Chênh lệch lớn về lương hưu khiến nhiều người muốn nhận bảo hiểm xã hội một lần
(DNTO) - Do quá chú trọng đến nguyên tắc đóng - hưởng dẫn đến tình trạng có người hưởng mức lương hưu hàng tháng quá thấp 1,3 triệu đồng, song có người hưởng mức lương hưu lại quá cao, hơn 100 triệu.
Tại dự thảo báo cáo đánh giá tác động của chính sách Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng đang tồn tại sự chênh lệch khá lớn về mức lương hưu giữa các nhóm đối tượng, làm nản lòng người lao động có mức lương hưu thấp.
Chênh lệch mức lương hưu quá lớn
Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến cuối 2020, Việt Nam có khoảng 14,1 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu. Trong số đó, chỉ có khoảng trên 3,1 triệu người đang được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng (chiếm 22,1%) tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu.
Nếu tính cả những người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (1,8 triệu người) thì tổng cộng có khoảng gần 5 triệu người (chiếm 35%) được hưởng các khoản trợ cấp hàng tháng.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng: đang tồn tại sự chênh lệch khá lớn về mức lương hưu giữa các nhóm đối tượng, làm nản lòng người lao động có mức lương hưu thấp dẫn đến gia tăng số lượng hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong nhóm đối tượng này.
Theo số liệu báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến cuối năm 2017, mức lương hưu bình quân là 4,26 triệu đồng/người/tháng. Trong khi mức lương hưu cao nhất đạt 101,3 triệu đồng/tháng thì cũng có hơn 4.100 người hưởng mức lương hưu dưới 1,3 triệu đồng/tháng, hơn 3.989 người hưởng mức từ 13 triệu đồng/tháng trở lên.
Tính đến cuối năm 2020, khoảng cách về lương hưu giữa người có lương hưu cao nhất và người có lương hưu thấp nhất vẫn tương đối cao.
“Do quá chú trọng đến nguyên tắc đóng - hưởng dẫn đến tình trạng có người hưởng mức lương hưu hàng tháng quá thấp 1,3 triệu đồng, cá biệt có người hưởng mức lương hưu hàng tháng quá cao, hơn 100 triệu đồng gây những bức xúc trong xã hội”, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận định.
Đánh giá về tác động của việc chênh lệch khá lớn về lương hưu giữa các nhóm lao động, có người hưởng mức lương hưu hàng tháng quá thấp và người hưởng mức lương hưu hàng tháng quá cao, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng có thể sẽ làm giảm niềm tin của người tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội, duy trì sự tham gia và ở lại trong hệ thống. Thậm chí, nhiều người đề nghị giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần và rời khỏi hệ thống.
Sửa đổi cách tính lương hưu
Những năm gần đây, bình quân mỗi năm có khoảng 600.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần và rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội.
Mặc dù vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng hiện nay không có căn cứ pháp lý để thực hiện các nội dung liên quan của Luật Bảo hiểm xã hội gắn với mức lương cơ sở.
Theo Nghị quyết số 27 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, sẽ tiến tới việc bãi bỏ mức lương cơ sở, trong khi đó Luật Bảo hiểm xã hội có đến 11 nội dung gắn với mức lương cơ sở.
Do vậy, nếu không sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội thì sẽ không còn căn cứ pháp lý để thực hiện những nội dung nêu trên, ảnh hưởng tới quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội.
Trước thực tế đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu.
Hướng đề xuất là mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu đối với người lao động được tính theo mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người đó, và tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội trung bình của tất cả mọi người tham gia bảo hiểm xã hội.