Tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ bỏ xa Trung Quốc vào năm 2031
(DNTO) - Theo một nhà nhân khẩu học hàng đầu, dân số đang già đi nhanh chóng của Trung Quốc sẽ trở thành chướng ngại lớn cho tăng trưởng kinh tế của nước này, vốn đang sắp bị Mỹ vượt mặt trong vài năm tới.
Fu-Xian Yi, chuyên gia về khoa học sinh sản tại Đại học Wisconsin–Madison và là chuyên gia về nhân khẩu học của Trung Quốc, đã chỉ ra rằng tỷ lệ dân số Trung Quốc trên 65 tuổi đã tăng lên 15,4% vào năm 2023 từ mức 7% vào năm 1998.
“Trong lịch sử, chưa có quốc gia nào đạt được mức tăng trưởng 4% trong 12 năm tiếp theo sau khi tỷ lệ người già chiếm 15% dân số”, Fu-Xian Yi viết trên Project Syndicate. “Tốc độ tăng trưởng trung bình của các nước có thu nhập cao trong giai đoạn này chỉ là 1,8%”.
Mặc dù Mỹ vẫn giữ ngôi vị là nền kinh tế lớn nhất thế giới nhưng tốc độ tăng trưởng của nước này đã tụt hậu so với Trung Quốc, ngay cả khi nền kinh tế đứng thứ hai này đã gặp nhiều “trục trặc” trong những năm gần đây. Năm ngoái, GDP của Trung Quốc tăng 5,2%, so với chỉ 2,5% của Mỹ.
Thế nhưng Yi nhận thấy tình thế sẽ thay đổi trong thập kỷ tới. Ông chỉ ra sự tương đồng giữa dân số già hóa của Trung Quốc và xu hướng nhân khẩu học tương tự đã từng làm hạ nhiệt nền kinh tế Nhật Bản và Đức trong quá khứ.
Ông dự đoán: “Dựa trên những xu hướng lịch sử này, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc có thể sẽ giảm xuống còn 3% trong năm 2028 và giảm xuống dưới mức của Mỹ từ năm 2031 đến năm 2035”.
Về phía Mỹ, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Hoa Kỳ hồi đầu năm nay dự kiến rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm dần dần, từ khoảng 2,2% trong năm 2025 xuống còn 1,9% vào những năm đầu thập kỷ 2030.
Yi cho biết thêm, Trung Quốc cũng khó có thể đạt được trạng thái “thu nhập cao”, dựa trên ngưỡng thu nhập bình quân đầu người của Ngân hàng Thế giới. Sau khi hụt chỉ tiêu trong năm 2023, mức tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người tại Trung Quốc sẽ không thể đuổi kịp tiêu chuẩn “thu nhập cao” đang tăng theo mức tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.
Hơn thế nữa, Trung Quốc đang phải đối mặt nhiều vấn đề nhức nhối, trong đó có thặng dư thương mại đang bị xói mòn, lãi suất thấp và áp lực giảm phát đè nặng lên đồng tiền, khiến việc đạt được trạng thái “thu nhập cao” càng trở nên khó khăn hơn, Fu-Xian Yi nói.
Yi kết luận: “Trên hết, Trung Quốc phải nâng cao thu nhập khả dụng của hộ gia đình và giải quyết khủng hoảng nhân khẩu học, cả hai đều đòi hỏi một cuộc cải tổ chính trị và kinh tế… Vì Trung Quốc ngày nay thậm chí còn e ngại cải cách kinh tế hơn so với khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách theo định hướng thị trường vào năm 1978, nên sự thay đổi nhanh chóng là rất khó xảy ra. Sự chuyển đổi cần thiết có thể mất vài thập kỷ, nếu không muốn nói là lâu hơn.”
Đề cập đến dân số già của Trung Quốc, hồi năm ngoái, chiến lược gia kỳ cựu Ed Yardeni cho biết nước này có thể trở thành “viện dưỡng lão lớn nhất thế giới”.
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc, khủng hoảng bất động sản, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao và những “đòn đánh kinh tế” từ Mỹ đối với các ngành công nghệ chủ chốt đã dẫn đến dự đoán cho cái gọi là thập kỷ trì trệ.
Học giả hàng đầu về Trung Quốc Anne Stevenson-Yang, đồng sáng lập J Capital Research, cho biết hồi đầu tháng này rằng “các chính sách thất thường và vô trách nhiệm, sự kiểm soát quá mức của chính quyền và những lời hứa cải cách không được thực hiện đã tạo ra một nền kinh tế Trung Quốc bế tắc với nhu cầu tiêu dùng nội địa yếu và tăng trưởng chậm lại”.
Hầu hết các nhà kinh tế đều khuyến nghị các nhà lãnh đạo Trung Quốc nên nới lỏng sự kiểm soát của họ đối với khu vực tư nhân và thúc đẩy tiêu dùng nhiều hơn.