Đinh Vĩnh Cường: Từ niềm đam mê bonsai đến sự lan tỏa nghệ thuật cây cảnh Việt Nam
(DNTO) - Trong lĩnh vực nghệ thuật bonsai Việt Nam, có một cái tên đã khá nổi bật: Đinh Vĩnh Cường. Ông Cường không chỉ là một doanh nhân thành đạt mà còn là một nghệ nhân với niềm đam mê sâu sắc với nghệ thuật trồng cây cảnh.
Trong một buổi trò chuyện tại nhà riêng, Doanh Nhân Trẻ đã có cơ hội được nghe ông nói chuyện về niềm đam mê bonsai – loại hình nghệ thuật đòi hỏi sự tinh tế và kiên nhẫn và những đóng góp quan trọng của ông cho sự phát triển nghệ thuật này tại Việt Nam.
Niềm đam mê được nuôi dưỡng từ thuở nhỏ
Chia sẻ với chúng tôi, ông Đinh Vĩnh Cường cho biết yêu cây bonsai từ lần đầu tiên đi Nhật Bản vào năm 2004. Mỗi khi có thông tin triển lãm cây cảnh ở Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Indonesia,... ông đều sắp xếp thời gian để tham dự.
"Tôi cảm thấy rất bình yên, thoải mái và cảm nhận được sự sống mãnh liệt và năng lượng tích cực từ cây cảnh. Một điều rất thú vị tôi nhận ra rằng, mỗi cây cảnh đều có chỉ số năng lượng Bovis, càng gần các cây có chỉ số năng lượng Bovis cao, thì bạn sẽ hấp thụ được những năng lượng tích cực. Đó là lý do bạn luôn cảm thấy tràn đầy năng lượng khi đi vào những khu vườn có nhiều cây cảnh đẹp. Đối với tôi Bonsai trở thành niềm đam mê và nguồn cảm hứng bất tận", ông Đinh Vĩnh Cường chia sẻ.
Ông đặc biệt yêu thích cây Tùng la hán (còn gọi là Vạn niên tùng), một loại cây tượng trưng cho sự trường tồn và quân tử. Đây cũng là loại cây có chỉ số Bovis cao nhất (98.000 Bovis). Đó cũng là lý do ông sưu tầm rất nhiều cây Tùng đẹp tại vườn của mình.
"Cha ông ta đã từng nói Tùng - Cúc - Trúc - Mai là những cây cảnh quý, riêng cây Tùng là cây có thể sống cả ngàn năm. Đó cũng chính là lý do mà cha ông ta đã gọi tên cây này là Vạn Niên Tùng. Sự trường tồn của cây vạn niên tùng là biểu tượng cho khát vọng sống mạnh mẽ và không ngừng vươn lên. Vì vậy, các họa tiết về cây cảnh trên các đồ cổ ngày xưa đều được cha ông ta đưa các hình ảnh cây Tùng vào", ông Cường nói.
Khi được hỏi: “Ông nghiệm ra được những bài học gì trong cuộc sống khi chơi bộ môn nghệ thuật này?", ông Cường chia sẻ 7 bài học thú vị:
Đầu tiên là sự kiên nhẫn và sự bền bỉ vì quá trình tạo hình và chăm sóc bonsai đòi hỏi mất nhiều công sức và tâm huyết. Bởi cây không thể lớn lên nhanh chóng hay đạt đến vẻ đẹp hoàn hảo trong một sớm một chiều. Bài học ông Cường nhận được là trong cuộc sống, thành công không đến ngay lập tức mà cần sự nỗ lực bền bỉ và thời gian để nuôi dưỡng từng bước.
Thứ hai là sự khiêm tốn và giản dị. Bonsai mang vẻ đẹp tinh tế nhưng không phô trương. Dáng cây thấp nhỏ nhưng lại chứa đựng cả sức sống mạnh mẽ và chiều sâu triết lý. Bài học rút ra là đôi khi giá trị thật sự không nằm ở sự hào nhoáng, mà ở những điều nhỏ bé nhưng ý nghĩa.
Thứ ba là 3 chấp nhận và thích nghi với hoàn cảnh. Bonsai được uốn nắn để thích nghi với dáng hình mà nghệ nhân định hướng, nhưng vẫn phát triển hài hòa và cân đối. Chúng để lại cho chúng ta bài học rằng cuộc sống luôn thay đổi, và chúng ta cần biết cách thích nghi mà không đánh mất bản chất của chính mình.
