GDP quý III tăng 7,4%, phấn đấu dồn tốc lực đưa 'cỗ xe' kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5 -7%
(DNTO) - Kinh tế Việt Nam đã đi được 3/4 quãng đường với dấu hiệu tốt dần lên theo từng quý, mặc dù có những tháng sự phục hồi khá mong manh, doanh nghiệp phải đương đầu với nhiều thách thức. Để phát huy nội lực đất nước, đưa "cỗ xe" kinh tế về đích, Chính phủ cần quyết liệt thúc mạnh các động lực tăng trưởng.
GDP tăng 6,82%, xuất siêu 20,79 tỷ USD
Thông tin tại họp báo Công bố số liệu kinh tế – xã hội quý III và 9 tháng năm 2024, sáng 6/10, Tổng Cục Thống kê cho biết, kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2024 của nước ta tiếp tục xu hướng tích cực, các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho những tháng còn lại của năm. Trong đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III ước tính tăng 7,40% và 9 tháng năm 2024 tăng 6,82%, cao hơn mức kỳ vọng trong bối cảnh nền kinh tế một số địa phương phía Bắc bị ảnh hưởng không nhỏ bởi cơn bão số 3 đầu tháng 9 vừa qua.
Đáng chú ý, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp, sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo đang trên đà tăng trưởng tích cực khi giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2024 ước tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7%, đóng góp 2,4% mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
“Nhìn chung, trong quý III và 9 tháng năm 2024, nền kinh tế đạt được mức tăng trưởng tích cực trong bối cảnh khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản bị sụt giảm do ảnh hưởng của yếu tố thời tiết bất thường, nhưng được bù đắp bởi mức tăng ấn tượng của ngành công nghiệp, khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì mức tăng khá nhờ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng ổn định, tạo đà phát triển cho quý IV và cả năm”, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết.
Xuất khẩu tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế, trong quý 3 năm nay kim ngạch xuất khẩu sơ bộ đạt 108,6 tỉ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 299,6 tỷ USD, tăng 15,4%; kim ngạch nhập khẩu đạt 278,8 tỷ USD, tăng 17,3%.
Trong 9 tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu tăng khá so với 9 tháng năm các năm (2020-2024). Kim ngạch nhập khẩu ước 9 tháng năm 2024 tăng phản ánh tín hiệu tốt hoạt động sản xuất trong nước phục hồi so với cùng kỳ năm trước (9 tháng năm 2023 giảm 13,9%).
Cùng với đó, nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước phục hồi cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành thương mại dịch vụ trong 9 tháng năm 2024. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2024 ước tính tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 13,6% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 16,7%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 9/2024 ước đạt 535,8 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.
Mặt bằng lãi suất cho vay có xu hướng giảm, sản xuất phục vụ xuất khẩu tăng trưởng tốt, các chính sách về miễn giảm, giãn, hoãn thuế tiếp tục được triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh đã thúc đẩy đầu tư mới và mở rộng sản xuất, tăng cường thu hút và thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 9 tháng năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 2.417,2 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng trong tháng 9/2024, tổng lượng vốn FDI đạt mức cao nhất trong các tháng từ đầu năm đến nay, với gần 4,26 tỷ USD, chiếm 17,2% tổng vốn đầu tư cả nước trong 9 tháng. Vốn đầu tư tăng thêm cũng đạt mức cao nhất từ đầu năm với các dự án được mở rộng vốn lớn.
Củng cố nội lực cho 'cỗ xe tam mã'
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5%, quý IV sẽ cần tăng 5,7%; với mục tiêu tăng trưởng 6,8%, trong quý IV cần tăng 6,76%; và đạt mục tiêu 7%, trong quý IV cần tăng trưởng 7,5%. Như vậy, quý 4 sẽ là giai đoạn quyết định đối với mục tiêu tăng trưởng 6,8%-7% cả năm. Dù đánh giá tích cực, các tổ chức quốc tế đều dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 vẫn thấp hơn nhận định của Chính phủ (xung quanh mức 6%, cao nhất là 6,5%). Một số rủi ro mà nền kinh tế có thể phải đối mặt đã được chỉ ra.
