Cách nhiều doanh nghiệp tiết kiệm nhiên liệu khi giá xăng dầu leo thang
(DNTO) - Cải tiến trang thiết bị hay đầu tư hệ thống năng lượng tái tạo, tái sự dụng nguồn nhiệt thải…, là cách nhiều doanh nghiệp ứng phó với chi phí điện, nhiên liệu tăng cao.
Từ đầu năm 2022, giá xăng dầu trong nước đã trải qua 6 đợt điều chỉnh, với mức tăng khoảng trên 3.000 đồng/lít, và hiện xăng RON95 gần chạm mức 27.000 đồng/lít, mức cao nhất trong lịch sử.
Giá xăng dầu thế giới được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao, kéo theo giá xăng dầu trong nước tiếp tục duy trì đà tăng, là một trong những yếu tố đẩy giá các mặt hàng trên thị trường tăng theo, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Để tiết giảm chi phí trong bối cảnh khó khăn bởi dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất đã áp dụng hiệu quả năng lượng tái tạo trong sản xuất và tiêu dùng thời gian gần đây, nhất là khi nhiên liệu truyền thống ngày một đắt đỏ và khan hiếm.
Cụ thể như trong lĩnh vực sử dụng nhiều nhiên liệu xăng dầu như ngành khai thác thủy hải sản xa bờ, theo ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), nhiều hộ đã sử dụng bóng đèn led thay cho bóng đèn sợi đốt để câu cá, mực, giúp tiết kiệm 6-7 lần chi phí năng lượng; hay sử dụng pin năng lượng mặt trời trên các nóc tàu có thể tiết kiệm lượng dầu diesel rất lớn cho doanh nghiệp khai thác thủy sản.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, nhu cầu năng lượng, nhiên liệu phục vụ cho vận hành sản xuất là rất lớn. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp nghiên cứu phương án tái sử dụng nguồn nhiệt thải hay tăng hiệu suất, cải tiến thiết bị để tiết kiệm năng lượng.
Đơn cử như Tập đoàn Hòa Phát, hiện doanh nghiệp có thể tự chủ 70-80% lượng điện phục vụ sản xuất; bằng việc tận dụng lượng nhiệt, khí thải để chạy các nhà máy nhiệt điện. Tính theo giá điện sản xuất hiện hành, sản lượng điện Hòa Phát tự sản xuất giúp doanh nghiệp tiết kiệm khoảng 3.900 tỷ đồng mỗi năm.
Bên cạnh việc tiết kiệm chi phí, việc sử dụng nguồn năng lượng sạch giúp sản phẩm doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh khi xuất khẩu. Với Tập đoàn Sơn Hà, một doanh nghiệp sản xuất trọng điểm với năng lực sản xuất hơn 40.000 tấn sản phẩm/năm; tiêu tốn lượng điện năng, nhiên liệu khổng lồ.
Để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, nơi ưu tiên về việc giảm phát thải CO2 trong quá trình sản xuất sản phẩm, bên cạnh đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng thì việc tiết kiệm năng lượng giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh của hàng hóa.
Đó là lý do mà doanh nghiệp này liên tục áp dụng như những công nghệ mới ít tiêu hao năng lượng trong các công đoạn sản xuất, dùng đèn led, bố trí máy móc khoa học, cũng như đầu tư hàng loạt dự án điện mặt trời áp mới để có nguồn năng lượng sạch, tự chủ phục vụ sản xuất.
Tuy vậy, với lĩnh vực mà chi phí cho xăng dầu chiếm tới 40% trong cơ cấu giá cước như ngành vận tải, mặc dù nhiều đơn vị vận tải đã áp dụng công nghệ đời mới, tiết kiệm nhiên liệu… nhưng với mức tăng chóng mặt của giá xăng dầu trong những ngày qua, những doanh nghiệp trong ngành vẫn vô cùng khó khăn.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia, việc áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu thường mất chi phí đầu tư ban đầu khá lớn. Trong khi trải qua hai năm đại dịch Covid-19 vừa qua, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam gần như kiệt quệ, việc tiếp cận nguồn vốn tái đầu tư, sản xuất trở lại cũng là rất khó khăn, chưa nói đến việc áp dụng giải pháp công nghệ mới.
Do vậy, để giảm áp lực từ việc tăng giá xăng dầu, nhiên liệu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, các chuyên gia vẫn cho rằng việc giảm thuế, phí là cần thiết và là dư địa điều hành khi giá xăng dầu tăng cao như hiện nay.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Tài chính cho biết đã trình Chính phủ đề xuất phương án điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng mới đây, nhằm ‘kìm’ đà tăng giá xăng dầu.