TP.HCM: Vật giá leo thang, người lao động nghèo lao đao thời giá
(DNTO) - Trước sự tăng vọt của giá cả thi trường, nhất là tình hình giá xăng tăng nhanh khiến các mặt hàng nhu yếu phẩm, từng cọng hành, trái ớt... cũng lên giá. Người lao động khó khăn càng khó khăn hơn trước cơn “bão giá”, nhiều người "làm tối mặt” cũng không đủ lo cuộc sống.
TP.HCM hiện là đô thị lớn thu hút rất nhiều nguồn lao động đến đây sinh sống và làm việc. Tuy nhiên, có nhiều lao động nghèo đang hàng ngày chặt vật với cuộc sống do nặng gánh với tình hình vật giá leo thang như hiện nay. Có thể nói, thu nhập mỗi tháng đã thấp, tăng thêm năng suất, thời gian lao động chỉ đủ bù vào các khoản tăng, thậm chí còn “thiếu trước hụt sau”.
Chị Đoàn Thị Nhiệm (ngụ quận 8) chia sẻ, chị phải làm đủ nghề để trang trải cuộc sống, một phần lo tiền thuê nhà, một phần lo cho cuộc sống hàng ngày, tiền học cho con và tiền xăng xe đi lại. Trước sự gia tăng của giá cả thị trường, công việc ít lại nên chị cũng đã giảm bớt tối đa chi tiêu có thể, tuy vậy vẫn phải vay mượn sử dụng trước và trả sau.
“Bây giờ không đủ sống mà công việc giờ không ổn định nên phải vay trước, làm có tiền trả sau. Không dám ăn uống, tiêu xài cá nhân giảm tối đa, chủ yếu lo cho con đi học mà không đủ”, chị Nhiệm nói.
Thu nhập bình quân mỗi tháng của chị Nhiệm khoảng 7 triệu đồng. Trong đó, tiền chi phí đi chợ đã gần 3 triệu 500 nghìn đồng, so với trước đây tăng lên 1 triệu đồng; điện nước, gas trung bình tăng mỗi thứ 200 nghìn đồng; học phí của con chị cũng tăng thêm 2 – 3 trăm nghìn đồng mỗi tháng.
Ông Đoàn Văn Thoa (ngụ quận 4) cho biết, cuộc sống đang gặp phải rất nhiều khó khăn khi thu nhập chính của gia đình phụ thuộc vào ông Thoa. Với nghề xe ôm của ông thì hiện tại gia đình đang rơi vào túng quẫn. Tình hình xăng tăng cao, trước đây 40.000 đồng tiền xăng có thể chạy 2 ngày thì hiện tại chỉ đủ cho 1 ngày.
“Đi chợ thì giá tăng, người bán nói xăng tăng nên tiền vận chuyển tăng, mình cũng phải chịu, như trước đây với 60 nghìn có thể mua được 2 con cá Diêu hồng cho cả nhà, hiện tại chỉ có thể mua một con. Đó là chỉ nói đến cơm ở nhà, còn các quán xá cho lao động nghèo cũng tăng từ 20 nghìn lên 22 nghìn, bây giờ là 25”, ông Thoa chia sẻ.
Do là người mang về nguồn thu chính trong gia đình nên khi các khoản chi về ăn uống, điện nước, gas… tăng lên, ông Thoa cũng phải tăng công suất làm việc lên nhiều lần nhưng vẫn không đủ sống. Tăng thời gian làm việc nhưng chỉ đáp ứng vào khoản tăng hàng ngày. Với thu nhập khoảng 6 triệu/ tháng, tiền dành cho ăn uống gói gém mất 3 triệu 5 trăm nghìn đồng; gas, điện, nước mất khoảng 1 triệu đồng và các khoản chi sinh hoạt khác là phần còn lại.
Còn đối với chị Ngọc Dung (ngụ quận 1), do chị đang kinh doanh đồ ăn nhỏ nên chị vẫn giữ nguyên giá bán, hiện tại chi phí dành cho mua nguyên liệu rau củ, gia vị tăng lên từ 2 – 10 nghìn đồng, thịt thì ít tăng giá nên chị cũng chưa nghĩ đến việc tăng theo thời giá. Thế nhưng, nguồn thu mỗi ngày của chị chỉ ở mức đủ khi tiết kiệm nhất có thể. Sở dĩ như vậy là chị phải chi trả cho tiền thuê nhà, cho 2 con đi học, sinh hoạt phí hàng tháng.
“Mình bán lề đường nên không tốn chi phí mặt bằng, nhân công, giữ giá cho nhiều người lao động nghèo ăn, chứ lên giá nhiều thì mình mất khách. Mình ráng gồng khi nào vật giá cao quá thì sẽ tính đến việc tăng để bù cho giá mua nguyên liệu", chị Ngọc Dung nói thêm.
Hiện tại người dân lao động chỉ mong muốn vật giá được kiểm soát trở lại, thực phẩm, chi phí sinh hoạt có mức giá ổn định, hợp lý để có thể “dễ thở” hơn. Ngoài ra, nhiều người mong muốn được hỗ trợ các khoản vay cho người nghèo nhiều hơn để tạo ra công ăn việc làm để cải thiện cuộc sống.
Nỗi lo cơm áo gạo tiền đối với người lao động nghèo vốn vất vả thì giờ đây càng nặng hơn, trong khi đó, công việc làm ăn chưa kịp phục hồi thì lại “gồng mình” trước thời giá leo thang từng ngày. Nhiều người đang suy giảm thu nhập nhưng lại có quá nhiều khoản chi cao và phương pháp thích ứng tạm thời hiện tại chỉ có thể “thắt lưng buộc bụng” để có bữa cơm “hợp túi tiền”.