Tăng mạnh cả về số dự án và vốn đăng ký, hút FDI là điểm sáng trong bức tranh kinh tế tháng 4
(DNTO) - Trên nền xám của bức tranh kinh tế, việc hút gần 9,27 tỷ USD vốn FDI trong 4 tháng đầu năm 2024 được đánh giá là rất thành công, đột phá cả về số lượng, quy mô vốn, chất lượng dự án. Đây là tín hiệu tích cực cho Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh để tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Năm 2024 là một năm nhiều sóng gió và khó khăn của kinh tế Việt Nam khi phải đối mặt với hàng loạt thách thức. Ngay từ quý I/2024, nhiều yếu tố mới cả bên trong và bên ngoài đã xuất hiện, tạo sức ép lên ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, tỷ giá, các cân đối lớn và công tác quản lý, điều hành thúc đẩy tăng trưởng thời gian tới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, áp lực lạm phát, tỷ giá là vấn đề cần quan tâm.
Thông tin mới nhất từ Tổng cục thống kê, ngày 29/4, giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính làm chỉ số CPI tháng 4/2024 tăng 0,07% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng 4 tăng 1,19% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,4%. Bình quân 4 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,93% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,81%.
"Lạm phát tuy chưa cảnh báo "nóng" nhưng cần thận trọng trong công tác điều hành vì đang xuất hiện nhiều yếu tố gây áp lực lên lạm phát từ nay đến cuối năm. Đó là tác động của việc điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý, thực hiện chính sách cải cách tiền lương, giá nguyên vật liệu tăng, trong khi tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp", bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) nhận định.
Trong khi đó, về tỷ giá, giá USD bán tại các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng, vượt mốc 25.000 VND/USD, dự báo đà tăng chưa dừng lại do nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu còn tăng cao. Bên cạnh đó, áp lực dư thừa thanh khoản của hệ thống ngân hàng lớn trong bối cảnh dư nợ tín dụng tiếp tục tăng thấp và chênh lệch lãi suất giữa VND và USD cũng là nguyên nhân gia tăng áp lực tỷ giá.
Đáng chú ý, sau đà tăng mạnh trong quý 1, xuất khẩu tháng 4/2024 ghi nhận giảm 8,1% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,73 tỷ USD, giảm 6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 22,21 tỷ USD, giảm 8,9%. Tuy nhiên, tính chung 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu vẫn tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, cán cân thương mại tiếp tục nghiêng về xuất siêu với 8,4 tỷ USD.
Bên cạnh đó, về tình hình hoạt động doanh nghiệp, trong tháng 4/2023, cả nước có 7.618 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 84,1% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp giải thể là 86,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 12,2% so với cùng kỳ. Bình quân một tháng có 21,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Thống kê này cho thấy nền kinh tế khó khăn, thiếu vốn, thiếu đơn hàng khiến doanh nghiệp rời bỏ thị trường vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm... Theo giới chuyên gia, nền kinh tế về dài hạn không thể trông chờ vào đầu tư công mà cần có giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, khơi thông lại nguồn lực đầu tư tư nhân trở thành động lực tăng trưởng chính và quan trọng nhất.
Hoạt động đầu tư là điểm sáng
Dù còn gặp khó khăn, nhưng kinh tế tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024 ghi nhận "sức bật" trong nhiều lĩnh vực. Cụ thể, sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4/2024 ước tính tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, IIP ước tính tăng 6,0% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 6,3% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,9%), đóng góp 5,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Bên cạnh chỉ số IIP, đầu tư nước ngoài FDI và đầu tư công cũng đã có thành tích đáng chú ý. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 4/2024 ước đạt gần 44 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách ước đạt 142,8 nghìn tỷ đồng, bằng 20,1% kế hoạch năm và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 bằng 18,4% và tăng 5,5%).
Đặc biệt, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ.
Trong đó, vốn đăng ký cấp mới có 966 dự án FDI được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 7,11 tỷ USD, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm 2023 về số dự án và tăng 73,2% về số vốn đăng ký. Theo nhận định của Tổng cục Thống kê đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua, thể hiện sự đột phá cả về số lượng, quy mô vốn, chất lượng dự án.
“Hiện nay dòng vốn đầu tư nước ngoài, các nền sản xuất công nghiệp phát triển trên thế giới đã và đang tiếp tục đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn để "làm tổ", đặt địa điểm chiến lược cho sản xuất. Đặc biệt, việc trở thành đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga đã thực sự đưa Việt Nam lên một tầm cao mới trên bình diện kinh tế thế giới. Đây chính là những điểm nhấn kích hoạt “làn sóng đầu tư lần thứ 4” bắt đầu từ năm 2024 này”, giới chuyên gia nhận định.
Niềm tin và sự lạc quan của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đang gia tăng thấy rõ tại khảo sát nghiên cứu của các tổ chức trong và ngoài nước. Mới đây, ngày 9/4, khảo sát Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý 1/2024 của Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đạt 52,8. Báo cáo này cho biết: “Đây là mức cao nhất kể từ năm 2022, và là một dấu hiệu rõ ràng về niềm tin ngày càng tăng trong cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam”.
“Dữ liệu cứng từ BCI quý I/2024 vẽ nên một bức tranh rõ ràng - sự lạc quan của nhà đầu tư đang được cải thiện đều đặn. Việt Nam chắc chắn có khả năng trở thành điểm đến đầu tư ưu việt của khu vực và các chính sách chủ động, tập trung vào nhà đầu tư sẽ đẩy nhanh hơn nữa sự phát triển của Việt Nam”, ông Thue Quist Thomasen, Giám đốc điều hành Decision Lab nhận định.
Để không "bị động" khi đón nhận các dự án FDI, theo Chủ tịch EuroCham Dominik Meichle, việc giải quyết các thách thức pháp lý là “chìa khóa” để Việt Nam hiện thực hóa tiềm năng đó một cách trọn vẹn.
"Việc "gỡ rào" thủ tục sẽ giúp cả doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài thành công. Cùng với đó, nỗ lực nâng cao sự ổn định và khả năng dự đoán, sẽ giúp Việt Nam phát huy hết tiềm năng của mình. Điều này sẽ mở ra cho Việt Nam cơ hội trở thành điểm đến đầu tư hàng đầu trong khu vực, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp trong nước, thu hút vốn quốc tế và tăng cường quan hệ đối tác kinh tế", Chủ tịch EuroCham nói.