Doanh nhân Nguyễn Lê Châu: Hành trình rời các tập đoàn nước ngoài trở về startup sản phẩm cloud cho người Việt
(DNTO) - Từng là kỹ sư phát triển chip vi xử lý cho thị trường toàn cầu, Nguyễn Lê Châu mang theo kiến thức, kinh nghiệm đã tích lũy được để phát triển nền tảng điện toán đám mây cho người Việt.
Những ngày đầu sự nghiệp, Nguyễn Lê Châu bắt đầu với vai trò là một kỹ sư nghiên cứu, làm quen với kiến trúc vi xử lý đa nhân hiện đại nhất của Panasonic lúc bấy giờ (2007), đến các hệ thống điện toán đám mây đồ sộ sau này. Cho tới nay, anh Châu đã có 15 kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ, kinh qua các vị trí R&D (Nghiên cứu và Phát triển), Giám đốc Phát triển, chuyên gia tư vấn giải pháp cho các tập đoàn nước ngoài cho đến quản lý cấp cao tại các công ty công nghệ.
Với niềm đam mê và sự tận tâm, anh đã có đóng góp vào nhiều sản phẩm trong làng công nghệ Việt Nam và quốc tế. Dù vậy, anh luôn trăn trở làm sao vận dụng những kinh nghiệm và phương pháp hiệu quả từ các tập đoàn nước ngoài kết hợp sức sáng tạo, chịu khó của người Việt để xây dựng ra các giải pháp công nghệ tốt nhất cho doanh nghiệp Việt và thậm chí xuất khẩu trở lại thị trường quốc tế.
Đó chính là động lực thôi thúc anh nhận lời tham gia cùng sáng lập Sunteco, công ty chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ mang tính nền tảng. Trong đó sản phẩm hàng đầu của công ty là Sunteco Cloud - nền tảng điện toán đám mây hiện đại cho người Việt.
Khởi đầu với những công nghệ mới
Sau khi tốt nghiệp đại học Bách Khoa Hà Nội năm 2007, anh Châu bắt đầu hành trình sự nghiệp tại trung tâm nghiên cứu của tập đoàn Panasonic. Tại đây, anh hoạt động tích cực trong phát triển chip vi xử lý đa lõi sử dụng trong các thiết bị điện tử tiêu dùng của Panasonic. Phương pháp và công cụ phân tích hiệu năng vi xử lý, tự động tìm ra đoạn code có thể tối ưu do anh thiết kế đã vinh dự được công bố tại Hội nghị Khoa học của tập đoàn tại Osaka vào năm 2009.
Năm 2008, khi hệ điều hành Android được Google công bố tới các đối tác, trong đó có Panasonic, anh là một trong những kỹ sư đầu tiên của tập đoàn tham gia thay đổi hệ điều hành này để áp dụng triển khai trên một số thiết bị điện tử của Panasonic.
Sản phẩm “Android Automation Testing Framework” do anh đề xuất và trực tiếp phát triển đã góp phần giúp tập đoàn kiểm thử các thay đổi của hệ điều hành trên diện rộng với sự can thiệp tối thiểu của con người. Nhờ đó, Panasonic không chỉ tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí phát triển mà còn tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự đổi mới mở rộng công nghệ này trong tập đoàn. Sản phẩm đã được vinh dự được lựa chọn để tham gia triển lãm công nghệ thường niên của tập đoàn tại Osaka vào năm 2009.
Tham gia vào các xu thế công nghệ toàn cầu
Sau Panasonic, anh Châu tiếp tục công tác tại một số công ty nước ngoài trong ngành công nghệ như Toshiba (Nhật Bản), Viosoft (Hoa Kỳ), Niteco (Thuỵ Điển).
Ở Toshiba, với vai trò trưởng phòng dịch vụ số, anh tham gia lãnh đạo và hỗ trợ quá trình phát triển sản phẩm chiến lược của tập đoàn: nền tảng Cloud TV. Đây cũng là nền tảng được tích hợp toàn diện trong toàn bộ các TV thế hệ mới của Toshiba trên toàn thế giới.
