Không thể lỡ cơ hội đón các đại bàng bán dẫn
(DNTO) - Rất nhiều nước đang cạnh tranh để thu hút các tập đoàn bán dẫn đến với mình. Việt Nam với những lợi thế sẵn có cần nhanh chóng triển khai các chiến lược để thu hút và giữ chân họ.
Trải thảm đỏ đón đại bàng
Trong năm 2023, rất nhiều tập đoàn bán dẫn từ khắp nơi trên thế giới bày tỏ mối quan tâm đến Việt Nam. Từ Intel, Amkor, Synopsys, Marvell, Qualcomm (Mỹ) cho đến Samsung, Hana Micron Vina (Hàn Quốc), Infineon (Đức)... rục rịch với các kế hoạch mở rộng cứ điểm sản xuất tại đây.
Nhưng những tập đoàn lớn cũng đang đặt sự chú ý vào các quốc gia bên cạnh như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia... Vì vậy, Việt Nam đang đứng trước bài toán phải có chiến lược hấp dẫn để thu hút các đại bàng.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE), cho biết ngành bán dẫn đầu tư vào Việt Nam đã có kinh nghiệm, bắt đầu từ việc Intel vào Việt Nam cách đây 20 năm nay. Họ làm công đoạn quan trọng là đóng gói và kiểm thử, nhưng chưa phải cốt lõi, vì giá trị gia tăng thấp chỉ từ 6-7%. Vì vậy muốn phát triển lĩnh vực này, Việt Nam cần thu hút nhiều đại bàng bán dẫn với công đoạn và công nghệ cao hơn.
Ông Toàn cho biết, các nhà đầu tư khi mở rộng sản xuất ở một nơi nào đó họ đều quan tâm đến nguồn nhân lực. Khi Intel họ vào Việt Nam, lúc đó họ tuyển 1.000 kỹ sư nhưng cũng rất chật vật mới tuyển đủ. Nhưng giờ tình hình đã khác. Chính phủ Việt Nam đã có định hướng rõ ràng với mục tiêu đào tạo 50.000 – 100.000 nhân lực bán dẫn trong 5 năm tới.
“Con người Việt Nam rất phù hợp cho đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển. Nguồn nhân lực phục vụ cho thiết kế bán dẫn rất cần những con người như vậy. Người Việt Nam đi thi các cuộc thi quốc tế đạt giải thưởng rất cao, trong khi môi trường giáo dục, đời sống thấp hơn nhiều nước. Nước ngoài họ vào Việt Nam họ đã nghiên cứu rất kĩ như vậy”, ông Toàn nhận định.
Ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch Công ty Hệ thống Thông tin FPT kiêm Chủ tịch Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT, cho biết ngoài ngành công nghiệp bán dẫn có quy mô 600 tỷ USD, chúng ta còn có ngành điện điện tử có quy mô gấp 30 lần. Khi xây dựng được ngành bán dẫn ở Việt Nam, rất có khả năng sẽ xây dựng được ngành điện điện tử ở Việt Nam. Và ngành điện, điện tử mới là sân chơi cho rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ví dụ một doanh nghiệp như Samsung sang Việt Nam, cần hàng trăm thiết bị hỗ trợ, nếu doanh nghiệp vừa và nhỏ đáp ứng được yêu cầu thì sẽ làm được. Còn ngành bán dẫn không phải doanh nghiệp vừa và nhỏ đến mà phải mang được những “ông lớn” đến.
“Chúng tôi từng gặp đoàn doanh nghiệp phụ trợ của Đài Loan, họ kéo 100 doanh nghiệp sang, họ nói cứ TSMC sang thì 100 công ty họ sẽ sang theo. Mấu chốt là làm sao chúng ta xây dựng hạ tầng, có ưu đãi để TMSC, các đại bàng lớn sang thì các doanh nghiệp phụ trợ sẽ sang theo. Và các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam sẽ có cơ hội làm việc với các doanh nghiệp đó, cùng lớn lên dần”, ông Hòa cho biết.
Lựa chọn đúng và trúng
Mặc dù Việt Nam có lợi thế trong thu hút vốn FDI nhưng theo lãnh đạo VAFIE, vấn đề vẫn là khâu hợp tác giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội địa để tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất hàng xuất khẩu. Đây là khâu yếu nhất từ trước tới nay và chưa giải quyết được triệt để. Do đó doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam vẫn chỉ làm các công đoạn có giá trị gia tăng thấp trong chuỗi sản phẩm. Không tham gia được vào các công đoạn sâu khiến trình độ, năng lực của các doanh nghiệp không có cơ hội nâng cao.
“Người ta cứ mặc nhiên việc làm phụ trợ cho doanh nghiệp FDI là của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Không nên đặt vấn đề như vậy, phải là bắt tay từ những doanh nghiệp lớn như FPT, Viettel, Vingroup… với sự tham gia một cách bình đẳng thông qua các công ty vừa và nhỏ thuộc tập đoàn, làm sản phẩm ở phân khúc công nghệ cao. Có lẽ chúng ta phải làm theo cách như vậy mới làm được bán dẫn. Còn nếu nói doanh nghiệp vừa và nhỏ đến xin làm công đoạn nào đó trong sản xuất chất bán dẫn thì không ai làm được. Phải có những tập đoàn lớn, đủ vốn, đủ công nghệ, thương hiệu để tham gia với họ”, ông Toàn khuyến nghị.
Đồng tình với quan điểm này, đại diện FPT cho rằng Chính phủ cần chọn lựa và tập trung đúng vào những tiêu điểm, ưu tiên phục vụ và thu hút những “ông lớn” sang Việt Nam, làm sao để nâng cấp hạ tầng, đáp ứng yêu cầu của họ và có những ưu đãi đủ thu hút.
“Hiện tại các ông lớn đi đến đâu cũng được săn lùng, Malaysia, Ấn Độ… Các Chính phủ như Malaysia, Indonesia chi tiền mặt cả tỷ USD để Intel vào. Chúng ta không thể đua được nhưng cũng phải có những đề nghị tương tự để thu hút họ”, ông Hòa nói.
Ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), cho rằng với ngành bán dẫn cần nhiều việc phải làm. Đơn cử như việc đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn, con số phải là hàng triệu chứ không chỉ dừng lại ở mức 50.000. Vị này cũng nhấn mạnh, để phát triển các ngành công nghiệp, điện là rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay chúng ta cần hướng đến các nguồn năng lượng sạch. Nói chung, Việt Nam cần cải thiện cơ sở hạ tầng để có thể thu hút nguồn vốn vào công nghiệp bán dẫn trong tương lai.
Trước vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng các yếu tố như hạ tầng cứng (đất đai, giao thông, điện, nước...), hạ tầng mềm (công nghệ thông tin), cơ chế chính sách, nghiên cứu phát triển, chiến lược và nguồn nhân lực để làm chủ và sẵn sàng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị trong ngành bán dẫn toàn cầu.
“Trước các kiến nghị của doanh nghiệp như thuế ưu đãi cho ngành bán dẫn; chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho ngành công nghệ mới; cơ chế đối với các trung tâm nghiên cứu R&D; phát triển hạ tầng số... chúng tôi sẽ cùng với các bộ, ngành tổng hợp, nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới để đưa ra những chính sách có tính cạnh tranh cao”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.