Báo cáo của S&P Global công bố mới đây cho thấy Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 9 là 47,3, giảm mạnh từ mức 52,4 của tháng trước. Kết quả này một lần nữa khẳng định mức độ nghiêm trọng mà bão Yagi đã tác động đến ngành sản xuất của Việt Nam. Theo S&P Global, bão Yagi đã đặt dấu chấm hết cho thời kỳ tăng trưởng mạnh của ngành sản xuất khi mưa lớn, lũ lụt gây ra việc đóng cửa tạm thời, chậm trễ trong chuỗi cung ứng và dây chuyền sản xuất. Sản lượng sản xuất đã kết thúc thời kỳ tăng trưởng kéo dài 5 tháng, đây cũng là mức suy giảm đáng kể nhất kể từ tháng 1 năm ngoái.
Bên cạnh đó, việc FED cắt giảm lãi suất cũng là một yếu tố được giới phân tích nhận định tác động đến kinh tế Việt Nam. "Xuất khẩu nói chung và xuất khẩu sang Mỹ nói riêng tăng gần 30% trong 9 tháng đầu năm 2024 là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay. Vì vậy, việc nền kinh tế Mỹ chậm lại có khả năng làm giảm nhu cầu tiêu dùng của Mỹ đối với các sản phẩm "Made in Vietnam" như máy tính xách tay, điện thoại di động và các hàng hóa khác", ông Michael Kokalari, CFA, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital lo ngại.
Mặc dù đã có sự “hỗ trợ tiêu dùng” của 12,7 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.703,4 nghìn tỷ đồng, chỉ tăng 8,8%, thấp hơn 1,3 điểm phần trăm so với mức tăng 10,1% của cùng kỳ năm trước. Điều này phản ánh khó khăn của các hộ gia đình khi việc làm và thu nhập vẫn bị ảnh hưởng do sự phục hồi chậm và yếu của nền kinh tế.
Trong bối cảnh bức tranh kinh tế 9 tháng có nhiều điểm sáng, đan xen với khó khăn thách thức, Chính phủ và các địa phương đang khẩn trương thực hiện các giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai, sớm đưa các doanh nghiệp và hộ sản xuất bị ảnh hưởng quay trở lại hoạt động.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh, đầu tư công có vai trò quan trọng, tạo tác động lan toả, dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực xã hội cho phát triển. Năm 2024, Chính phủ dành 677,3 nghìn tỷ đồng cho đầu tư công.
Trong 3 "ngựa kéo" cỗ xe kinh tế năm 2024, các nhà quản lý có thể chủ động cao nhất trong điều khiển "ngựa đầu tư" để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả năm. Đặc biệt, cần linh hoạt hơn trong thu hút các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế chứ không chỉ dựa vào nguồn vốn nhà nước để cùng thời điểm có thể thực hiện nhiều dự án thành phần của các dự án lớn tầm cỡ.
Tổng cầu tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình và Chính phủ được xác định là động lực "then chốt" của tăng trưởng của nền kinh tế. Do đó, cần tiếp tục kích cầu tiêu dùng thông qua chính sách thuế và an sinh xã hội như giảm thuế thu nhập cá nhân; giảm thuế VAT với thời hạn dài hơn, tỷ lệ cao hơn 2%; kích cầu du lịch trong nước và thu hút du lịch nước ngoài; tăng cường các đợt khuyến mại với mục tiêu "người Việt dùng hàng Việt"…
"Để phát huy tối đa động lực tăng trưởng xuất khẩu, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, cần tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ, chính sách tỷ giá để hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng nguồn cung, tiết giảm chi phí nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt", ông Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định.
Đặc biệt, niềm tin của người tiêu dùng có ý nghĩa rất lớn trong việc đảm bảo hiệu quả của các giải pháp kích cầu tiêu dùng, vì vậy cùng với chính sách an sinh xã hội, chính sách về ổn định lãi suất ngân hàng, thị trường bất động sản, giá vàng, giá ngoại tệ ổn định... sẽ thúc đẩy chi tiêu, xử lý được bài toán nhu cầu thị trường trong nước thấp đối với doanh nghiệp.