Kinh tế Việt Nam sáng sủa so với tình hình chung, chứng khoán sẽ đứng vững và tăng nhẹ?
(DNTO) - Sự phục hồi kinh tế trong nước được cho sẽ bắt đầu từ quý 4 năm nay và rõ nét hơn vào 2024, theo đó nhiều điều kiện thuận lợi cho kênh đầu tư tài sản như chứng khoán đứng vững và hồi phục nhẹ.
Yên tâm về tỷ giá, chứng khoán sẽ tăng nhẹ?
Trong bối cảnh thách thức hiện nay khi Fed chưa dừng tăng lãi suất, nhiều ngân hàng trung ương vẫn giữ mức lãi suất cao, việc giữ tỷ giá linh hoạt, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, là một trong những mục tiêu ưu tiên của Chính phủ.
Tuy nhiên, áp lực tỷ giá thời gian tới với nền kinh tế lại được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá không nguy hiểm, khi sức biến động của tỷ giá sẽ không quá lớn, khả năng sẽ ổn định trong năm 2023 và 2024.
Theo nhìn nhận của ông Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam - Vietnam Wealth Advisor Summit (VWAS) 2023, có ba căn cứ dẫn luận cho điều này.
Trước hết, đồng đô la sẽ khó lòng tăng giá khi mà chỉ số Đô la Mỹ (DXY) vốn đã tăng gần 115 điểm nhưng giờ chỉ còn 102 điểm, khả năng còn tiếp tục giảm khó tăng trở lại khi mà xu hướng đa cực hiện nay với nhiều đồng tiền khác giá trị.
Thứ hai, giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam khả năng tăng, nhất là giá nhiên liệu vào mùa đông tới, tuy nhiên lo lắng sẽ không lớn khi mà Bộ Tài chính có dư địa hỗ trợ. Và cuối cùng, cán cân thanh toán tổng thể không bị thâm hụt khi tháng 7 vừa qua thặng dư thương mại khá lớn, góp phần bổ sung cán cân thanh lý quốc tế khá tích cực. NHNN phải mua ngoại tệ tăng dự trữ. Đây là dấu hiệu cho thấy, các yếu tố nội địa đã không còn áp lực nhiều với tỷ giá.
Việt Nam là nước có nền kinh tế có độ mở cao nên lo lắng về tỷ giá của phía NHNN là điều khó tránh khỏi. Dù vậy, sự kết hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá của Chính phủ thời gian qua khá hiệu quả, góp phần hỗ trợ nền kinh tế trong nước.
"Đây là các điều kiện thuận lợi để các kênh tài sản như chứng khoán đứng vững và hồi phục nhẹ", ông Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.
Hiện tại đang là giai đoạn cuối của đáy phục hồi. Từ quý 4 trở đi, tình hình sẽ khá hơn và kinh tế sẽ phục hồi nhẹ từ quý 4 đến nửa đầu năm sau, khả năng "rất nhẹ".
Tháo gỡ khó khăn để lấy lại niềm tin cho các kênh đầu tư
Ông Nghĩa cũng chỉ ra nhiều khó khăn hiện nay đang đặt ra thách thức cho các kênh đầu tư tài sản.
Trước hết, lãi suất hiện tại đang quá cao, mới chỉ giảm ở lãi suất tiền gửi. "Anh bạn tôi vay làm điện mặt trời tới 17%/năm. Gần đây phía ngân hàng hứa 15% và tháng 9 mới chính thức giảm 14%. Đầu tư dài hạn như vậy rất khó. Nếu trừ 4% lạm phát, thì lãi suất thực là 10%. Không nước nào như vậy", ông cho biết.
Hiện tại, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán đang khá thấp so với GDP. Nếu tính GDP theo giá hiện hành khoảng 7%, thì tăng trưởng tổng phương tiện mới chỉ 3%. Vòng quay của tiền chỉ 0,64 vòng/năm, trong khi trước đây bình thường 2 vòng/năm. Đây là những dấu hiệu cho thấy thanh khoản toàn nền kinh tế bị suy kiệt.
Nới các điều kiện tín dụng để bơm tiền cho nền kinh tế cũng là vấn đề được ông Nghĩa đặt ra. "Trong khi các nước chỉ tập trung khả năng trả nợ hay tính hiệu quả dự án thì Việt Nam "chơi" cả hai", ông Nghĩa cho biết.
Ông dẫn ví dụ, có doanh nghiệp xuất khẩu thức ăn chay sang châu Âu, năm ngoái giá trị xuất khẩu 10 tỷ, năm nay đơn hàng lên 20 tỷ nhưng phía ngân hàng thì chỉ cho vay như năm ngoái vì nhìn khách hàng "trong điều kiện bình thường".
"Chúng tôi đề nghị ngân hàng phải nhìn vào dự án, vào khả năng sống sót của doanh nghiệp để bơm tiền", ông nhấn mạnh.
Theo đó, cần có sự đấu tranh và thuyết phục NHNN điều chỉnh giảm. Đây cũng là tiền đề lấy lại niềm tin cho thị trường bất động sản và chứng khoán.