Không thể mãi xuất siêu lượng lớn sang Mỹ
(DNTO) - Thặng dư thương mại Việt Nam và Mỹ là thành tựu nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro khi nước này đang tăng cường bảo hộ hàng nội địa và sẽ duy trì chính sách thương mại cân bằng với các đối tác.
10 tháng đầu năm 2024, thương mại hai chiều Việt Nam - Mỹ đã vượt mốc 100 tỷ USD, theo Bộ Công thương. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ.
Tuy nhiên cán cân thương mại giữa Việt Nam và Mỹ đang có sự lệch pha, với thặng dư nghiêng phần lớn về phía Việt Nam. Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ với kim ngạch ước đạt 98,4 tỷ USD, nhưng chỉ nhập khẩu từ thị trường này 12,3 tỷ USD. Thặng dư thương mại của hàng Việt sang Mỹ lên tới 86,1 tỷ USD.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định Thặng dư thương mại Việt Nam và Mỹ là thành tựu nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro.
“Bởi chính sách của Mỹ là cân bằng, chúng ta xuất bao nhiêu thì cũng phải nhập bấy nhiêu. Nhưng chúng ta đang xuất nhiều hơn nhập so với Mỹ. Đó là lý do có thể Việt Nam bị đưa vào danh sách thao túng tiền tệ, đi kèm với đó là những biện pháp trừng phạt”, ông Huân nói.
Theo vị này, việc Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường khiến doanh nghiệp xuất khẩu của ta yếu thế hơn các doanh nghiệp ở những nước đã được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường. Minh chứng là thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị Mỹ tăng cường điều tra chống bán phá giá.
Trong tổng số 253 vụ việc nước ngoài điều tra với ta tính tới hiện nay, Hoa Kỳ điều tra tới 64 vụ, chiếm 25%, gồm: 28 vụ việc chống bán phá giá, 11 vụ chống trợ cấp, 22 vụ chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại và 3 vụ việc tự vệ, theo Bộ Công thương.
“Đối với một nền kinh tế không được công nhận là kinh tế thị trường, Mỹ sẽ không dùng chi phí của ta để tính giá thành sản phẩm, trong việc áp đặt có bán phá giá hay không, mà sẽ lấy từ một quốc gia thứ 3. Các quốc gia thứ 3 thường chi phí sản xuất cao hơn Việt Nam, nên giá thành cao hơn. Do đó, chúng ta sẽ bị áp đặt là bán phá giá”, ông Huân lý giải.
Trong báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại 10 tháng đầu năm, Bộ Công thương cũng nhận định nhu cầu tiêu thụ cuối năm tại các thị trường lớn như Mỹ và EU sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, hàng tiêu dùng và dệt may (các nhà bán lẻ toàn cầu tăng cường dự trữ hàng hóa cho các dịp lễ lớn). Ngoài ra, xuất khẩu dệt may của nước ta sẽ được hưởng lợi trong ngắn hạn khi các đơn hàng xuất khẩu được dịch chuyển từ Bangladesh.
Tuy vậy, việc ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ vào ngày 05/11/2024 được dự báo sẽ dẫn đến những tác động sâu rộng đối với kinh tế thế giới và Việt Nam. Nguyên do là các quan điểm cứng rắn, mang tính bảo hộ cao có thể làm gia tăng các rào cản thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa của nước ta.
“Trong nhiệm kỳ trước, ông Trump là Tổng thống đầu tiên quyết định điều tra Việt Nam theo Điều 301”, Bộ Công thương nhấn mạnh.
Hiện Việt Nam và Mỹ đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện. PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân tin tưởng trong thời gian ngắn sắp tới Mỹ sẽ công nhận chúng ta là nền kinh tế thị trường.
Để Mỹ công nhận thì có những điểm mấu chốt: đồng tiền có tự do chuyển đổi hay không, sự can thiệp của Chính phủ vào nền kinh tế, sự kiểm soát của Chính phủ với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước.
Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, với những yếu tố trên, Việt Nam đang cải thiện rất tốt. Điển hình như chúng ta đang cổ phần hóa và tự do hóa nền kinh tế. Nếu so sánh với các quốc gia đã được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, Việt Nam có độ mở và độ tự do nền kinh tế còn tốt hơn nữa. Điều quan trọng, Việt Nam cần có sự trao đổi nhiều hơn với Bộ Thương mại Mỹ cũng như các cơ quan chức năng của Mỹ để họ hiểu hơn về nền kinh tế Việt Nam.
“Nói cách khác chúng ta phải ngoại giao tốt hơn trong thời gian tới”, ông Huân nói.
Còn phía Bộ Công thương, để ứng phó tốt với các “đòn” phòng vệ thương mại có thể gia tăng từ phía Mỹ, Bộ này cho biết cách tốt nhất là hoàn thiện hệ thống pháp lý, thể chế về phòng vệ thương mại.
Hiện Bộ Công Thương đang rà soát, nghiên cứu, giải trình, hoàn thiện Hồ sơ xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại để trình Chính phủ trong tháng 12/2024.