Ở Viosoft, với vai trò Phó Tổng giám đốc phát triển kĩ thuật (VP of Engineering), khi xu hướng blockchain nở rộ, anh Châu tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt sản phẩm và công nghệ trong các dự án blockchain, bao gồm nền tảng Blockchain Loyalty & Email Marketing Platform dành cho thị trường Hoa Kỳ.
Ở Niteco, với vai trò của 1 chuyên gia tư vấn giải pháp công nghệ cấp cao, anh Châu đã tư vấn giải pháp thương mại điện tử cho các tập đoàn toàn cầu như Electrolux, AEG, Wilson Security vv… góp phần giúp các doanh nghiệp đó thích ứng với các biến động trong giai đoạn đại dịch COVID-19. Các giải pháp của anh đã giúp các doanh nghiệp vượt qua đại dịch với sự gia tăng đáng kể lượt đặt hàng trên toàn cầu cùng với tăng trưởng doanh thu.
Trở về “nhà”
Sau nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao ở thị trường quốc tế, bằng kinh nghiệm đã tích lũy được, anh Châu luôn đau đáu việc có thể đóng góp điều gì đó cho nền công nghệ nước nhà. Do đó, năm 2020, anh nhận làm Giám đốc Công nghệ cho một công ty công nghệ vận tải thông minh, cung cấp nền tảng kết nối người có xe chở hàng và người cần gửi hàng ở Việt Nam.
Công ty mặc dù cung cấp dịch vụ dành cho người Việt, nhưng công nghệ phần lớn vẫn là của nước ngoài. Đặc biệt hạ tầng, các nền tảng quan trọng đều đặt ở nước ngoài. Điều này không chỉ khiến gia tăng chi phí, giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp công nghệ so với doanh nghiệp truyền thống, mà ngay cả chất lượng dịch vụ cũng không được đảm bảo. Đơn cử những lúc mạng quốc tế thiếu ổn định, khiến việc đặt xe hay theo dõi lộ trình bị thiếu chính xác, ảnh hưởng trực tiếp vào khả năng đáp ứng dịch vụ.
Anh nhận ra rằng, để giải quyết triệt để những tình trạng trên, cần phải có những sản phẩm, dịch vụ công nghệ "Made in Viet Nam". Đây sẽ là phương án tiết kiệm nhất về chi phí và đem lại chất lượng cao hơn, hiệu quả hơn nhờ sự hỗ trợ của đội ngũ bản địa.
Năm 2021, anh đã quyết định nhận nhiệm vụ xây dựng Sunteco với tầm nhìn mang lại hệ sinh thái điện toán đám mây hội tụ những công nghệ hiện đại, mới nhất trên thế giới như micro-services, container, AI… nhưng giá thành và dịch vụ phù hợp cho các doanh nghiệp Việt.
Dù không tránh khỏi những khó khăn ban đầu như thương hiệu còn mới mẻ, dự án quy mô lớn và đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các “ông lớn” quốc tế, Sunteco đã dần vượt qua để trở thành một lựa chọn tin cậy cho khách hàng Việt, trong đó có nhiều tên tuổi lớn như Vin Bigdata (thuộc tập đoàn Vingroup), BIC (thuộc BIDV), Bệnh viện Việt Đức...
Năm 2023, Sunteco Cloud vinh dự được trao giải thưởng Sao Khuê, như một sự ghi nhận cho đóng góp vào quá trình đổi mới công nghệ trong nước. Đến nay không chỉ đáp ứng khách hàng Việt, Sunteco còn cạnh tranh ngược lại với các ông lớn ngay trên “sân nhà” của họ, thông qua bước đầu cung cấp Sunteco Cloud tới một số khách hàng tại thị trường Singapore.
