Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy: ‘Ngành cà phê Việt Nam là con hổ nhưng chưa có tiếng gầm’
(DNTO) - Cà phê Việt Nam chủ yếu xuất khẩu dạng thô là do còn manh mún trong sản xuất, chế biến. Mạng lưới thương lái, chủ vựa còn nhiều dẫn đến tình trạng giá cả, chất lượng không đảm bảo sự ổn định. Người trồng cà phê “đẻ con ra nhưng không được đặt tên”.
Năm ngoái, tổng diện tích cà phê Việt Nam đạt khoảng 710.000 ha, năng suất 28,2 tạ/ha với sản lượng hơn 1,84 triệu tấn. Cà phê Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 85 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu năm ngoái đạt trên 4 tỷ USD, chiếm hơn 15% thị phần xuất khẩu cà phê thế giới, theo Vicofa. Tuy nhiên, theo đánh giá, cà phê Việt Nam chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô, giá trị gia tăng chưa cao. Việc liên kết tiêu thụ cà phê trong và ngoài nước vẫn còn nhiều hạn chế.
Trao đổi trong tọa đàm: “Liên kết thúc đẩy tiêu thụ cà phê vùng đồng bào dân tộc miền núi” chiều 13/7, bà Cao Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Lâm Đồng, thừa nhận dù là địa phương có sản lượng cà phê đứng đầu cả nước (532.000 tấn/ha) nhưng diện tích cà phê của Lâm Đồng chủ yếu tập trung ở các nông hộ từ 1-3 ha. Điều này khiến việc hình thành các hợp tác xã, hoặc liên kết cung ứng số lượng lớn còn khó khăn, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Một số nông hộ chưa chú trọng đến việc thu hoạch đảm bảo, như phải thu hái cà phê chín hoàn toàn. Mặc dù sản lượng lớn nhưng chủ yếu ở Lâm Đồng vẫn là cà phê Robusta, trên 160.000 tấn/ha, giá thu mua thấp hơn tỉnh khác hoặc giống cà phê khác.
“Ở Lâm Đồng, tỷ lệ chế biến tinh cà phê còn rất thấp. Đây cũng là tình hình chung của cả nước. Cà phê vẫn chủ yếu sơ chế, đánh bóng, xuất khẩu hạt thô là chủ yếu. Điều này khiến thu nhập và nguồn ngoại tệ thu về còn hạn chế”, bà Thanh nói.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ cùng cho biết bức tranh liên kết thu mua nông sản Việt Nam còn lỏng lẻo, việc buôn bán không có hợp đồng còn nhiều.
“Có những tỉnh tôi đã đi, tới 75% nông dân không kí hợp đồng với thương lái, doanh nghiệp; 80% có cà phê nhưng lại bán cho rất nhiều thương lái trong một vụ.Khâu trung gian, tức chủ vựa là người làm chủ về giá không phải là người có sản phẩm. Chúng tôi thường gọi người nông dân đến mùa xuất khẩu là ‘người đẻ con ra nhưng không được đặt tên’, vì anh không có quyền quyết định về giá. Đây là nỗi buồn cho nông sản xuất khẩu, mà cà phê cũng nằm trong tình trạng đó”, ông Thủy nói.
Với các cơ sở chế biến, theo ông Thủy, tỷ lệ kí kết hợp đồng cao hơn, từ 20-25% nhưng chủ yếu vẫn là thân quen, còn lại hợp đồng đảm bảo trách nhiệm, tiêu chuẩn còn rất ít. Thậm chí ngay cả trong chuỗi tiêu thụ, các thương lái và chủ vựa vẫn có thể bán cho nhiều cơ sở sản xuất, nhiều doanh nghiệp khác, dẫn đến tình trạng các loại cà phê trộn lẫn vào nhau, ảnh hưởng chất lượng.
Thông tin quý từ thị trường vẫn xa vời với doanh nghiệp
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy đánh giá ngành cà phê Việt Nam là “con hổ nhưng chưa có tiếng gầm”. “Tiếng gầm” chính là khâu liên kết, hợp tác, tiêu thụ và chế biến, thể hiện ở 4 yếu tố bất cập:
Thứ nhất, chúng ta chưa thiết lập được một hệ thống thu mua bài bản ở địa phương và doanh nghiệp. Điều này khiến vai trò của nhà nước, vai trò của ngành công thương, nông nghiệp đã nhường sân lại cho khâu trung gian. Bởi chủ yếu là thương lái, chủ vựa thu mua là chính.
“Ở đây cũng phải thông cảm vì càng sản xuất manh mún thì càng sinh ra thương lái. Nhưng tình trạng này kéo dài nhiều năm thì phải nhìn lại trách nhiệm của chúng ta trong thiết lập hệ thống phân phối và thu mua”, ông Thủy nhận định
Thứ hai, khâu tổ chức sản xuất nông dân trong tổ hợp tác, hợp tác xã còn yếu. Do đó không tập hợp, đoàn kết được nông dân và dẫn dắt họ từ thắng lợi mùa vụ tới thắng lợi hợp đồng. Vì chưa kí kết được hợp đồng, hợp tác xã chưa đủ mạnh nên giá cà phê thường mua theo thời điểm bán chứ không phải chiến lược lâu dài. Điều này khiến cho động lực phát triển, sự ổn định của doanh nghiệp khó khăn.
Thứ ba, việc dự báo thị trường, cung cấp thông tin cho nông dân, doanh nghiệp chưa kịp thời. Khâu giám sát, kiểm tra chất lượng tiêu chuẩn còn chung chung, chưa sát với thị trường xuất khẩu mục tiêu.
“Ví dụ hiện có ý kiến cho rằng người nước ngoài uống cà phê chua chua, nhạt nhạt; ở Việt Nam uống đậm nên khâu chế biến của ta chưa đa dạng. Nhưng ở nước Anh, một thị trường rất lớn, một ngày tiêu thụ 95 triệu cốc cà phê và cũng uống đậm như ở Việt Nam. Người Anh sáng uống cà phê, đọc báo dù người ta rất rõ uống cà phê gây dị ứng. Thông tin đó rất quý cho người chăm bón và các các doanh nghiệp để lựa chọn sản phẩm, tránh làm mất thị trường”, ông Thủy nêu ví dụ.
Thứ tư, chúng ta chưa hiểu tường tận văn hóa cà phê mà các thị trường chủ lực đã từng bán. Người ta uống như thế nào? Diễn biến ra làm sao? Khẩu vị như thế nào? Dự báo xu thế của thị trường ra sao?.
“Với khâu chế biến, khâu công nghiệp rất dễ thay đổi, chuyển biến. Nhưng với người nông dân trồng cà phê, việc chuyển biến rất chậm nên khâu này phải đi trước thì mới thay đổi cơ cấu mặt hàng, cơ cấu vùng trồng và khâu chăm sóc”, ông Thủy phân tích.