Việt Nam dốc sức cho hạt cà phê chống biến đổi khí hậu - Bài 2: Tìm ứng cử viên
(DNTO) - Để thách thức ngôi vị của hạt cà phê Arabica là không dễ chút nào. May thay, đã có nhiều động lực từ chính phủ, bạn bè quốc tế và hộ nông dân để tìm kiếm và nuôi dưỡng "ứng cử viên" sáng giá nhất từ cây Robusta.
Bài 1: Bức tranh đang thay đổi
Hạt Arabica vẫn giữ vững một lượng lớn “fan hâm mộ”, dù là ở ngay tại Việt Nam. Nhiều quán cà phê pha chế đặc biệt (specialty coffee) chỉ phục vụ mỗi loại hạt này, thậm chí còn tự hào họ chỉ sử dụng Arabica.
“Nhưng ngày nay, ngày càng có nhiều người nhận ra họ còn có các lựa chọn khác ngoài Arabica” - theo bà Vanúsia Nogueira, Giám đốc điều hành của Tổ chức Cà phê quốc tế.
Tìm kiếm “ứng cử viên”
Tại Bảo Lộc, Lâm Đồng, một “ứng cử viên” tranh ngôi với Arabica đang được ươm mầm: Một giống Robusta có biệt hiệu “xanh lùn”.
Tên chính thức của loại cây này là “Trường Sơn 5” (TS5), đặt theo tên của hai anh em nông dân Phạm Xuân Trường (sinh năm 1967) và Phạm Quang Sơn - những người đầu tiên giới thiệu giống cây này trong một hội chợ địa phương.
Thân dày dặn, chắc chắn, độ cao xâm xấp, cây “xanh lùn” có khả năng chống chịu cứng cỏi với các hiểm họa từ môi trường, trong đó có cả các loại sâu bệnh, nấm từng tàn phá các nông trại trồng cà phê ở Trung Mỹ.
Chính phủ Việt Nam gần đây đã công nhận TS5 là một giống cây trồng đặc biệt, cần chú ý để nghiên cứu và lai tạo. Năm 2022, Liên minh Châu Âu đã bật đèn xanh cho một dự án kết hợp với hãng thương mại nông nghiệp ECOM Agroindustrial, nghiên cứu cách ghép gốc TS5 vào các giống cây cà phê Robusta yếu hơn để tạo ra những giống cà phê mới.
Mục tiêu của dự án này, theo nhà nghiên cứu Thuận Sarzynski, là để tạo ra một giống cây “siêu cà phê” có thể chịu đựng được tất cả các hiểm họa từ biến đổi môi trường, và vẫn có thể cho ra sản lượng cao.
Ngoài Robusta, dự án của Liên minh Châu Âu cũng đang xem xét Liberica, một loại cây cà phê có rễ sâu, có thể sống sót trong các đợt hạn hán. Giống cà phê này đã được trồng với số lượng ít tại Việt Nam. Nhiều nhà nông cũng đã bắt đầu tự thí nghiệm ghép giống Robusta và Liberica.
Mô hình vườn trồng mới
Giữa trưa nắng đổ, Nguyen Trung Than, chăm chú xem xét hàng cây TS5 đều tăm tắp. Anh là một chuyên gia gieo trồng thuộc dự án của ECOM, quản lý chăm sóc vườn ươm thí nghiệm ở Bảo Lộc.
“Nhìn này” - Nguyen Trung Than chỉ một nhánh cây dày lá, xum xuê các quả mọng cà phê. Anh giải thích, đến mùa thu hoạch, mỗi cây có thể cho ra 30 ký quả cà phê, một sản lượng gấp đôi so với các giống cây cà phê khác.
Vùng cao nguyên khí trời mát mẻ hơn, nhưng chỉ mới chớm hè mà nhiệt độ đã xấp xỉ 30 độ C. Liệu những chú “lùn xanh” này có thể chịu nổi cái nóng?
Than lau trán, cười tự hào: “Nó không sợ đâu”.
Các nhà nghiên cứu đang rất tự tin vào giá trị của các giống cây Robusta ở Việt Nam. Nhưng các chuyên gia cho biết, để bảo vệ tiềm năng đó, các nhà nông cần phải ngưng việc theo đuổi sản lượng đến “vắt kiệt” đất trồng - một yêu cầu khó đòi hỏi cho những ai đang tìm cách thoát cảnh đói nghèo.
Hàng chục thập kỷ lạm dụng phân bón và canh tác độc canh - hình thức chỉ trồng một loại cây trồng để tăng sản lượng, đã làm thuyên giảm điều kiện trồng trọt ở các vùng cao nguyên Nam Trung bộ.
Đó là lời nhận xét của Bùi Đắc Hảo, người giám sát chương trình cho Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (The Sustainable Trade Initiative - IDH), một tổ chức phi lợi nhuận.
Các hãng tiêu thụ cà phê đang tìm cách khuyến khích bà con nông dân cỡ nhỏ giảm việc sử dụng phân bón và trồng các loại cây khác theo mô hình xen canh, phát triển điều kiện đất trồng.
Vào 2018, IDH đã mở một chương trình thí điểm tại Di Linh, một huyện gần kề Bảo Lộc, đưa ra nhiều ưu đãi khuyến khích nông dân trồng cây bơ, sầu riêng và các loại cây ăn trái khác trong vườn của họ.
“Phải mất một thời gian dài chúng tôi mới thuyết phục được bà con”, ông Hảo cho biết. Thành quả là cho đến năm ngoái (2022), con số hộ nông dân tham gia xen canh đã tăng từ 7% lên thành 62%.
Từ vườn nhà ra đến thế giới
Trồng trọt theo phương thức hữu cơ không chỉ có lợi cho đất trồng mà còn có lợi cho hạt cà phê - theo lời ông Tới Nguyễn, một nhà nông ở Bảo Lộc. Trong vòng 5 năm qua, ông đã phục hồi một nông trại trồng cà phê, biến nó thành một nông trại tự nhiên hơn.
Trong vườn của ông Tới Nguyễn, các loại cây bản địa mọc xen kẽ, cỏ dại và dây leo chen lấn với các cây cà phê. Trồng trọt như thế hóa ra lại có lợi cho cây cà phê, giúp chúng mọc mạnh mẽ hơn và rồi sau đó cho ra hạt cà phê ngon hơn - theo ông Tới Nguyễn.
Tới Nguyễn là con út trong một gia đình nông dân trồng lúa, đã trải qua một tuổi thơ nghèo đói. Cách đây không lâu, ông đã phải kiếm sống bằng việc bán bắp bên vệ đường. Với ông, việc bước vào lĩnh vực cà phê cao cấp thật sự không thể ngờ tới.
Nhưng ông chỉ mới bắt đầu. “Tôi muốn đi sâu hơn, nâng chất lượng cao hơn”, Tới Nguyễn nói. “Tôi muốn biết mình có thể đi được đến đâu”.
Trong những ngày tới, Tới Nguyễn sẽ bay đến Portland, Oregon, tham gia vào hội chợ cà phê lớn nhất Bắc Mỹ. Ông khá lo lắng vì mình không biết một từ tiếng Anh nào, nhưng ông không mấy lo về chất lượng của cà phê.
Bởi vì, ông vừa khuấy ly cà phê mới pha vừa nói, “chất lượng tự kiểm chứng”.