Từ đắm chìm trong các bài toán công nghệ…đến khát khao tìm hiểu những “nỗi đau” của khách hàng
Từ các dự án chip vi xử lý đến nền tảng điện toán đám mây hiện đại, doanh nhân Nguyễn Lê Châu luôn đề cao tính sáng tạo trong phát triển sản phẩm và đặt trọng tâm vào việc giải quyết các bài toán thực tiễn, mang lại giá trị lâu dài cho doanh nghiệp và xã hội.
Bản thân anh cũng thừa nhận, trước đây anh thích được đắm chìm trong các bài toán công nghệ. Còn hiện nay, anh quan tâm hơn đến các vấn đề, các nhu cầu, các "nỗi đau" của khách hàng. Chính vì vậy, mỗi sản phẩm của Sunteco luôn được bộ phận R&D (Nghiên cứu và phát triển) và PO (Product Owner - Bộ phận quản lý sản phẩm) nghiên cứu phân tích kỹ lưỡng. Điều này giúp Sunteco không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn có thể giải quyết các thách thức trong tương lai, tạo ra giá trị bền vững cho khách hàng.
Doanh nhân Nguyễn Lê Châu luôn tâm niệm rằng thành công không chỉ đến từ công nghệ, mà còn từ sự thấu hiểu khách hàng và thị trường. Do đó anh thường xuyên tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng các chương trình mentoring dẫn dắt đội ngũ của mình giải quyết những vướng mắc trong làm sản phẩm, xây dựng chiến lược mở rộng, phát triển thị trường. Điều này thể hiện rõ qua cách anh xây dựng và phát triển các giải pháp công nghệ tiên tiến nhưng dễ dàng ứng dụng.
Với cam kết mạnh mẽ trong việc nâng tầm ngành công nghệ, doanh nhân Nguyễn Lê Châu không chỉ tạo ra những sản phẩm mang tính đột phá mà còn đặt nền móng vững chắc cho một cộng đồng công nghệ năng động, sáng tạo, sẵn sàng đối mặt với những thử thách của thời đại.
Chia sẻ với chúng tôi, CEO Nguyễn Lê Châu cho biết, các doanh nghiệp đi sau thường hưởng lợi từ việc khách hàng đã được educate (giáo dục, định hướng), nhưng bài toán đặt ra là làm sao tạo được dấu ấn riêng? Lợi thế không phải lúc nào cũng nằm ở việc vượt trội hoàn toàn so với đối thủ, mà đôi khi chỉ cần một sự khác biệt nhỏ nhưng đủ để khách hàng nhớ đến bạn.
"Ví dụ, nếu đối thủ tập trung bán giày size L, bạn có thể làm nổi bật sản phẩm size M. Nếu họ đã cung cấp đủ các kích cỡ, hãy thử tạo sự khác biệt với màu sắc hoặc phong cách mà họ chưa có. Đối tác mới, tính năng mới, khách hàng mới... đều quan trọng, tuy nhiên, cần thận trọng với nguồn lực và thời gian – hai yếu tố luôn giới hạn. Việc cố gắng ôm đồm mọi thứ sẽ dễ khiến bạn phân tâm và không đạt được mục tiêu. Thay vào đó, hãy dồn sức cho những gì thực sự quan trọng, những yếu tố cốt lõi có khả năng tạo ra giá trị và khác biệt lớn nhất”, anh Châu nhấn mạnh.
Vị doanh nhân cũng cho biết khi xây dựng sản phẩm, doanh nghiệp hãy tập trung vào các khía cạnh mang tính quyết định. Không cần phải hoàn hảo ở mọi mặt, nhưng một số tính năng bắt buộc phải đạt đến mức “đủ tốt” để gây ấn tượng.
"Đừng để khái niệm "MVP" (Sản phẩm sơ khai) khiến bạn nghĩ rằng chỉ cần làm sơ sài là đủ. MVP không phải là “làm mọi thứ một chút,” mà là làm xuất sắc ở những khía cạnh quan trọng nhất để chinh phục khách hàng ban đầu và mở đường cho sự phát triển lâu dài”, anh Châu cho biết thêm.