Nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất công nghiệp bứt phá trong năm 2025

(DNTO) - Trên thực tế, mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo hiện chiếm tới 85% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, vì vậy nhằm tạo đà cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2025, đòi hỏi ngành công nghiệp tiếp tục bứt phá mạnh mẽ, đem về giá trị gia tăng cao hơn.

Cần tập trung nhiều giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất công nghiệp tạo lực đẩy mới mạnh mẽ, toàn diện hơn. Ảnh: TL.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Việt Nam tăng 8,4% so với năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp “xương sống” là chế biến, chế tạo tăng 9,6%, đóng góp tới 8,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,5%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,7%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm...
Đặc biệt, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng của quốc tế trong thời gian gần đây tạo cơ hội rất lớn cho công nghiệp Việt Nam. Nếu Việt Nam tận dụng tốt lợi thế này, đồng thời có sự chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhanh hơn nữa thì có thể sẽ tạo đột phá trong tăng trưởng công nghiệp năm 2025 và các năm tiếp theo.
Theo đó, nhóm ngành sản xuất điện, điện tử và linh kiện tiếp tục khởi sắc từ nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo triển vọng tăng trưởng cho năm 2025 và những năm tiếp theo. Trong lĩnh vực dệt may, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, nhiều đơn vị hiện đã có đơn hàng hết quý II, thậm chí đến quý III của năm 2025 và tiếp tục đàm phán đơn hàng cho cả năm.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, năm 2025, ngành da giày vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% so với năm 2024, đạt kim ngạch khoảng 29 tỷ USD. Theo đó, ngành vẫn tập trung xuất khẩu sang những thị trường sẵn có và dễ tính như châu Phi, châu Á để có được tệp khách hàng phù hợp và tăng doanh thu, sau đó mới từng bước ứng dụng tiêu chuẩn cao hơn như sản xuất xanh, sản phẩm xanh để chinh phục những thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ. Nhiều doanh nghiệp cũng bước đầu tiếp cận các trang thương mại điện tử lớn như Alibaba, Amazon nhằm mở thêm kênh tiêu thụ. Một số doanh nghiệp lớn đã ký được hợp đồng đến giữa năm.
Riêng đối với ngành sản xuất điện tử bán dẫn, những chính sách mới sẽ góp phần tạo sức hút FDI cũng như thu hút sự dịch chuyển luồng đầu tư từ các nước sang Việt Nam. Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng của quốc tế trong thời gian gần đây tạo cơ hội rất lớn cho Việt Nam.
“Nếu tận dụng tốt lợi thế này, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, bảo đảm các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế thì Việt Nam có thể tạo đột phá trong tăng trưởng công nghiệp năm 2025 và các năm tiếp theo”, đại diện Tổng cục Thống kê nhìn nhận.
Nhưng bên cạnh đó, tồn tại, hạn chế của ngành công nghiệp vẫn còn không ít. Đó là giá trị sản xuất công nghiệp còn thấp hấp, giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng giá trị công nghiệp của cả nước, 74,6% giá trị xuất khẩu là từ khu vực FDI, chưa tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự dịch chuyển đầu tư từ các công ty đa quốc gia sang nước thứ ba và cũng chưa tận dụng tối đa được các FTA.
Vẫn thiếu những ngành công nghiệp có tính nền tảng, như công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, chế tạo chế biến, điện tử, hóa chất, năng lượng. Bằng chứng doanh nghiệp nội chỉ chiếm 24%, còn 76% là doanh nghiệp FDI, một số doanh nghiệp đã ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhưng nhìn chung còn ở khu vực thấp, doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu còn hạn chế, tỷ lệ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung hay doanh nghiệp Nhật Bản chưa nhiều.

