Việt Nam cần làm gì khi Thái Lan, Ấn Độ cũng ráo riết săn các ‘đại bàng’ bán dẫn?
(DNTO) - Việt Nam đang có nhiều lợi thế để thu hút các tập đoàn bán dẫn sừng sỏ, nhưng cần nỗ lực nhiều hơn trong việc thay đổi thể chế, chính sách vì có rất nhiều nơi khác trong khu vực cũng đang làm việc tương tự.
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Với vai trò là đại sứ đầu tư, thời gian qua, VinaCapital đã đi khắp các nước, tìm các nhà đầu tư thúc đẩy họ đầu tư vào Việt Nam. Bà Phạm Châu Giang, Giám đốc Đối ngoại Tập đoàn VinaCapital cho biết ngành bán dẫn hiện chia làm nhiều công đoạn như lên ý tưởng, nghiên cứu phát triển, thiết kế, sản xuất hàng loạt, kiểm nghiệm, đóng gói.
Với lĩnh vực sản xuất chip thế hệ mới, chip 2 nm, Việt Nam trước mắt hơi khó để thu hút nguồn lực. Vì đầu tư một nhà máy sản xuất như vậy có thể lên tới 10-20 tỷ USD, thậm chí tới 30 -50 tỷ USD và yêu cầu rất nhiều điều kiện kèm theo. Tuy nhiên, ở Việt Nam, các nhà đầu tư đánh giá cao đây là điểm đến trong lĩnh vực chip thế hệ cũ sử dụng trong ô tô, điện thoại, thay vì chip sử dụng trong công nghệ vũ trụ, công nghệ y tế mới.
“Giá trị của chip thế hệ cũ không phải quá cao nhưng “vừa miếng” với Việt Nam. Ai cũng muốn đi thật nhanh, nhưng muốn chạy nhanh thì trước hết phải vững”, bà Giang nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Thắng Vượng, Vụ châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công thương) cho biết trong sự kiện Vietnam Sourcing 2023 mới đây (sự kiện kết nối nhà mua hàng quốc tế và nhà cung ứng Việt Nam), Vụ này có mời hàng trăm đoàn mua hàng quốc tế, trong đó có Tập đoàn Boing tham dự. Trước đó Boing đã bày tỏ mong muốn vào Việt Nam để tìm kiếm các nhà cung ứng cho chuỗi cung ứng hàng triệu linh kiện của họ.
Sau khi bố trí cho đại diện Boing gặp rất nhiều nhà cung ứng từ Bắc, Trung, Nam, đặc biệt là đến khu công nghiệp Chu Lai của Tập đoàn Trường Hải, họ vô cùng ấn tượng với năng lực sản xuất tại đây. Nhưng năng lực sản xuất xe hơi hoàn toàn khác với năng lực sản xuất hàng không, vũ trụ, các tiêu chuẩn cũng rất khác.
“Dù anh rất giỏi trong sản xuất xe hơi nhưng để lên trình độ sản xuất máy bay thì câu chuyện lại khác, đầu tư sẽ khác. Tất nhiên họ rất ủng hộ Trường Hải sẽ đầu tư chuyên sâu để tham gia sản xuất một vài linh kiện trong chuỗi cung ứng của Boing, nhưng cũng cần thời gian, vốn đầu tư, sự nỗ lực của riêng Trường Hải cũng như sự hỗ trợ từ chính sách của nhà nước. Chúng ta đang rất hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, họ đã đến đây rồi nhưng chúng ta phải đi rất nhiều bước mới có thể tiếp cận được”, ông Vượng nói.
Chính phủ cần làm gì?
Theo đại diện VinaCapital, về đóng gói kiểm nghiệm, đến thời điểm hiện tại đã có khá nhiều doanh nghiệp nước ngoài đặt nhà máy. Tuy nhiên, trong thời gian tới, chính phủ các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ cũng đều có chiến lược phát triển ngành bán dẫn. Việt Nam đã thu hút được các nhà đầu tư đến đây thì phải làm thế nào để họ mở rộng mảng sản xuất ở đây. Khi họ đã đặt nền móng ở Việt Nam thì hoàn toàn họ có mong muốn mở rộng ở đây nếu như có chính sách phù hợp.
