Sóng đầu tư liên tục dồn về startup công nghệ giáo dục
(DNTO) - Nhiều quỹ đầu tư vẫn tiếp tục bơm vốn vào startup EdTech (công nghệ giáo dục), dẫu thị trường đầu tư mạo hiểm vẫn chưa thoát khỏi mùa đông lạnh lẽo.
Khối nội và ngoại đều tăng tốc
Cách đây vài tuần, một thương vụ gọi vốn kỷ lục của startup EdTech Việt Nam cũng đã làm dậy sóng giới khởi nghiệp và truyền thông khu vực. Đó là thương vụ nền tảng đào tạo online EDUPIA gọi được 14 triệu USD từ ba quỹ đầu tư là Jungle, eWTP Capital và ThinkZone Ventures trong.
Đây là số vốn đầu tư khủng mà rất ít startup nhận được trong vòng gọi vốn Series A. Với lượng người dùng lên tới 5 triệu, thị phần mở rộng ra khu vực như Indonesia, Myanmar và Thái Lan, startup này được đánh giá là điểm sáng trong thị trường edtech Việt Nam và khu vực.
Ngoài thương vụ khủng của EDUPIA, nhiều startup công nghệ giáo dục khác cũng thuận lợi thu hút dòng vốn của các quỹ đầu tư mạo hiểm, như Azota 2,4 triệu USD; VUIHOC 2 triệu USD.
Không chỉ có EdTech nội địa đang tăng cường huy động vốn để chiếm lĩnh thị trường, nhiều nền tảng nước ngoài cũng đang tốc lực bước vào thị trường Việt Nam.
Đầu tháng 10, nền tảng công nghệ giáo dục lớn nhất Ấn Độ chi 30 triệu USD để tiến vào thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, vì nhìn thấy đây là một thị trường tiềm năng để phát triển các chương trình đào tạo trực tuyến kết hợp với ngoại tuyến, cùng các chương trình nâng cấp kỹ năng chuyên môn.
Trước đó, một nền tảng công nghệ giáo dục hàng đầu Singapore là Geniebook cũng công bố kế hoạch đẩy mạnh hoạt động tại Việt Nam. Startup này đặt tham vọng thu hút 1 triệu người dùng Việt, nhóm khách hàng được họ gọi là “người tiên phong”.
Một thống kê từ Grand View Research cho thấy, dòng vốn đầu tư tư nhân trên toàn cầu đổ vào lĩnh vực edtech tăng tới 32% trong những năm gần đây. Điều này cho thấy sức hấp dẫn của thị trường công nghệ giáo dục với các nhà đầu tư mạo hiểm.
Tại Việt Nam, nguồn vốn đổ về startup EdTech năm ngoái đạt kỷ lục với 160 triệu USD, nằm trong Top 3 lĩnh vực nhận vốn đầu tư nhiều nhất, với hơn 150 sản phẩm, startup.
Báo cáo của EdTech Agency cũng nhận định thị trường EdTech ở Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển vì hiện hơn 80% các giải pháp đang tập trung vào thị trường khối 12 và đào tạo ngoại ngữ. Do vậy thời gian tới, EdTech sẽ có cơ hội phát triển với nhiều phân khúc như số hóa trong quản lý giáo dục và dạy học, ứng dụng kết nối phụ huynh, cộng đồng và xã hội, sàn giao dịch EdTech...
Thách thức làm bạn với người dùng
Dẫu là lĩnh vực tiềm năng nhưng thị trường khởi nghiệp EdTech Việt Nam còn non trẻ và mới mẻ nên các ứng dụng công nghệ giáo dục Việt Nam hiện nay vẫn chưa thân thiện với người dùng. Đó là lý do làng khởi nghiệp Việt Nam vẫn chưa xuất hiện kỳ lân thuộc lĩnh vực EdTech, mặc dù thị trường có triển vọng lớn với 23 triệu học sinh sinh viên, chi tiêu cho giáo dục ngày càng tăng mạnh.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, đại diện startup công nghệ giáo dục ViewSonic Education, cũng thừa nhận hiện các ứng dụng EdTech ở Việt Nam còn phần nhiều thiên về phát triển công nghệ hơn và cho rằng đây là yếu tố khiến người dùng là các giáo viên, học sinh còn ngại sử dụng các sản phẩm EdTech.
“Giáo viên họ mong muốn được hướng dẫn tính năng công nghệ có thể áp dụng ngay cho các bài giảng chứ không muốn nghe startup thuyết trình về những hiệu quả của công nghệ rồi tự họ sáng tạo sẽ rất khó khăn. Vì vậy, các công ty phải có những sản phẩm thông dụng hơn và có hướng dẫn thực tế để người dùng cảm thấy thân thiện hơn”, ông Khánh cho hay.
Coi dữ liệu là một phần quan trọng để phát triển sản phẩm, Azota cũng rất khó khăn để thu thập đủ dữ liệu phục vụ cho các quyết định xây dựng và cải tiến sản phẩm. Nguyễn Văn Đại, COO của Azota cho biết, khi sản phẩm được thí điểm trong trường học, Đại đã phải gọi điện cho từng giáo viên để hiểu nhu cầu thực sự của họ là gì, lắng nghe những góp ý của họ và ghi nhận để cải tiến sản phẩm. Nhờ vậy, các sản phẩm của Azota nhanh chóng được đón nhận và những người dùng là giáo viên cũng thích thú khi giới thiệu sản phẩm này cho đồng nghiệp của mình.
Bà Phạm Thu Hằng, Chủ tịch Nền tảng Đổi mới sáng tạo Bambuup cũng khuyến nghị, bất kỳ công nghệ nào được sử dụng trong trường học đều gặp nhiều thách thức vì vấn đề bảo mật thông tin người học và các mối lo ngại khác. Đó là nguyên nhân khiến các trường có xu hướng thận trọng khi lựa chọn giải pháp EdTech. Điều này dẫn đến thực tế là, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này thường khó có thể phát triển và tinh chỉnh sản phẩm nếu không thử nghiệm trong môi trường thực tế.
Vì vậy, bên cạnh việc kỳ vọng các trường có tư duy mở đón nhận EdTech, bản thân startup trong lĩnh vực này cần dấn thân để hiểu người dùng tốt hơn, bởi có những nhà trường sẽ không bị lôi cuốn bởi những công nghệ tối tân nhất như trí tuệ nhân tạo (AI), tương tác thực tế ảo (AR)…, mà hứng thú với những startup có khát vọng phù hợp với định hướng phát triển giáo dục của nhà trường.