Đầu tư công, xuất nhập khẩu và khối khách hàng FDI sẽ dẫn dắt tăng trưởng tín dụng ngân hàng
(DNTO) - Các chuyên gia đánh giá, cầu tín dụng sẽ hồi phục nhờ lực kéo từ khối khách hàng FDI, xuất nhập khẩu và đầu tư công, giúp tăng trưởng ngành ngân hàng tốt hơn trong năm 2024. Tuy nhiên, những rủi ro về chất lượng tài sản của ngành ngân hàng vẫn còn nhiều lo ngại.
Tại hội thảo C2C với chủ đề Triển vọng ngành ngân hàng năm 2024 với góc nhìn từ Techcombank, ngày 6/3, Công ty Cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC), đã đưa ra nhận định, môi trường hoạt động của ngành ngân hàng trong năm 2024 sẽ có nhiều thuận lợi hơn so với năm 2023.
Theo chuyên gia HSC, thanh khoản hệ thống ngân hàng được duy trì ổn định với mặt bằng lãi suất thấp nhờ sự điều hành và hỗ trợ thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước; nền kinh tế đang trên đà hồi phục từ quý 4/2023 và được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng với tăng trưởng GDP mục tiêu trên 6%; điều kiện để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ cũng thuận lợi hơn trong bối cảnh lạm phát nằm trong tầm kiểm soát và những áp lực lên VND đã giảm so với năm ngoái nhờ sự đồng pha hơn trong chính sách tiền tệ của Việt Nam với các nền kinh tế lớn trên thế giới.
Hơn nữa, một số chính sách hỗ trợ, ví dụ như Thông tư 02 về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ hay Thông tư 16 quy định mua bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng thì nhiều khả năng vẫn sẽ kéo dài và sửa đổi. Dựa trên các yếu tố thuận lợi này, kỳ vọng cầu tín dụng sẽ hồi phục giúp tăng trưởng tín dụng tốt hơn trong năm 2024, so với mức nền thấp của năm 2023.
Phân tích cụ thể, ông Phùng Quang Hưng, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc khối Doanh nghiệp và Định chế Tài chính của Techcombank, cho hay trong mảng khách hàng doanh nghiệp, nguồn vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam. Cụ thể, giải ngân vốn FDI trong 2 tháng đầu năm 2024 đạt mức cao nhất trong 5 năm vừa qua và tăng trưởng gần 10% so với 2 tháng cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, vốn FDI đăng ký tăng gấp đôi cùng kỳ và đa dạng trong các lĩnh vực kể cả lĩnh vực bất động sản cho thấy tiềm năng của các lĩnh vực đó; ở các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm cũng đạt được mức cao nhất trong 5 năm qua...
Ông Hưng nhấn mạnh, hoạt động xuất khẩu tăng trưởng trở lại có ý nghĩa rất lớn đối với Việt Nam vì xuất khẩu chiếm tỷ trọng rất lớn. Nếu nhìn vào các ngành kinh tế mang tính chất nội địa như chuỗi giá trị bất động sản thì có thể thấy rằng, sau những khó khăn 9 tháng đầu năm ngoái thì từ quý 4 vừa qua, các doanh số về mua bán giao dịch bất động sản đã có tín hiệu tích cực; mức tiêu thụ, tiêu dùng nội địa đối với hàng hóa bán lẻ luôn đạt mức tăng trưởng dương trong những tháng vừa qua.
Xét về lĩnh vực bán lẻ, tức là nhóm khách hàng cá nhân thì tỷ lệ được coi là tầng lớp trung lưu trở lên của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng nhanh do tốc độ phát triển chung của GDP của Việt Nam thuộc loại tốt, cũng như tốc độ đô thị hóa nhanh.
Ở khía cạnh nhu cầu tài chính của khách hàng, ví dụ như thị trường về trái phiếu, khi mà khách hàng cá nhân nắm giữ trái phiếu sẽ là công cụ đầu tư, lưu giữ tài sản nhưng dư nợ trái phiếu chỉ chiếm 15% so với GDP, mức này vẫn còn rất thấp so với các nước trong khu vực. Ngoài ra còn có phí bảo hiểm trên GDP hay giá trị chứng chỉ quỹ cũng như vay mua nhà so với GDP của Việt Nam đều đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Đó là dư địa để phát triển.
Ngoài các động lực trên, các chuyên gia cũng lưu ý các yếu tố bất ngờ có thể tác động đến bức tranh của ngành ngân hàng. Đầu tiên là môi trường kinh tế toàn cầu, mức độ hồi phục nền kinh tế lớn như Mỹ và Châu Âu, tốc độ giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các thị trường nhanh hay chậm, nếu nhanh sẽ là yếu tố tích cực còn nếu chậm hơn kỳ vọng sẽ tác động ít tích cực hơn.
Đối với thị trường trong nước, sự hồi phục của thị trường bất động sản mặc dù có những tín hiệu tích cực, nhưng tốc độ hồi phục tiếp tục gia tăng hay ở mức chậm hơn cũng sẽ có những tác động nhất định, bởi vì các chuỗi cung ứng về bất động sản xây dựng cũng đóng góp tỷ trọng khá lớn đối với GDP. Cùng với đó là khía cạnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam thì yếu tố về lạm phát, lãi suất sẽ diễn biến như thế nào. Hiện nay theo dự báo chung lạm phát sẽ có sự tăng nhẹ khi Việt Nam tiếp tục duy trì môi trường lãi suất thấp, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế.
Đặc biệt, bà Phạm Liên Hà, Giám đốc Nghiên cứu ngành dịch vụ Tài chính của Chứng khoán HSC, nhấn mạnh về nợ xấu toàn hệ thống cuối năm 2023 vẫn đang còn ở mức khá cao, khoảng 4.8-4.9%. Đáng chú ý là nợ xấu của các ngân hàng đầu ngành hay cụ thể hơn ở đây là của 14 ngân hàng nằm trong danh mục theo dõi của HSC thì ở mức 1.67% vào cuối năm 2023, chỉ tăng nhẹ so với mức 1.5% ở cuối năm 2022. Nếu như cộng tỷ lệ cơ cấu nợ là 1.35% vào tỷ lệ nợ xấu chung của toàn ngành hay cộng vào tỷ lệ nợ xấu của 14 ngân hàng đầu ngành thì tỷ lệ nợ xấu thực tế cũng đang tương đối cao.
“Dù vậy, với các chính sách hỗ trợ tiếp tục được duy trì trong năm 2024 và sự hồi phục và tăng trưởng của nền kinh tế cũng như tăng trưởng tín dụng thì quy mô tương đối của nợ xấu cũng như áp lực dự phòng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của các ngân hàng và nhiều khả năng sẽ có sự cải thiện nhẹ”, bà Hà nhận định.
Với những quan điểm và dự báo trên, vị chuyên gia ước tính tăng trưởng lợi nhuận của 14 ngân hàng đầu ngành sẽ đạt mức 20-21% trong năm 2024, cao hơn mức 5.5% tăng trưởng lợi nhuận của năm 2023.