Nửa cuối 2023, điều hành chính sách tiền tệ có thể nới lỏng hơn để tỷ giá linh hoạt hơn nữa
(DNTO) - Theo TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế, điều hành chính sách tiền tệ trong năm nay có thể nới lỏng hơn để tỷ giá linh hoạt hơn nữa. Việc chấp nhận tỷ giá linh hoạt hơn theo thị trường là yếu tố giúp NHNN có thể hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn.
Bàn về câu chuyện lạm phát và tỷ giá, Chuyên gia Phan Lê Thành Long, AFA Capital, cho hay hiện nay thị trường tài chính đang rất quan tâm đến chỉ số lạm phát của Mỹ và chờ đón kết quả tại kỳ họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày 21/9 tới.
“Chúng ta cũng thấy một thông tin đó là thị trường Việt Nam đã phản ứng khá tiêu cực, bởi chỉ số lạm phát Mỹ sau một thời gian dài đi xuống nhờ thắt chặt chính sách tiền tệ, thì từ tháng 7, tháng 8 đã có biểu hiện tăng lên. Chưa kể, giá xăng dầu đang chiếm tỷ trọng lớn và tác động đến chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 8, vì vậy, cuộc chiến chống lạm phát rất phụ thuộc vào giá của các nguyên liệu đầu vào”, ông Long phân tích.
Dẫn đánh giá của Bloomberg, ông Long cho biết xu hướng này ngày càng gia tăng và chiếm xu hướng lớn trên thế giới. Như vậy việc sản xuất sẽ không ở những nơi có chi phí rẻ, mà thuộc về những nơi có cùng lợi ích kinh tế và chính trị. Không chỉ chi phí sẽ tăng lên, mà còn dẫn đến việc tự do thương mại bị hạn chế. Hiện tượng một số quốc gia cố gắng bảo vệ nền kinh tế của mình bằng cách giảm số lượng nhập khẩu và đầu tư từ các quốc gia khác đang là xu hướng chính sau đại dịch.
Bên cạnh đó, có một số thông tin cho thấy, thị trường Nga đã tạm dừng xuất khẩu gạo hay Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo khiến giá gạo tăng vọt. Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhiều người sẽ tìm kiếm các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu gạo để đầu tư…
Từ các vấn đề trên, ông Long cho rằng chính sách tiền tệ Việt Nam cũng sẽ bị một phần ảnh hưởng, đó là tăng trưởng thương mại toàn cầu bị suy giảm; đơn hàng sụt giảm do kinh tế kém, nhu cầu thế giới giảm; nhiều quốc gia hạn chế xuất khẩu; quốc gia nào cũng có xu hướng tác động vào thị trường nội địa bằng cách bảo hộ thương mại, bảo vệ hàng nội địa trước áp lực cạnh tranh từ hàng nhập khẩu và xu hướng thương mại theo khối, để giảm thiểu rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng…
Bàn về câu chuyện điều hành tỷ giá năm nay thế nào cho phù hợp, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, điều hành chính sách tiền tệ trong năm nay có thể nới lỏng hơn để tỷ giá linh hoạt hơn nữa. Theo TS Lực, việc chấp nhận tỷ giá linh hoạt hơn theo thị trường là yếu tố giúp NHNN có thể hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn. Tuy nhiên, mặt tiêu cực là tỷ giá có biến động mạnh hơn, TS. Lực dự báo. Điều này cũng đúng với giai đoạn hiện nay khi tỷ giá bắt đầu rục rịch tăng trở lại.
So với thời điểm Fed bắt đầu tăng lãi suất, tỷ giá trung tâm VND/USD đã tăng khoảng 3,5% trong khi Yên Nhật mất giá khoảng 20% còn đồng Nhân dân tệ mất giá khoảng 7%. Những con số này cho thấy nỗ lực của NHNN để giữ giá đồng tiền, tránh các rủi ro cho nền kinh tế.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công khai thông tin đã bổ sung dự trữ ngoại hối khoảng 6 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023, nâng dự trữ ngoại hối lên khoảng 93 tỷ USD và làm dày thêm “tấm nệm” dự phòng tỷ giá. Và mới đây, IMF dự báo dự trữ ngoại hối Việt Nam cuối năm 2023 sẽ ở mức 95 tỷ USD.
Theo các chuyên gia, năm nay, điều hành tỷ giá cũng được hỗ trợ tốt hơn so với nửa cuối năm 2022 nhờ thặng dư thương mại duy trì mức cao hơn, trong 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất siêu 16,5 tỷ USD, gấp hơn 12 lần cùng kỳ năm 2022.
Chuyên gia Vũ Đình Ánh khuyến nghị, điều hành lãi suất cần dựa trên thị trường chứ không phải một công cụ duy ý chí nhất là với một nền kinh tế mở như Việt Nam. Nếu tỷ giá tăng cao cơ hội giảm lãi suất gần như không có mà thậm chí nếu tỷ giá căng thẳng quá thì ngược lại còn phải tăng lãi suất.
Để đảm bảo dòng vốn vào Việt Nam không bị ảnh hưởng, kể cả vốn đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp, chỉ có một trong hai lựa chọn: Hoặc ổn định lãi suất, hoặc ổn định tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước không thể cùng một lúc thực hiện cả hai nhiệm vụ.
Ông Ánh phân tích, dư địa hạ lãi suất không còn nhiều, muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cần tập trung giải pháp làm sao để doanh nghiệp hấp thụ được dòng vốn đó, chỉ mình lãi suất là không đủ.
Tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trên phạm vi toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển, diễn ra mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong bối cảnh kinh tế chính trị thế giới đang diễn biến khó lường thì NHNN tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với các công cụ chính sách khác cũng như các biện pháp quản lý ngoại hối nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, củng cố vị thế VND, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Ngoài ra, NHNN vẫn đang triển khai các giải pháp quản lý thị trường nhằm hạn chế các hành vi vi phạm trong hoạt động thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài; thực hiện quản lý các giao dịch vãng lai... Hoạt động trên thị trường ngoại tệ về cơ bản diễn ra thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được các tổ chức tín dụng đáp ứng.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng thừa nhận, khi xuất khẩu hàng hoá sang các nước phá giá nhiều thì họ được lợi hơn về giá. Tuy nhiên, đối với NHNN thì khi điều hành tỷ giá phải đứng trên cục diện của toàn quốc gia, bao gồm cả doanh nghiệp xuất khẩu và cả doanh nghiệp nhập khẩu.