Doanh nghiệp tìm cách "bù giá" cùng khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn
(DNTO) - Biết rằng có rất nhiều chi phí không thể tránh khỏi nhưng cắt giảm tối đa để lấy phần chi phí tiết kiệm đó "bù giá" cho khách hàng vượt qua gia đoạn khó khăn này cũng là mục tiêu phục vụ lợi ích xã hội, cộng đồng mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng đề ra trong tiêu chí kinh doanh của mình bên cạnh mục tiêu cốt lõi là mục tiêu kinh tế được tính bằng lợi nhuận.
Năm 2023 sắp sửa hết nhưng với người dân Việt Nam đây chưa hẳn là cuối năm. Năm mới của người Việt được tính theo năm âm lịch. Ngày nay, người Việt ăn tết truyền thống có phần đơn giản hơn rất nhiều so với ngày xưa. Nhưng vẫn còn tâm lý, năm mới tất cả đều phải mới; Cả năm có suôn sẻ, may mắn, tốt đẹp hay không là tùy thuộc vào ngày đầu năm như thế nào.
Cho nên, sắm tết với mong muốn có một khởi đầu mới mẻ vẫn còn là một thói quen không bỏ được. Người lao động làm quần quật suốt năm cũng chỉ mong dành dụm cuối năm sắm tết. Với người làm ăn xa quê, còn thêm áp lực tiền tàu xe, quà cáp biếu xén họ hàng. Nhưng người khá giả, giàu có, trong năm đã sắm sửa thường xuyên cuối năm họ cũng vẫn cứ đi sắm tết. Việc này kéo theo giá cả các mặt hàng thiết yếu lẫn xa xỉ tăng vùn vụt cuối năm.
Năm nay, kinh tế khó khăn là tình hình chung. Thu nhập của người lao động từ sau dịch Covid-19 vẫn chưa thể phục hồi. Nhiều công nhân thất nghiệp do công ty bị giảm đơn hàng kéo theo các ngành nghề liên quan như kinh doanh phòng trọ, các chợ buôn bán nhỏ lẻ xung quanh các khu công nghiệp, công ty xí nghiệp v.v… cũng lao đao theo.
Việc mua sắm tết xem ra rất “khắc nghiệt”. Phải lên kế hoạch, tính toán, cân đối sao cho không vượt quá khả năng đến nỗi nợ nần vây bủa mà vẫn đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu cho việc đón chào một năm mới vui vẻ, ấm cúng. Đó là việc của người tiêu dùng.
Về phía các doanh nghiệp, ngoài lợi nhuận, bao giờ tiêu chí kinh doanh của họ cũng kèm theo việc phục vụ cộng đồng. Trong bối cảnh như thế này làm sao để kéo giá thành xuống mà vẫn ổn định chất lượng sản phẩm ngỏ hầu giúp bà con mình đỡ vất vả lao đao, đón một cái tết sum vầy đầm ấm… chính là phần việc của các doanh nghiệp.
Đứng ở góc độ người tiêu dùng chúng tôi nghĩ ngoài đầu tư cho chất lượng sản phẩm, các chi phí còn lại doanh nghiệp nên cân đối sao cho tiết kiệm để kiềm hãm tăng giá. Chi phí cao khiến sản phẩm phải cõng thêm chi phí sẽ tạo lực cản tiêu dùng. Trong thời điểm này điều đó không cần thiết nếu không muốn nói là bất hợp lý.
Ví dụ: Nhiều khách sạn 5 sao chưng hoa ngoại nhập hằng mấy chục triệu cho một quần thể sảnh, thay gì dùng hoa nội địa với giá rẻ hơn nhiều. Nhiều bao bì mà giá thành của nó tính ra sấp xỉ giá sản phẩm bên trong… Đặc biệt là thị trường lịch hằng năm, không kể mức sang trọng với các thiết kế mẫu mã, chất lượng giấy và bao bì…thuộc hàng “xịn xò” thì do không cân đối được số lượng nên lãng phí rất lớn. Hầu như nơi nào, khách hàng cũng được tặng lịch. Tặng qua tặng lại, cuối cùng nhà nào cũng tồn kho hàng chục cuốn mà đặc điểm của lịch là phải “đúng người đúng thời điểm”, lịch không thể để dành “tích cốc phòng cơ”. Tương tự, sổ tay ghi chép cũng vậy, trong khi bây giờ mọi ghi chép đều có máy tính, điện thoại đảm trách…
Ngoài ra còn các chi phí khác như chi phí quảng cáo, tiếp khách, du lịch v.v…
Đã đến lúc doanh nghiệp cần gói ghém, không nên vung tiền, phô truơng, đánh bóng hình ảnh hơn là tạo ra giá trị thực cho khách hàng. Không nên chiều theo sở thích và định huớng chủ quan của doanh nghiệp. Khách hàng bây giờ họ cũng rất thông minh. Cầm món hàng lên họ biết cân nhắc, săm soi xem giá thành sản phẩm có thực tế hay chồng thêm sự lãng phí của doanh nghiệp.Khi doanh nghiệp triệt tiêu tối đa chi phí thừa thải thì sản phẩm đến tay nguời tiêu dùng sẽ có giá trị sát với thực tế nhất.
Không thể không công nhận, một sản phẩm cũng như một món ăn, ngoài sạch, ngon, rất cần bắt mắt. Có nghĩa, xu hướng ngày nay đánh giá một sự vật không chỉ ở nội dung mà giá trị hình thức bên ngoài cũng không kém phần quan trọng. Cái nết ngày nay “sống hòa thuận và tương trợ” cái đẹp chứ không “đánh chết” cái đẹp nữa… Cũng không thể không công nhận, trong bối cảnh hội nhập thế giới, chúng ta rất cần phô trương đẳng cấp cho “bằng chị bằng em”.
Tuy nhiên, trong tình hình kinh tế khó khăn khiến đại bộ phận người dân đang lao đao như thời điểm nay, có lẽ doanh nghiệp nên lưu ý tới phân khúc khách hàng đang chỉ cần “ăn no mặc ấm” chứ chưa cần tới “ăn sang mặc đẹp”.
Biết rằng có rất nhiều chi phí không thể tránh khỏi nhưng cắt giảm tối đa để lấy phần chi phí tiết kiệm đó "bù giá" cho khách hàng vượt qua gia đoạn khó khăn này cũng là mục tiêu phục vụ lợi ích xã hội, hoạt động cộng đồng, mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng đề ra trong tiêu chí kinh doanh của mình, ngoài mục tiêu cốt lõi là mục tiêu kinh tế được tính bằng lợi nhuận.