán dẫn khi vào Việt Nam sẽ luôn tìm kiếm các đối tác đủ điều kiện trở thành nhà cung ứng của họ, hỗ trợ họ mở rộng sản xuất tại đây.
Liên quan đến cơ chế, chính sách phát triển ngành bán dẫn, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Việt Nam đang có nhiều lợi thế để sẵn sàng phát triển ngành công nghiệp này như quyết tâm chính trị cao, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lực lượng lao động có trình độ, có quan hệ chiến lược toàn diện với các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển.
Việt Nam có lợi thế nằm ở trung tâm Đông Nam Á, dễ dàng kết nối với các thị trường lớn trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia. Vì vậy Việt Nam có vị trí lý tưởng để thiết lập cơ sở sản xuất, phân phối bán dẫn cho khu vực. Ngoài ra, vị trí tiếp giáp với Trung Quốc và gần Ấn Độ (là những thị trường có nhu cầu cao về sản phẩm công nghệ), sẽ giúp Việt Nam có thể tận dụng để mở rộng xuất khẩu và thu hút đầu tư từ các công ty muốn tiếp cận những thị trường này.
“Công nghiệp bán dẫn hiện là một trong những lĩnh vực được hưởng các ưu đãi cao nhất theo pháp luật về đầu tư, từ chính sách thuế đến các hỗ trợ đầu tư chuyên biệt. Ngoài ra, Chính phủ cũng ký kết thỏa thuận hợp tác thương mại, kỹ thuật, hỗ trợ tài chính hay hợp tác nghiên cứu với nhiều tổ chức quốc tế để khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực này”, bà Ngọc cho biết.