Hiệu ứng domino trong ngành công nghiệp
(DNTO) - Làn sóng đầu tư của nhiều “đại bàng” sản xuất công nghiệp vào ngành điện tử - bán dẫn Việt Nam sẽ tạo ra một bộ mặt rất khác cho nền kinh tế trong 5 năm tới.
Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch kiêm sáng lập MES LAB, Kỹ sư trưởng Nova & Co, cho biết thời gian qua, truyền thông rầm rộ đưa tin về làn sóng đầu tư của nhiều “đại bàng” sản xuất công nghiệp vào ngành điện tử - bán dẫn Việt Nam, như Intel, Amkor, Hana Micron, Samsung, Meiko, LG... Trong nước, nhiều doanh nghiệp hàng đầu cũng tích cực bước vào sân chơi này như FPT, CMC, Viettel.
Cùng với làn sóng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam, Ấn Độ và Đông Nam Á, Việt Nam sẽ đón làn sóng sản xuất công nghệ cao với các nền tảng tự động hoá và thông minh hoá cao độ, các công nghệ và nền tảng quản trị sản xuất mới. Việt Nam cũng có cơ hội thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo nguồn nhân lực chất lượng cho nền công nghiệp. Các doanh nghiệp của Việt Nam nhờ đó cũng có cơ hội nâng tầm công nghệ trước sức ép tồn tại trong bối cảnh mới.
Những xu hướng trên sẽ tạo ra hiệu ứng domino đến hệ sinh thái, phát triển công nghiệp Việt Nam. Việt Nam có cơ hội xây dựng chuỗi cung ứng tại chỗ cho sản xuất công nghiệp. Cụ thể là nguồn cung chip và linh kiện điện tử cho các ngành như ô tô, sản phẩm điện tử tiêu dùng, điện gia dụng, y tế, quân sự....
“Có một sự chuyển mình thực sự mạnh mẽ đang diễn ra, một cơ hội lớn. Bộ mặt ngành sản xuất, không chỉ điện tử bán dẫn, sẽ rất khác, sau 5 năm nữa. Đây là cơ hội cho cả nền kinh tế”, ông Tuấn nói.
Đặc biệt khi mối quan hệ Hoa Kỳ và Việt Nam nâng lên thành đối tác chiến lược toàn diện, cơ hội Việt Nam phát triển ngành công nghiệp, công nghệ cao từ mối quan hệ này ngày càng rộng mở.
Bà Phạm Châu Giang, Giám đốc Đối ngoại Tập đoàn VinaCapital, cho biết gần đây có một số thông tin cho rằng vị thế của Hoa Kỳ trong ngành công nghệ cao, đặc biệt là ngành bán dẫn đang giảm dần khi thị phần sản xuất bán dẫn của Hoa Kỳ chỉ còn 13% so với thị phần toàn cầu.
Tuy nhiên nhìn lại chuỗi cung ứng toàn cầu trong ngành bán dẫn, đã có sự thay đổi rất lớn trong 20 năm qua, khi các doanh nghiệp Hoa Kỳ bắt đầu định vị sâu hơn họ ở vai trò nào trong chuỗi bán dẫn đó. Nhìn góc độ toàn cầu, các doanh nghiệp Hoa Kỳ vẫn đứng vị trí “lead” (dẫn đầu) trong cuộc chơi về bán dẫn nhưng họ không đi vào phân khúc sản xuất, dây chuyền, đóng gói mà đi sâu vào nghiên cứu phát triển, thiết kế, ý tưởng và phối kết hợp, phân chia nguồn lực ở các thị trường.
“Thế giới phẳng, các doanh nghiệp đa quốc gia, đôi khi chúng ta làm ăn với một doanh nghiệp cũng không thể biết được đó là doanh nghiệp Hoa Kỳ hay nguồn vốn từ đâu. Khi chúng ta đón tiếp một doanh nghiệp Hoa Kỳ đến Việt Nam cũng chưa chắc hàng sản xuất của họ đã xuất sang Hoa Kỳ. Trong khi có khi chúng ta đón tiếp doanh nghiệp đến từ các khu vực khác nhưng phần lớn hàng hoá lại xuất sang Hoa Kỳ hoặc xuất khẩu qua nước trung gian rồi mới đến Hoa Kỳ. Hiện quá trình vận động của chuỗi sản xuất, cung ứng rất phức tạp”, bà Giang nói.
Nhận định về mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, chuyên gia Đại học FulBright Việt Nam cho biết khó có thể hình dung rằng một nước có GDP chỉ xấp xỉ 1,6% GDP của Hoa Kỳ nhưng Việt Nam lại có thể trở thành một trong những đối tác hàng đầu của nước này.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, qua 10 tháng, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, ước đạt 47 tỷ USD. Sau đó là điện thoại các loại và linh kiện, thu về 44,02 tỷ USD.
Ông Tuấn nhận định, Việt Nam xuất khẩu linh kiện, điện thoại đi hầu hết các thị trường, nhưng thị trường Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng lớn. Đây là một trong những mong muốn về cải cách cơ cấu kinh tế của Việt Nam, chuyển đổi từ xuất khẩu các sản phẩm thâm dụng tài nguyên, môi trường, lao động sang những ngành thâm dụng công nghệ.
Đây cũng là bước ngoặt trong quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ và giúp ta có thể thực hiện được công cuộc chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Trong nhóm ngành nhập khẩu từ Hoa Kỳ như máy bay và linh kiện chiếm 60-70% tổng nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam.
“Với quan hệ đối tác chiến lược được mở ra, điều quan trọng là sắp tới đây, các cơ quan liên quan của hai nước phải làm sao cụ thể hoá nội hàm của quan hệ đối tác chiến lược đó để đưa các quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư đi vào thực chất hơn và tạo ra những kỳ tích tăng trưởng mới”, ông Tuấn nhận định.