TP.HCM: Dự kiến tăng giá xăng - người dân 'lắc đầu' ngao ngán
(DNTO) - Trước thông tin dự kiến ngày 11/5, giá xăng có thể tăng gần 2.000 đồng/lít, đưa RON 95 tiến sát hoặc vượt mốc 30.000 đồng/lít, khiến nhiều người dân và doanh nghiệp vận tải "lắc đầu" ngao ngán.
Theo đó, ngày 11/5, Liên bộ Tài chính - Công thương sẽ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Dữ liệu từ Bộ Công thương cho biết giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 6/5 tăng mạnh so với kỳ tính giá trước. Cụ thể, bình quân giá xăng RON 92 (dùng để pha chế xăng E5 RON 92) lên 137,36 USD/thùng, xăng RON 95 lên 141,65 USD/thùng, dầu diesel 153,49 USD/thùng.
Đại diện một số doanh nghiệp xăng dầu tại TP.HCM cho biết, tình hình giá dầu thô mấy ngày qua biến động mạnh. Giá xăng, dầu bán lẻ trong nước đang cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.
Theo kỳ điều hành ngày 11/5, giá xăng, dầu sẽ tăng mạnh khoảng 1.800-2.000 đồng/lít. Nếu cơ quan quản lý giảm trích lập hoặc tăng chi quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng có thể tăng ít hơn nhưng vẫn ở mức cao. Cụ thể, có thể tăng mạnh khoảng 1.500-1.600 đồng/lít, đưa mặt hàng này tiếp tục tiến sát mốc 30.000 đồng/lít.
Trước dự báo giá xăng, dầu tăng chạm mốc 30.000 đồng/lít, nhiều người dân đang tỏ ra ngao ngán, sở dĩ, khi giá xăng tăng cao đồng nghĩa với chi phí sinh hoạt, đi lại, mua sắm... cũng theo đó "đội giá".
Chị Nguyễn Ngọc Huyền (Gò Vấp) chia sẻ: "Chi phí sinh hoạt hằng ngày từ khi xăng tăng liên tục đã tăng rất nhiều, khi xăng chạm mốc 29.000 đồng/lít, gia đình cũng bóp chặt chi tiêu rất nhiều, giờ lại tăng thì không biết sống thế nào".
Tương tự, chị Phạm Thị Thùy Trang bức xúc, khi giá xăng tăng, ngoài chi phí sinh hoạt thì việc đi lại cũng đang tìm cách thích ứng. "Chắc mình cũng chuyển qua đi xe buýt đến chỗ làm chứ cứ đà tăng "chóng mặt" như thế này thì tiền lương không đủ trang trải cuộc sống", chị Trang cho biết.
Không chỉ riêng người dân lao động, đối với doanh nghiệp vận tải hành khách cũng đang "dở khóc dở cười" trước thông tin xăng, dầu lại điều chỉnh tăng cao.
Đại diện chủ doanh nghiệp vận tải Kim Yến cho biết, khi giá xăng, dầu tăng liên tiếp trước đó, nhà xe cũng phải tăng giá cước để chi trả cho các khoản nhân công, bảo trì... Doanh nghiệp đang tìm cách và chờ đợi giá xăng tương đối bình ổn để điều chỉnh mức giá vé phù hợp, nhưng trước thông tin này thì khó có hướng giải quyết.
Đại diện nhà xe Kim Yến cho biết: "Giá xăng cứ tăng như thế này chúng tôi cũng chỉ biết tăng giá vé theo, định điều chỉnh giá vé phù hợp cho bà con thì có thông tin tăng tiếp, giờ chỉ tăng giá vé nữa chứ không biết làm thế nào".
Như vậy, trước tình hình giá xăng tăng vọt chạm mốc 30.000/lít, nhiều người dân và danh nghiệp vận tải sẽ cần có kế hoạch thay đổi chi phí để thích nghi, chờ giải pháp tốt nhất.