Việt Nam dốc sức cho hạt cà phê chống biến đổi khí hậu - Bài 1: Bức tranh đang thay đổi
(DNTO) - Biến đổi khí hậu đang đe dọa ngôi vị của hạt cà phê Arabica trên thế giới. Cùng lúc đó, nông dân Việt Nam đang tìm cách nâng tầm hạt cà phê Robusta thành một lựa chọn mới.
Trong nhiều thập kỷ qua, thế giới cà phê chỉ có một ngôi sao duy nhất: Hạt cà phê Arabica. Loại hạt này sở hữu hương vị “phức tạp” và “tinh túy ngon miệng”, theo nhận xét của các công ty như Starbucks, vốn từ chối sử dụng bất kỳ loại hạt nào khác. Arabica đã trở thành một “đứa con cưng” của những ai đam mê cà phê.
Nhưng biến đổi khí hậu đang thay đổi bức tranh đó.
Cây cà phê Arabica cực kỳ mẫn cảm với sự thay đổi nhiệt độ đang phải đối mặt với hiểm họa thế giới ấm dần lên. Trong khi đó, “đứa em” Robusta, bền bỉ với các điều kiện khắc nghiệt, đang lăm le một cuộc “soán ngôi”.
Việt Nam đang giữ vai trò là quốc gia xuất khẩu một nửa lượng Robusta toàn cầu, cũng như vai trò cứu vãn cà phê khỏi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Theo các nghiên cứu, cà phê Robusta trồng tại các vùng cao nguyên nước ta cho ra sản lượng cao nhất thế giới. Nhiều giống cà phê thậm chí có sản lượng cao gấp hai đến ba lần so với các giống cà phê ở những nước khác.
Một bức tranh mới
“Arabica không còn đủ để thỏa mãn nhu cầu”, theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê và ca cao Việt Nam. “Và ai cũng biết cà phê Robusta của Việt Nam là số một thế giới”.
Lý do lớn nhất của hướng nhìn chuyển đến Robusta là một lý do thực tiễn: Năm 2021, một đợt lạnh bất ngờ đã phá hủy hơn 200.000 hécta đồn điền trồng cà phê Arabica ở Brazil, có thể mất nhiều năm mới hồi phục. Cùng lúc, nhiều đợt bão liên tiếp cũng đã phá hủy vườn trồng Arabica tại Honduras, và các đợt mưa thất thường tàn phá thành quả của người trồng cà phê ở Colombia.
“Biến đổi khí hậu đã tạo nên rất nhiều vấn đề cho các quốc gia sản xuất Arabica”- Vanúsia Nogueira, Giám đốc điều hành của Tổ chức cà phê quốc tế, một hiệp hội các nước sản xuất cà phê có trụ sở tại London, đánh giá.
Năm ngoái, sản lượng giảm mạnh từ Brazil đã giúp mức xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt con số kỷ lục 4 tỷ đô la, vượt hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Hơn 93% sản lượng cà phê sản xuất trong nước là Robusta.
Cây cà phê Robusta không hẳn là hoàn toàn an toàn với biến đổi khí hậu, nó vẫn nhạy cảm với nhiều hiểm họa chẳng hạn như hạn hán. Nhưng các nhà nông học đều đồng ý loại cây này đã tiến hóa để kháng chịu sự thay đổi nhiệt độ tốt hơn so với Arabica. Đã và đang có nhiều nghiên cứu tìm hiểu về giống cây này.
Tây Nguyên - Cái nôi của Robusta
Tại Bảo Lộc, một thành phố nông nghiệp chỉ mất hai giờ đồng hồ đi xe từ Đà Lạt, nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam và châu Âu đang tìm tòi cách thức tái tạo kiểu hình (phenotype) các giống Robusta bản địa, vốn đã cho thấy khả năng chống chịu bền bỉ với cái nóng và sâu bệnh.
Tới Nguyễn, một nông dân địa phương, nói: “Cộng đồng nông dân đang chuẩn bị. Vì chắc chắn tương lai của cà phê sẽ là đây”.
Sử dụng các phương thức canh tác và xử lý mới, ông Tới Nguyễn, 48 tuổi, đã tạo ra loại cà phê Robusta đạt chứng nhận chất lượng cao bởi các chuyên gia quốc tế. Hạt Robusta của ông có thể pha chế ra cà phê có vị thanh thoát chứ không đắng “như cao su cháy” như loại hạt Robusta thông thường. Như thế, ông Tới Nguyễn đã có thể bán cà phê của mình với giá cao gấp ba lần và thu hút nhiều fan hâm mộ ở Việt Nam, Pháp và Nhật Bản, và tham gia một phong trào nhỏ sôi động, đang tìm cách nâng tầm danh tiếng của giống cà phê vốn chỉ được sử dụng để làm cà phê hòa tan.
“Việt Nam sẽ đóng vai trò to lớn không chỉ trong việc sản xuất Robusta, mà còn là giúp thế giới học cách làm được việc đó” - theo Sahra Nguyễn, nhà sáng lập gốc Việt của hãng Nguyen Coffee Supply. Hãng của cô đã thuyết phục thành công các hãng bán lẻ lớn tại Mỹ như Whole Foods và Blue Bottle Coffee bắt đầu bày bán hạt cà phê này.
Sahra Nguyễn cho biết nông dân và các nhà chế biến rang hạt cà phê ở Việt Nam là “những chuyên gia am tường, sáng tạo nhất” đối với Robusta. Họ đã có thể phát triển cách thức tinh chế với các nguyên liệu tự nhiên như mật ong, hay đi tiên phong trong việc ủ lên men trong môi trường chân không để tạo các hương vị mới.
Các nhà sản xuất trên thế giới đang ngày càng quan tâm đến các kỹ thuật này, đặc biệt là ở các quốc gia Nam Mỹ Latin. Những quốc gia này đã từng thống trị ngành cà phê thế giới với hạt Arabica, nay đang trở nên hứng thú với tiềm năng của hạt Robusta - theo Nogueira, Tổ chức cà phê quốc tế.