Thứ tư là tôn trọng tự nhiên. Bonsai là nghệ thuật kết hợp giữa sự sáng tạo của con người và vẻ đẹp nguyên bản của thiên nhiên. Vì vậy, ông Cường cho rằng hãy sống hài hòa với tự nhiên, tôn trọng và gìn giữ những gì thiên nhiên ban tặng.
Thứ năm là sự cân bằng và hài hòa. Mỗi cây bonsai đều thể hiện sự cân đối giữa rễ, thân, cành và lá, tạo nên vẻ đẹp tổng thể. Điều này cũng giống như trong cuộc sống, cần duy trì sự cân bằng giữa công việc, gia đình và những giá trị cá nhân.
Thứ sáu là biết buông bỏ để tạo nên cái đẹp. Khi tạo dáng bonsai, nghệ nhân thường phải tỉa bớt những cành lá không cần thiết để cây đạt đến hình dáng hoàn mỹ. Cũng giống như con người, đôi khi chúng ta cần buông bỏ những thứ không cần thiết là cách để tập trung vào những điều thật sự quan trọng.
Cuối cùng là trân trọng từng giai đoạn của cuộc sống. Bonsai thay đổi theo thời gian, mỗi giai đoạn phát triển đều có một vẻ đẹp riêng. Vì vậy, mỗi chúng ta hãy tận hưởng và trân trọng từng khoảnh khắc trong cuộc đời, bởi mỗi giai đoạn đều mang lại những giá trị đặc biệt.
"Bonsai không chỉ là nghệ thuật tạo hình, mà còn là cách truyền tải triết lý sống: sự cân bằng, hài hòa và tĩnh tại trong tâm hồn", ông Cường tâm sự.
Gắn bó với nghệ thuật cây cảnh Việt Nam
Không dừng lại ở việc nuôi dưỡng đam mê cá nhân, doanh nhân Đinh Vĩnh Cường còn là người truyền cảm hứng trong việc giữ gìn và phát triển nghệ thuật cây cảnh tại Việt Nam. Với ông, bonsai Việt Nam mang nét đẹp riêng, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc qua cách tạo dáng cây đầy uyển chuyển nhưng vẫn đậm chất tự nhiên.
"Việt Nam có điều kiện khí hậu lý tưởng để phát triển cây cảnh. Tuy nhiên, chúng ta cần làm nhiều hơn để nâng tầm giá trị của bonsai Việt trên bản đồ thế giới," ông Cường nhấn mạnh.
Để hiện thực hóa điều này, năm 2010, ông Đinh Vĩnh Cường sáng lập Diễn đàn Bonsai, nơi hội tụ những người chung đam mê để giao lưu, học hỏi. Từ năm 2011, ông đã tổ chức nhiều hội thảo, triển lãm quốc tế, mời nhiều nghệ nhân quốc tế nổi tiếng đến để chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật tạo dáng bonsai cho các nghệ nhân trẻ tại Việt Nam.
Ông cũng tổ chức các chương trình triển lãm bonsai quy mô lớn, không chỉ quảng bá nghệ thuật bonsai Việt mà còn thúc đẩy hoạt động du lịch văn hóa. Ông Cường đã 3 lần tổ chức "Triển lãm cây cảnh nghệ thuật " nơi trưng bày những tác phẩm cây cảnh độc đáo, thể hiện tinh hoa văn hóa Việt Nam.
"Tôi muốn mỗi tác phẩm bonsai không chỉ là một cây cảnh, mà còn là một câu chuyện – câu chuyện về đất, nước và con người Việt Nam," ông chia sẻ với niềm tự hào.
Trong vườn bonsai của ông Cường đã có những tác phẩm đạt chất lượng cao về kỹ thuật và mỹ học. Đặc biệt, tác phẩm “Duyên Tùng Tuyệt Sắc” đã thu hút nhiều lượt quan tâm.
Khi nhắc đến tương lai, ông Cường hy vọng bonsai Việt Nam sẽ được biết đến nhiều hơn trên quốc tế, không chỉ về vẻ đẹp mà còn về sâu thẳm văn hóa và triết lý mà mỗi tác phẩm mang lại.
Với niềm đam mê và tâm huyết của mình, ông Đinh Vĩnh Cường đã và đang góp phần quan trọng trong việc duy trì và phát triển nghệ thuật bonsai tại Việt Nam, mở ra những cơ hội mới cho nghệ thuật này trong tương lai.
Thông qua phóng viên, ông cũng trân trọng mời những ai yêu thích bonsai vạn niên tùng ghé thăm khu vườn của mình tại Tiệm 365cafe , số 13 Nguyễn Quang Bích, Phường 13, Quận Tân Bình, nơi ông trưng bày rất nhiều tác phầm bonsai được dày công tạo dáng.