Ngành cà phê trước ‘luật chơi’ mới của EU
(DNTO) - Quy định chống phá rừng (EUDR) đang đặt ngành cà phê Việt Nam vào nhiều thách thức, trong đó là phần xác minh nguồn gốc đất trồng và truy xuất nguồn gốc.
Quy định chống phá rừng (EUDR) cấm nhập khẩu vào châu Âu các sản phẩm như ca cao, cà phê, đậu nành, dầu cọ, gỗ, thịt bò, cao su và giấy..., nếu có nguồn gốc từ đất rừng bị phá hoặc suy thoái. Mặc dù EU lùi thời gian thực thi quy định này sang năm 2025, thay vì tháng 12 năm nay, nhưng cũng đặt ra áp lực không hề nhỏ với doanh nghiệp Việt Nam có mặt hàng xuất khẩu vào thị trường này.
Tại talkshow ‘Quy định chống phá rừng của EU–Doanh nghiệp chuẩn bị gì khi gần đến ngày thực thi?’ hôm 15/11, ông Phạm Thắng - Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê-Cacao Việt Nam, cho biết các doanh nghiệp trong ngành đã có sự chuẩn bị tốt để đáp ứng.
Một số doanh nghiệp đầu tàu trong ngành như Intimex Group, Vĩnh Hiệp Gia Lai, 2-9 Đắk Lắk, Cát Quế… cũng đang vừa làm vừa nghe ngóng. Đã có một số đơn hàng đi theo chứng nhận EUDR và các doanh nghiệp Việt Nam đã làm kê khai theo các nội dung mà các nhà rang xay EU yêu cầu.
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi còn khó khăn. Bản đồ EUDR để áp định vị vùng trồng chưa được đồng nhất và thống nhất với các quy định chung trước đây cũng như quy định riêng của từng hãng thu mua cà phê.
“Chúng ta có nhiều hệ thống bản đồ khác nhau, như bản đồ địa chính, bản đồ sử dụng đất, bản đồ rừng... Làm sao để đồng bộ hóa những bản đồ đó để vừa đảm bảo phù hợp pháp lý Việt Nam, nhưng phải theo đúng tiêu chuẩn kĩ thuật của EU yêu cầu như vạch được ranh giới rừng, đất…”, ông Thắng đặt vấn đề.
Việc chưa có bản đồ định vị vùng trồng gây ra nhiều rủi ro cho người sản xuất, doanh nghiệp trồng cà phê. Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết loại đất trồng của ta hiện có tính rủi ro cao là diện tích đất xen kẹt, bìa rừng. Nếu doanh nghiệp, người nông dân không biết mà canh tác tại đó thì rất nguy hiểm, sẽ là “con sâu bỏ dầu nồi canh”.
“Ví dụ hiện nay hàng hóa Việt Nam đều quy mức rủi ro trung bình, tương ứng tần suất kiểm soát 3%. Nếu một vài trường hợp vi phạm, họ tăng mức độ rủi ro lên cao, tương ứng tần suất kiểm soát tăng lên 9%. Lúc đó rất mệt, cứ 10 container đến sẽ mở 1 container ra kiểm tra toàn bộ thì doanh nghiệp rất tốn tiền, sẽ giảm mức trả cho người dân”, ông Tuấn nói.
Tại Gia Lai, cách đây vài năm, các doanh nghiệp cao su, cà phê của tỉnh đã xây dựng các vùng liên kết nguyên liệu. Hiện tỉnh đã có 60.000 ha cà phê đạt chuẩn. Tuy nhiên, bà Đào Thị Thu Nguyệt - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, cho biết việc truy xuất nguồn gốc và thực hiện các chứng nhận EUDR khiến chi phí xuất khẩu sang EU gia tăng, cũng có thể gây rủi ro cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Trên 60 ha cà phê của tỉnh đã có chứng nhận, nhưng số còn lại các hộ nông dân manh mún, nhỏ lẻ, dưới 1ha/hộ. Việc liên kết các hộ lại với nhau khó khăn do khoảng cách xa. Chuỗi cung ứng của các ngành hàng còn dài và phức tạp, nhiều khâu trung gian. Việc sản xuất quy mô nhỏ nông hộ dẫn tới khả năng đầu tư công nghệ sản xuất đạt chuẩn châu Âu cũng kém do chi phí cao”, bà Nguyệt cho biết.
Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cũng cho rằng thách thức với doanh nghiệp khi thực hiện quy định chống phá rừng nằm ở việc khai báo thông tin bổ sung. Bởi, ngành sản xuất của ta vẫn trên nền tảng là sản xuất nông hộ nhỏ, nên yêu cầu phải có dữ liệu đến từng nông hộ, ví dụ đất trồng phải chứng minh có liên quan đến chủ canh tác hay chủ đất.
“Chính doanh nghiệp nội bộ EU hiện giờ cũng lúng túng, chưa biết khai báo như thế nào cho hiệu quả. Nhưng kể cả họ có trì hoãn thêm 1 hay 2 năm thì chúng tôi cũng kiên trì quan điểm cứ đúng mục tiêu đó và càng nhanh càng tốt thúc đẩy việc đáp ứng tiêu chuẩn này”, ông Tuấn nói.
Còn lãnh đạo Hiệp hội Cà phê- Ca cao mong cơ quan liên quan sớm xây dựng bộ tiêu chuẩn kĩ thuật hướng dẫn thực hiện EUDR. Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất hợp pháp để bà con nông dân đáp ứng được quy định EUDR.