Năm 2025, cùng với nhiều kỳ vọng, chỉ số sản xuất công nghiệp phấn đấu tăng khoảng 9 -10%. Ảnh: TL
Báo cáo mới nhất của S&P Global cũng cho biết, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 12 đã giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm lần đầu tiên trong 3 tháng trở lại đây, chỉ đạt 49,8 điểm, giảm 1 điểm so với 50,8 điểm của tháng 11. Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho rằng, sức khỏe ngành sản xuất của Việt Nam vẫn có dấu hiệu yếu khi tốc độ tăng sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới của tháng 12 lại yếu nhất trong vòng 3 tháng trở lại đây và tổng số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng, tổng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới lại giảm tháng thứ hai liên tiếp và tốc độ giảm tương đối mạnh.
Chưa kể nền kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, đặc biệt là khả năng trỗi dậy mạnh mẽ trở lại của xu hướng phi toàn cầu hóa, bảo hộ mậu dịch và chiến tranh thương mại; cùng những căng thẳng địa chính trị mới. Trong nước, những điểm nghẽn về năng lực doanh nghiệp công nghiệp trong nước cũng như ngành công nghiệp hỗ trợ nội địa còn chậm phát triển sẽ tạo ra lực cản lớn cho các cơ hội của ngành.
Thực hiện chỉ đạo mới nhất của Chính phủ hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức cao 8%, Bộ Công thương đề xuất nâng các chỉ tiêu tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại năm 2025, trong đó chỉ số sản xuất công nghiệp phấn đấu tăng khoảng 9-10% so với năm 2024. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Diên, tăng trưởng GDP năm sau đặt mục tiêu 8% trở lên, đặc biệt là phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 2 con số, thì ngành công nghiệp phải đạt tăng trưởng 12-13%.
"Năm 2024, công nghiệp tăng trưởng khoảng 8,4% trên nền tăng trưởng giảm thấp của năm 2023. Nhưng sang năm 2025, ngành phải đạt mức tăng trưởng 12-13% trên nền 8,4% của năm nay cộng vào", Bộ trưởng Bộ công thương nhấn mạnh.
Thực tế, việc đạt tăng trưởng ở mức 2 con số là yêu cầu rất cao, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có vai trò tiên phong của các ngành, lĩnh vực quan trọng, nền tảng như công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo…
Do đó, các chuyên gia cho rằng, cần dồn tổng lực để nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất công nghiệp tạo lực đẩy mới mạnh mẽ, toàn diện hơn. Ông Chu Việt Cường, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp chia sẻ, thời gian qua một số địa phương đã phát triển mạnh mẽ cụm, khu liên kết ngành, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp chia sẻ nguồn lực, kiến thức và công nghệ. Việc phát triển các cụm liên kết ngành này đã cho thấy hiệu quả vượt trội trong sản xuất so với các khu công nghiệp khác, nhờ việc tập trung nhiều doanh nghiệp sản xuất trong cùng một lĩnh vực.
“Vai trò cầu nối của các hiệp hội ngành hàng trong việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp công nghiệp để hỗ trợ về khả năng sản xuất và nhu cầu của nhau là rất quan trọng. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh việc kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI lớn toàn cầu đang đầu tư tại Việt Nam. Từ đó, giúp sản xuất công nghiệp tăng tốc trong năm 2025”, ông Cường nói.
Về phía doanh nghiệp, bà Phí Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê khuyến nghị, doanh nghiệp Việt Nam phải tìm cách giữ chân khách hàng bằng cách chấp nhận đơn hàng không phải là thế mạnh, không có lãi để giữ việc làm cho người lao động và để khách hàng không “quay xe”, nhằm xây dựng mối quan hệ đối tác tin cậy, lâu dài.
Song song với việc giữ chân khách hàng, doanh nghiệp phải khai thác, mở rộng thêm thị trường mới, đa dạng hóa thị trường, không “bỏ trứng vào một giỏ” để giảm thiểu rủi ro. Đặc biệt, phải đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, máy móc hiện đại để tăng năng suất lao động, nâng cao khả năng cạnh tranh. Hình thành và phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, xây dựng củng cố nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập, có cơ chế cho doanh nghiệp FDI có lộ trình chuyển giao công nghệ. Đây sẽ là bước tạo đà để tiếp tục thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp trở thành một trong những "trái ngọt" đóng góp chung vào tăng trưởng kinh tế cả nước.