Vị này nhận định có 4 vấn đề mà Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp: hạ tầng, nguồn lực, nhân lực, thủ tục đầu tư.
Việt Nam đang mong muốn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến khu công nghiệp mới của mình thì quan trọng là hạ tầng phải rất tốt, có thể kết nối thuận tiện giữa các khu công nghiệp với trung tâm các thành phố và các cảng.
Bà Giang cho biết, khác với các ngành thâm dụng lao động như da giày, dệt may, phần lớn công nhân họ ở xung quanh khu công nghiệp, ngành công nghệ cao phần lớn là các công nhân, kĩ sư chất lượng cao, họ không chấp nhận ở vùng xa xôi, hẻo lánh.
Chưa kể ngành công nghệ cao cũng phải cạnh tranh nhân lực với ngành tài chính, ngành khác. Để thu hút người giỏi, hạ tầng khu công nghiệp phải kết nối thuận lợi với các thành phố lớn để họ có thể đi về trong ngày. “Tốt nhất là từ 30-40 phút di chuyển là phù hợp với họ. Nếu đi 1 tiếng đồng hồ, về 1 tiếng đồng hồ rất mệt mỏi”, bà Giang nói.
Nguồn lực là yếu tố trọng yếu của ngành công nghệ cao. Bà Giang cho biết các tập đoàn nước ngoài thường yêu cầu 2 nguồn lực là năng lượng (điện) và con người. Riêng TSMC – tập đoàn sản xuất chip lớn nhất Đài Loan, lượng điện tiêu thụ mỗi năm bằng ¼ lượng điện của cả Đài Loan sản xuất. “Điện phải rất ổn định, nếu đang sản xuất mất điện thì chỉ 1 năm sau là họ nói tạm biệt”.
Về vấn đề nguồn nhân lực, Chính phủ đã có đề án hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư phục vụ cho ngành bán dẫn. Tuy nhiên, theo bà Giang, đào tạo nhân lực là quá trình dài hơi, trong khi Việt Nam mới “chân ướt chân ráo” bước vào lĩnh vực này, vì vậy Chính phủ Việt Nam nên có sự trao đổi với chính phủ khác dể thúc đẩy sự giao lưu, trao đổi giảng viên, sinh viên, liên kết mạnh mẽ giữa cơ sở giáo dục các nước cũng như với tập đoàn.
“Nếu trong trường hợp hiện tại muốn đào tạo 50.000 nhân lực nhưng ngay giảng viên chưa có kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn lớn, nếu chỉ có kiến thức “chay” làm sao đảm bảo đào tạo. Đào tạo 50.000 hay 100.000 không quan trọng, quan trọng các sinh viên đào tạo đó họ có đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn hay không”, bà Giang nêu quan điểm.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nước ngoài rất tâm đến thủ tục đầu tư ở Việt Nam. Thời gian vừa qua, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ có rất nhiều chiến lược tích cực trong việc thu hút các “đại bàng” bán dẫn. Chính phủ Việt Nam cũng có rất nhiều chính sách tạo điều kiện thông thoáng cho nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên quá trình cải thiện thủ tục hành chính cần đẩy nhanh hơn.
“Có 1 cổng chính nhưng để vào được bên trong phải qua 10 cửa phụ. Cổng chính mở rồi nhưng để các cửa khác cũng mở thuận tiện thì đó mới hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư. Ngành bán dẫn hay các ngành công nghệ cao thay đổi liên tục và chúng ta phải chấp nhận rằng khó để đưa ra một quy định ‘cứng’ vì chỉ 1 năm sau có thể lạc hậu. Các doanh nghiệp nước ngoài chia sẻ rằng xây dựng phòng Lab lên đến 2 tỷ USD nhưng chỉ 1 năm sau đã trở thành lịch sử. Làm sao cập nhật chính sách theo công nghệ cũng là bài toán khó. Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm nước láng giềng”, đại diện VinaCapital gợi ý.