Nhà phát triển áo sợi cà phê đầu tiên trên thế giới: Bài toán khó nhất là giá bán
(DNTO) - Sau thành công của sản phẩm áo sơ mi cà phê, Faslink mở rộng nghiên cứu và cho ra thị trường các loại vải sợi tái chế từ chai nhựa, vỏ hàu, sen… Nhưng khó khăn nhất không phải quá trình nghiên cứu và phát triển, mà là tìm cách giảm giá để đối tác, khách hàng có thể chấp nhận.
Để khách hàng bỏ tiền nhiều hơn cho sản phẩm mới
Những năm 2010, khi Faslink lựa chọn con đường làm thời trang bền vững thì thị trường mới chỉ thông dụng chất liệu như cotton, CVC. Một vài lần tham dự các triển lãm dệt may trên thế giới, công ty này được tiếp cận với dòng vải sợi tre và họ tìm cách đưa về Việt Nam. Thời điểm 10 năm trước, không ai nói về câu chuyện bền vững và mục tiêu của Faslink lúc đó cũng chỉ xoay quanh câu chuyện phải có sản phẩm khác biệt trên thị trường để tăng tỉ lệ chiến thắng khi ra mắt.
Năm 2017, Faslink tạo “cú hích” trên thị trường dệt may Việt Nam khi hợp tác nghiên cứu cùng Singtex cho ra mắt sản phẩm áo sơmi cà phê đầu tiên trên thế giới và thương mại hóa tại Việt Nam. Từ đó tới nay, vải sợi cà phê được ứng dụng rộng rãi trong nhiều loại trang phục như jeans, quần tây,… Faslink đã đạt cột mốc cung ứng gần 3 triệu sản phẩm từ vải sợi cà phê cho hơn 40 nhãn hàng thời trang, điển hình như: Owen, Yody, Coolmate, Routine...
Trong hơn 10 năm qua, công ty đã nghiên cứu và phát triển nhiều loại vải bền vững, tái chế từ chai nhựa, vỏ hàu, sợi xen, bạc hà… Chia sẻ trong series Doanh nhân chính truyện của Tạp chí Kinh tế Sài gòn, ông Võ Thành Phước, Giám đốc phát triển Faslink, cho biết đây là những nguyên liệu hoàn toàn mới, công sức để nghiên cứu và phát triển rất lâu, mất từ 2-4 năm và qua rất nhiều lần làm đi làm lại, tốn kém chi phí, buộc nhà nghiên cứu phải đeo đuổi đến cùng.
Tuy nhiên, bài toán khó nhất chưa phải là khâu R&D sản phẩm, mà là làm sao để các hãng thời trang nội địa đón nhận. Với toàn bộ sản phẩm mới, ông Phước cho biết luôn xác định công ty ở trong trạng thái “khởi nghiệp”. Vì một sản phẩm chưa bao giờ xuất hiện trên thị trường, nhà sản xuất buộc phải làm rõ tính năng, ưu điểm, chỉ số bền vững của sản phẩm. Làm thế nào để xác định được, chứng minh được việc nhà sản xuất cam kết về tính bền vững là đúng.
“Fastlink sau 10 năm đã chứng minh bằng việc đăng kí bằng sáng chế về sợi, những bản kiểm định về tính năng. Trên mỗi thẻ bài đính kèm sản phẩm, có đầy đủ thông tin từ nhà sản xuất gốc, người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc thông tin một cách rõ ràng, cụ thể, lúc đó mới có thể thuyết thục được khách hàng dễ hơn so với trước đây”, ông Phước nói.
Bên cạnh đó, các sản phẩm vải sợi bền vững cũng phải đúng với mục tiêu về giá của đối tác. Bởi mỗi thương hiệu thời trang đều có khung nhất định về giá cho các sản phẩm bán lẻ của họ. Thời điểm bắt đầu cung ứng các sản phẩm bền vững, Faslink gặp khó khăn khi phải thuyết phục nhãn hàng bỏ ra một số tiền lớn hơn cho một nguyên liệu hoàn toàn mới, trong khi những nguyên liệu hiện tại của họ vẫn đang bán tốt.
Ông Phước cho biết đa số nhãn hàng lớn khi đặt sản xuất đều phải đảm bảo mức sản lượng tối thiểu. Khi đó họ mới có cơ sở để “deal” (thỏa thuận) giảm chi phí, giảm giá thành sản xuất để phù hợp với mục tiêu của nhãn hàng. Với các nhãn hàng nhỏ lẻ, đa số sản lượng rất ít nên không thể tự đặt đơn hàng đủ sản lượng theo yêu cầu của bên sản xuất. Để hỗ trợ nhãn hàng thời trang nhỏ có thể sử dụng nguyên liệu bền vững, Fastlink buộc phải tìm cách hạ giá thành nguyên vật liệu của mình.
