Người lao động nên thận trọng, cân nhắc khi nhận bảo hiểm xã hội một lần
(DNTO) - Vừa qua, theo thống kê, số lượng người lao động (NLĐ) yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần ngày một tăng cao. Thậm chí, nếu chưa đủ 1 năm sau khi nghỉ việc, NLĐ sẵn sàng chấp nhận chọn biện pháp “thế chấp sổ bảo hiểm xã hội (BHXH)” để nhận được ngay số tiền chỉ bằng 50-60% .
Vì sao số người lao động (NLĐ) nhận BHXH một lần tăng cao?
Theo ông Phan Văn Mến - Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM, thì nhóm công nhân, lao động trong các khu công nghiệp, các nhà máy đặc biệt là nữ công nhân có xu hướng rút BHXH một lần nhiều nhất.
Do cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, nhiều lao động nữ phải rút BHXH một lần như một hình thức “bán lúa non” để trang trải. Có trường hợp do con còn nhỏ, không ai trông coi nên hết thời gian nghỉ thai sản các chị chấm dứt hợp đồng lao động và rút BHXH một lần.
Có trường hợp, đi làm chỉ là tạm bợ, chứ không tính lâu dài vì phía sau họ có điều kiện vật chất bảo đảm cuộc sống ổn định, như có sẵn ruộng vườn, mà không cần lương hưu nên chốt BHXH một lần sau khi nghỉ việc.
Ngoài hoàn cảnh, việc rút BHXH một lần còn xuất phát từ những suy nghĩ tiêu cực. Cho rằng, chờ đến tuổi lĩnh lương hưu lâu quá, biết có làm việc đến lúc đó được hay không. Trong thực tế, tình trạng nhiều căn bệnh hiểm nghèo như ung thư, đột quỵ ngày càng gia tăng, dẫn đến trường hợp người về hưu lĩnh lương hưu được mới một, hai năm thì lâm bệnh hoặc bị tai nạn qua đời, cũng là một yếu tố khách quan làm cho người đóng BHXH bị “lung lay”nên quyết định rút BHXH một lần.
Đặc biệt quan niệm về “sự vô thường của cuộc sống” qua cơn đại dịch Covid-19 vừa qua càng củng cố thêm niềm tin, rút BHXH một lần là quyết định hợp lý.
Trong quá trình làm việc có người “nhảy việc” nhiều lần. Mỗi lần “nhảy việc” là một lần rút BHXH. Với mức lương công nhân (khoảng 3 - 5 năm làm việc) bằng 40 - 50 triệu đồng, có thể mua được cái xe máy, sửa lại cái nhà, trả nợ học phí cho con… đó là cách giải quyết nhu cầu cuộc sống trước mắt của NLĐ, chuyện tương lai từ từ tính...
Qua mấy đợt dịch, cuộc sống khó hơn, tuổi hưu ngày càng được quy định dài ra , thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu cũng tăng thêm khiến NLĐ mòn mỏi cũng là một nguyên nhân. Với một người 40 tuổi có hơn 20 năm làm công nhân, thay vì phải chờ hơn 20 năm nữa, họ chọn cách rút BHXH một lần làm vốn ra ngoài lao động tự do.
Không loại trừ là vì NLĐ không nắm được quy định của chính sách BHXH nên còn băn khoăn, lo lắng về tính ổn định của chính sách, một số bị lung lay bởi các lời mời gọi tham gia bảo hiểm thương mại và gửi tiền tiết kiệm rồi so sánh với quyền lợi khi tham gia BHXH, tạo tâm lý bất an. Trong khi tham gia BHXH là phương án có tính chất chiến lược dài hơi hơn, cũng là hình thức tiết kiệm an toàn và bảo đảm lợi ích lâu dài.
Còn rất nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan nữa để NLĐ chọn cách rút BHXH một lần.
Vậy để NLĐ yên tâm “”tích cóp” BHXH để được hưởng lương hưu, NLĐ cần tìm hiểu kỹ: Khi nhận BHXH một lần, bạn sẽ bị thiệt thòi gì. Và việc hưởng lương hưu hằng tháng có lợi ích ra sao?
Khi nhận BHXH một lần, bạn sẽ bị thiệt thòi gì?
Chọn BHXH một lần NLĐ sẽ mất đi cơ hội hưởng lương hưu, không có điều kiện vật chất đảm bảo cho cuộc sống lúc tuổi già, phải sống nương nhờ và lệ thuộc vào con cái. NLĐ sẽ mất đi quyền lợi được cấp thẻ BHYT miễn phí để hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh BHYT, chăm sóc sức khỏe khi tuổi già, trong khi ở độ tuổi này thường xuyên đau ốm. Đặc biệt mất đi chế độ tử tuất như tiền mai táng phí, trợ cấp tuất một lần, thậm chí là các suất tuất hằng tháng cho vợ/chồng hoặc bố mẹ. Nhận BHXH một lần đồng nghĩa với việc NLĐ tự tước bỏ quyền được đảm bảo an sinh xã hội của bản thân, tự rời khỏi hệ thống an sinh xã hội.
Không được cộng nối thời gian tham gia BHXH khi tiếp tục quay lại làm việc, dẫn đến không đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm để hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động hoặc nếu đủ điều kiện thì mức lương hưu cũng không cao… là một thiệt thòi lớn.
Việc tham gia BHXH đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng có lợi ích ra sao?
Trước hết là được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí (với mức hưởng 95% chi phí khám, chữa bệnh) trong suốt thời gian hưởng lương hưu. Người hưởng lương hưu không phải lo lắng khi không may bị ốm đau, bệnh tật. Lương hưu được Nhà nước điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế, vì vậy, người hưởng lương hưu luôn được bảo toàn giá trị, không bị rủi ro khi đồng tiền mất giá.
Khi người hưu trí qua đời, người lo mai táng sẽ được hưởng trợ cấp mai táng (bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm mất) và thân nhân người hưu trí sẽ được hưởng trợ cấp tuất một lần hoặc hằng tháng.
Thời gian đóng BHXH chính là thành quả của quá trình lao động, là một khoản tích lũy của bản thân khi còn sức khỏe, có nguồn thu nhập ổn định hằng tháng khi về già, giúp tự chủ hơn trong cuộc sống, không phải lệ thuộc vào gia đình và xã hội.
Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu: "NLĐ rút BHXH một lần là tự tước đi quyền lợi liên quan đến khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế, mất cơ hội hưởng lương hưu khi về già, không được hưởng chế độ tử tuất, ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân, gia đình hiện tại và tương lai cũng như chính sách an sinh xã hội chung".