TP.HCM: Xăng tăng liên tục, người dân giảm chi tiêu, tiểu thương vắng khách
(DNTO) - Trước tình hình giá xăng tăng liên tục kéo theo hàng hóa tại các chợ tăng theo khiến người dân người dân “choáng” vì vật giá tăng cao. Người thu nhập thấp cắt giảm chi tiêu, tiểu thương nhập hàng giá cao và thưa thớt khách.
Theo đó, trong kỳ tăng giá ngày 21/6, xăng E5 RON 92 tăng 190 đồng, RON 95-III tăng 500 đồng và dầu tăng 380-990 đồng một lít. Theo đó, hàng loạt hàng hóa, thực phẩm cũng “đội giá” do chi phí vận chuyển, nhân công tăng..., khiến nhiều người có thu nhập thấp chật vật chi tiêu, tiểu thương giảm khách, giảm nhập hàng.
Cụ thể, tại các chợ truyền thống ở TP HCM trong những ngày gần đây, nhiều mặt hàng như rau củ quả tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg. Đơn cử như đậu cô-ve có giá từ 27.000 đồng/kg tăng lên 35.000 đồng/kg, đu đủ có giá từ 8.000 đồng/kg tăng lên 14.000 đồng/kg... Nhiều loại rau củ khác như bắp cải, xà lách cuộn, cà rốt, khoai tây... cũng tăng giá ở mức tương tự.
Cô Hồng, tiểu thương tại chợ truyền thống chia sẻ: “Giá xăng tăng nhiều, mình nhập hàng cũng cao, bán ra cũng cao mà giá cao thì không bán được nhiều, mấy ngày nay người dân ít đến chợ, người mua cũng giảm, ế ẩm hơn trước nhiều”.
Chị Hồng Cúc (ngụ huyện Hóc Môn) chia sẻ, tuy chỗ chị ở trọ gần nơi làm việc nên tiết kiệm được chi phí đi lại, tuy nhiên, vài tháng qua, chi phí ăn uống của hai vợ chồng lại tăng nhiều. "Những tháng gần đây giá cả tăng chóng mặt. Với lương công nhân eo hẹp, lại còn khoản tiền thuê trọ, nên chi tiêu hàng ngày giờ tôi phải thắt chặt. Bữa cơm giờ chủ yếu là trứng, rau, đậu hũ... Nhìn chung cũng phải thích nghi thôi”, chị Cúc nói.
Chị Ngọc Quyền (ngụ quận Gò Vấp) cho biết: “Trước đây, thu nhập ở mức 8 triệu đồng cũng không quá chật vật như bây giờ. Giờ đây mọi thứ đều tăng, để tiết kiệm tối đa chi phí sinh hoạt, gia đình tôi chuyển dần mua trứng dự trữ, hạn chế đi chợ. Còn gạo, thực phẩm khô như lạc, đỗ... đa phần mua tại quê gửi vào”.
Theo Sở Công Thương TP.HCM, 5 tháng đầu năm 2022, lượng hàng hóa dồi dào nhưng sức mua còn yếu (mức tăng chưa bằng cùng kỳ). Tiêu thụ hàng hóa của người dân chủ yếu tập trung vào hàng hóa thiết yếu. Xu hướng tăng giá của nhiều loại hàng hóa và lạm phát khiến người dân chi tiêu tiết kiệm hơn.