Đón sóng phục hồi, tạo lực đẩy để ngành công nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu
(DNTO) - Sản xuất công nghiệp trong tháng 4 tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, đi cùng với những cơ hội là rủi ro được đánh giá ở thế cân bằng, đòi hỏi những lực đẩy mới mạnh mẽ, toàn diện hơn tạo cơ hội để doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị.
Sản xuất công nghiệp trong tháng 4 tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4 ước tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, ngành chế biến chế tạo tăng 7,0% so với cùng kỳ. Trong đó, các nhóm hàng, máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện đứng đầu với doanh thu xuất khẩu 18,87 tỷ USD (tăng 34,78% so với cùng kỳ năm ngoái); xuất khẩu điện thoại và linh kiện đứng thứ hai với kim ngạch đạt 16,18 tỷ USD, doanh thu tăng gần 1 tỷ USD; xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 12,63 tỷ USD, tăng thêm hơn 1,1 tỷ USD.Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong những tháng đầu năm nay, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là ngành dẫn đầu thu hút vốn FDI với tổng vốn đầu tư đạt hơn 6,15 tỷ USD, chiếm gần 66,4% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 19,8% so cùng kỳ.
Tại báo cáo điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh do Tổng cục Thống kê thực hiện trong quý II/2024, có 70,00% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh tốt lên; 24,29% giữ ổn định và 5,71% khó khăn hơn so với quý I/2024, trong đó: khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước lạc quan nhất với 94,78% doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất tốt lên và giữ ổn định so với quý I/2024; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Nhà nước lần lượt là 94,44% và 85,71%.
Bên cạnh những con số tăng trưởng tích cực, đại diện một số tổ chức tài chính và hiệp hội nhấn mạnh đến những thách thức với ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Tăng trưởng thấp hơn dự kiến ở các nền kinh tế phát triển và Trung Quốc có thể làm giảm nhu cầu của nước ngoài đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam vừa được công bố cho thấy mức tăng trở lại lên trên ngưỡng 50 điểm trong tháng 4, đạt 50,3 so với 49,9 điểm của tháng 3. Đây là lần cải thiện thứ ba trong 4 tháng qua phản ánh “sức khỏe” ngành sản xuất cải thiện nhẹ. Tuy nhiên, sự phục hồi này diễn ra từ từ và còn những bất định trong ngắn hạn.
Chưa kể mức độ phục hồi không đồng đều ở từng ngành nghề rất đáng lo ngại, chẳng hạn ngành vi tính tốt từ năm ngoái đến nay, nhưng một số ngành khác lại đang bị ảnh hưởng. Đơn cử, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội da giày và túi xách Việt Nam nhận định, các quy định về các sản phẩm sinh thái, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, truy xuất chuỗi cung ứng, các yêu cầu về giảm thiểu phát thải carbon đối với các sản phẩm sản xuất tại thị trường châu Âu là thách thức lớn với các nhà sản xuất, trong đó có Việt Nam.
Điều đáng nói, các doanh nghiệp công nghiệp, gồm cả những doanh nghiệp lớn cũng chưa thực sự "mặn mà" đầu tư cho đổi mới công nghệ. Tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam là dưới 0,5% doanh thu, trong khi Ấn Độ là 5%, Hàn Quốc 10%. Tỷ lệ đổi mới máy móc, thiết bị hàng năm chỉ đạt khoảng 10% trong 5 năm qua (các nước khác trong khu vực có khoảng 15-20%).
Do đó, tỷ lệ nội địa hóa của nhiều phân ngành công nghiệp ở mức thấp, "ăn theo" vào việc nhập khẩu nguyên vật liệu, các sản phẩm trung gian, máy móc thiết bị sản xuất, khiến các doanh nghiệp hầu hết chưa làm chủ được công nghệ nguồn. Ngay ở các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giầy, điện tử phải nhập khẩu từ 60% đến 70% nguyên liệu.
"Việc nâng cao công nghệ và tích hợp công nghệ, quản trị trong doanh nghiệp là rất quan trọng, bởi đây là nhân tố quyết định năng lực, tính chuyên nghiệp để doanh nghiệp Việt có chỗ đứng nhất định trong chuỗi giá trị và mạng sản xuất toàn cầu", ông Nguyễn Quang Tiến, Giám đốc kinh doanh Công ty AIE nhận định.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024, ngày 4/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, công nghiệp vẫn là ngành chủ đạo trong phát triển kinh tế. Phải đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất công nghiệp theo hướng hiện đại; tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ; đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, thu hút mạnh đầu tư...
Trên thực tế, với vai trò "xương sống" của nền kinh tế, sản xuất công nghiệp đòi hỏi những lực đẩy mới mạnh mẽ, toàn diện hơn để hồi phục trong năm 2024. Theo các chuyên gia, vốn là đầu vào quan trọng cho sản xuất công nghiệp, là sản phẩm đặc thù phải đầu tư dài hạn từ 9 - 12 năm mới phát triển ổn định, nên khi cơ hội tiếp cận vốn đối còn khó khăn, khả năng phục hồi và phát triển sẽ bị hạn chế.
"Cơ chế chính sách hỗ trợ về tài chính cần cụ thể hơn nữa, đóng vai trò là “bà đỡ” để các doanh nghiệp sẽ có thêm cơ hội tham gia sâu rộng vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Trước hết là chiếm lĩnh được thị phần hàng trăm tỷ USD đang bị bỏ ngỏ, vì phải nhập khẩu linh phụ kiện và sản phẩm hàng năm", ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Ngành công nghiệp hỗ trợ (HANSIBA) nhìn nhận.
Ở góc độ cơ quan nhà nước, để góp phần bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng công nghiệp 7 - 8%, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da - giày và các ngành nền tảng như ô tô, cơ khí, thép... doanh nghiệp phải có những kế hoạch cụ thể để chuẩn bị nguồn lực thực thi các yêu cầu bắt buộc mới như năng lượng "xanh", sạch, chuyển đổi số để tiết giảm chi phí, đào tạo nâng cao kỹ năng, tay nghề cho người lao động.