“Sau 2 năm đưa vải sợi cà phê về Việt Nam và tung ra thị trường, Faslink biết được thị hiếu của khách hàng. Thay vì sử dụng 100% thành phần sợi từ bã cà phê, Faslink bắt đầu cho ra loại vải với khoảng 30-40% sợi cà phê, còn lại là các loại sợi khác. Nó vẫn đảm bảo tính bền vững, tính năng trên sản phẩm nhưng mình có thể giảm giá thành trên mỗi sản phẩm xuống”, ông Phước cho biết.
Bền vững không chỉ ở nguyên liệu
Những năm gần đây, khi khái niệm phát triển bền vững được nói tới nhiều hơn, quá trình làm việc với các nhãn hàng trẻ cũng dễ hơn khi “họ nói về giá trị thay vì chỉ là giá cả sản phẩm”.
Nhưng Faslink cũng có những nhãn hàng chiến lược 10 năm đồng hành, câu chuyện không chỉ dừng lại ở giá trị, giá cả, mà con bao gồm việc làm thế nào để cung ứng sản phẩm nhanh nhất, dễ dàng nhất tới khách hàng. Đó là câu chuyện khó khăn và việc giải quyết không chỉ dừng lại ở việc giao dịch giữa hai bên, mà còn là sự đồng với các nhãn hàng. Do đó, Faslink buộc phải tham gia cùng nhãn hàng trong câu chuyện giáo dục thị trường, định hướng người tiêu dùng tới các sản phẩm xanh, bền vững.
Ông Phước cho biết, thời trang bền vững không còn là xu hướng mà là điều bắt buộc. Tuy nhiên, nói về thời trang thì trước hết sản phẩm phải đảm bảo tính thẩm mỹ, tức phải đẹp. Có ý kiến cho rằng những loại vải như sợi tre, sợi cà phê khó tạo ra sự bóng bẩy cho trang phục, điều này một phần đúng. Thời điểm đầu, Faslink chỉ nghĩ rằng phục vụ cho thời trang ứng dụng, chưa bao giờ nghĩ tới việc áp dụng cho thời trang sàn diễn. Nhưng thực tế chứng minh những bộ sưu tập của nhà thiết kế nổi tiếng, gần đây là bộ sưu tập Ngân Nga của nhà thiết kế Adrian Anh Tuấn, hay show Faslink Fashion Forward là một cột mốc xóa bỏ ranh giới giữa thời trang bền vững và thời trang cao cấp.
Bởi theo vị này, bản thân thời trang cao cấp đã mang yếu tố bền vững. Do đó, Faslink đang hướng tới việc thời trang bền vững không chỉ dừng lại ở việc sử dụng nguyên liệu bền vững mà phải hướng tới câu chuyện tạo ra giá trị sử dụng bền vững.
“Giá trị bền vững nằm ở tính năng sản phẩm như vải sợi cà phê giúp khử mùi, vải sợi sen giúp giữ ẩm cho da, vải vỏ hàu chống tĩnh điện, chống nắng. Ngoài ra các công nghệ được ứng dụng trên sản phẩm như công nghệ không đường may, dù không mới nhưng trước chỉ được ứng dụng trên sản phẩm thể thao, giờ đây chúng tôi ứng dụng trang phục công sở và hàng ngày để tạo một giao diện sản phẩm liền mạch, tăng tính thẩm mỹ và độ tinh tế, người dùng sẽ yêu thích sản phẩm hơn. Khi người dùng yêu thích một sản phẩm nào đó thì chắc chắn giá trị sử dụng sẽ kéo dài hơn những sản phẩm khác”, ông Phước nhấn mạnh.
Nhưng có được nguyên liệu xanh là một chuyện, việc có thể tiếp tục tái chế chúng sau khi sử dụng lại là vấn đề khác. Ngành thời trang nhanh mỗi năm sản xuất tới 1 tỷ sản phẩm trên toàn cầu, nhưng chỉ có 1-2% được tái chế. Câu chuyện này cũng được Faslink nghĩ tới từ 3 năm trước dù việc tái chế trong lĩnh vực dệt may không mới, Nhật Bản, châu Âu đã làm trước đó 5-7 năm.
“Việt Nam hiện tại đang bắt đầu phát triển chuỗi tái chế từ sản phẩm dệt may sang sản phẩm dệt may mới. Mới đây, chúng tôi bắt đầu hợp tác với đối tác Nhật cung ứng dòng sản phẩm tái chế từ rác thải dệt may. Việc tái chế sản phẩm dệt may hoàn toàn khả thi và có thể thực hiện ở Việt Nam trong vài năm tới”, đại diện Faslink chia sẻ.