Đây là những xu hướng sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam 2024
(DNTO) - Xu hướng phi toàn cầu hóa, Near sourcing, kinh tế xanh, kinh tế số… sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế có độ mở 200% như Việt Nam.
Báo cáo Triển vọng Kinh tế mới đây của OECD dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 sẽ chậm lại ở mức 2,7% và 3% vào năm 2025, thấp hơn nhiều so với mức bình quân 3,3%/năm của thập kỷ trước đại dịch.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng, sự bất ổn, không chắc chắn của kinh tế toàn cầu đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế có độ mở lớn tại Việt Nam trong thời gian tới.
Ngoài ra, kết quả phát triển thời gian tới của Việt Nam cũng phụ thuộc đáng kể vào khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với tận dụng cơ hội từ các FTA. Bên cạnh đó là xử lý các rủi ro cạnh tranh thương mại - công nghệ giữa các nước lớn, khả năng ứng phó với các chính sách quốc tế mới như thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu, các quy định về môi trường, lao động của EU, Hoa Kỳ với hàng xuất khẩu.
Theo bà Thắng, hiện các tập đoàn đa quốc gia đang tập trung đầu tư các nhà máy sản xuất ở một số nước như: Ấn Độ, Mexico, Braxin… thay vì chỉ tập trung ở Trung Quốc, Việt Nam. Đây là một phần trong chiến lược Near sourcing, tức chuyển dịch chuỗi cung ứng, sản xuất đến gần với thị trường tiêu thụ và đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất nhằm giảm thiểu rủi ro. Điều này sẽ làm gia tăng đối thủ cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến thị phần của Việt Nam tại các thị trường này.
TS Võ Trí Thành cho biết, xu hướng phi toàn cầu hoá đang trỗi dậy mạnh mẽ; chính sách bảo hộ xuất hiện trở lại ở nhiều nước dưới các hình thức khác nhau. Các nước phát triển ngày càng quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng. Từ đó đặt ra những tiêu chuẩn và quy định khắt khe hơn với hàng nhập khẩu.
“Một số chính sách mới như dự luật chống phá rừng, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU; hay các tiêu chuẩn lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ từ phía Mỹ… sẽ đặt ra những áp lực mới đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam”, ông Thành nói.
Ngoài ra theo vị này, xu hướng phát triển kinh tế thế giới theo hướng xanh hóa và số hóa ngày càng rõ nét. Sự chuyển dịch này đang định hình lại nguồn vốn FDI trên toàn cầu, tức giảm dần các dự án FDI thu lợi từ sự lỏng lẻo trong chính sách bảo vệ môi trường tại các nước đang phát triển.
“Thuế tối thiểu toàn cầu có thể ảnh hưởng đến dòng vốn FDI toàn cầu và chính sách thu hút FDI của mỗi nước. Các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực kỹ thuật số đang phát triển nhanh và thay đổi bản chất của đầu tư xuyên biên giới. Dòng đầu tư toàn cầu có xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ sang lĩnh vực kỹ thuật số”, ông Thành nhận định.
Thứ trưởng Bộ Công thương cũng nhìn nhận, năm 2024, sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục đối diện với áp lực đến từ cả 3 kênh.
Kênh thương mại quốc tế: Nhiều nền kinh tế là đối tác lớn của Việt Nam tăng trưởng chậm, dẫn đến tổng cầu khó phục hồi mạnh sẽ tác động đến kết quả xuất khẩu.
Kênh đầu tư quốc tế: Mặt bằng lãi suất thế giới còn ở mức cao, khó thu hút vốn cho đầu tư, trực tiếp tạo áp lực trong việc giữ vốn cũng như thu hút nguồn vốn mới.
Kênh tài chính tiền tệ: Áp lực mất giá đồng nội tệ so với đồng Đôla Mỹ, dù thuận lợi một phần cho xuất khẩu nhưng cũng gia tăng chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu và tăng quy mô thanh toán các khoản nợ nước ngoài.
“Là nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam không tránh khỏi những tác động tiêu cực từ những biến động bên ngoài. Những thách thức đó đòi hỏi toàn ngành không được lơ là, chủ quan, mà phải theo dõi chặt chẽ tình hình biến động sản xuất, cung cầu, giá cả hàng hóa trên thế giới và trong nước để kịp thời tham mưu, triển khai các giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra trong năm 2024 cũng như giai đoạn 2021-2025”, bà Thắng nhấn mạnh.