Một số startup vẫn ‘kén cá, chọn canh’ khi nhận đầu tư
(DNTO) - Trái ngược với những người không thể huy động vốn, một số startup tiềm năng được nhà đầu tư chú ý nhưng có thể bỏ lỡ mất cơ hội vì sự kén chọn của mình.
Theo Preqin, 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư mạo hiểm rót vào startup Đông Nam Á chỉ đạt 4 tỷ USD, giảm khoảng 65% so với cùng kỳ. Tại Việt Nam, theo Tracxn, startup công nghệ cũng chỉ huy động được 66 triệu USD, giảm 82% so với cùng kỳ năm trước.
Khó khăn trong huy động vốn đã buộc startup phải cắt giảm nhân sự. Nửa đầu năm nay, 867 công ty công nghệ toàn cầu đã sa thải khoảng 219.709 nhân viên, trong khi cả năm ngoái là 164.411 bị sa thải (theo Layoffs. Fyi).
Tuy nhiên, bên cạnh phần đa công ty khởi nghiệp khó khăn trong gọi vốn, thì số ít còn lại vẫn là những ‘miếng mồi’ béo bở với các nhà đầu tư. Đó là lý do dù dòng vốn thắt chặt, các nhà đầu tư thận trọng hơn, nhưng vẫn có lượng tiền âm ỉ chảy vào thị trường đầu tư mạo hiểm, bất chấp suy thoái kinh tế chưa đến hồi kết.
Ông Sơn Hồ, đối tác Quản lý Quỹ K300 Ventures, quỹ đầu tư (VC) chuyên rót vốn và kết nối nguồn lực cho startup kỹ thuật số, cho biết với VC, họ sẽ quan tâm đến tiểu sử gọi vốn của startup, những VC nào đã làm việc trước đó. Một sai lầm của startup là hệ quả của năm 2021, các startup kén chọn khi làm việc với các nhà đầu tư. Nhưng theo ông Sơn Hồ, năm 2022 và 2023 thì khác.
“Một nhóm startup tôi cố vấn kêu gọi đầu tư khoảng 2 triệu USD, họ đã được rót 1,1 triệu USD từ nhiều bên. Nhưng họ vẫn tiếp tục để chế độ mở, chưa thương lượng vì muốn tìm các nhà đầu tư tốt hơn. Tuy vậy, tôi khuyên các bạn rằng mùa này không thể kén chọn nhà đầu tư khi khả năng tiến công chưa đủ tốt. Các bạn có thể nhận ngay 1,1 triệu USD, giả sử phân bổ 70% vào marketing, 30% vào xây dựng sản phẩm thì các bạn có thể tiếp cận một lượng người dùng, từ đó hoàn toàn có nâng định giá trong những vòng sau, series A, B”, ông Sơn Hồ nói.
Ông Nguyễn Ảnh Cường, CEO Fundiin, startup trong lĩnh vực mua trước trả sau đã gọi vốn 5 triệu USD vòng series A, cho biết, dòng vốn đầu tư đang thận trọng khi đổ về các mô hình khởi nghiệp còn non trẻ, chưa có lãi. Hiện nay, các công ty công nghệ khác trên thế giới đều giảm giá trị rất lớn, việc giảm giá trị này liên quan đến sự thay đổi về mặt định giá, nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư.
Nếu trước đây, các nhà đầu tư sẽ quan tâm đến các startup tăng trưởng cao dù vẫn đang lỗ, thì nay, họ chỉ rót vốn vào startup có khả năng đạt lợi nhuận trong 1-2 năm. Việc này dẫn đến thay đổi định giá startup và các công ty nếu không có định hướng thay đổi sẽ rất khó gọi vốn.
“Vì vậy, ngay từ đầu chúng tôi phải tập trung vào việc phát triển sản phẩm tốt mà không phải chi quá nhiều tiền để “mua” khách hàng, mà sản phẩm đó phải tự bán được. Chúng tôi cải tiến về mặt công nghệ để năng suất vận hành tốt hơn, chi phí thấp hơn, để tiến tới có lợi nhuận trong thời gian ngắn sắp tới”, ông Cường cho biết.
Ths Nguyễn Thế Trung, Công ty Tư vấn và Giáo dục John&Partners cho biết startup cần dòng tiền thường trực để quay vòng vốn. Vậy nên để công nợ trong thời gian bao lâu, tỷ suất nợ là bao nhiêu % cần cân nhắc.
Nhưng theo vị này, thực tế, vấn đề công nợ, đòn bẩy tài chính có nhiều ý nghĩa với doanh nghiệp lớn nhiều hơn. Bởi đa phần startup rất khó vay tiền, nếu có cũng chỉ là gia đình, bạn bè hoặc không thì cũng là đầu tư góp vốn. Startup thường sẽ không cho nợ dài hạn, có khi phải thanh toán trước một phần. Startup thì luôn luôn thiếu tiền, vậy nên vay thế nào và nên dùng tiền như thế nào.
“Câu trả lời thực tế nhất là, nếu vay được bằng lãi suất thấp thì cứ mạnh dạn vay, đừng lo nghĩ nhiều vì đây là cơ hội hiếm có. Nếu có điều kiện vay vốn, nên nhớ vay bằng pháp nhân startup, tức công ty mà bạn thành lập. Nếu có phá sản, trách nhiệm nằm ở công ty chứ không phải cá nhân”, ông Trung khuyến nghị.