'Vua' gốm sứ Lý Ngọc Minh và cách 'tạo đỉnh' cho sản phẩm trên sân nhà

(DNTO) - Sau "đỉnh cao" trong xuất khẩu, Minh Long trở lại thị trường trong nước, chinh phục "điểm đỉnh" lần thứ 2 trên sân nhà. "Chúng tôi không đưa ra kỳ vọng cao xa, nhưng chúng tôi lại làm điều người khác không làm được", Chủ tịch HĐTV Công Ty Minh Long I, doanh nhân Lý Ngọc Minh chia sẻ.
Cơ duyên trở về với thị trường trong nước
Xuất thân từ gia đình có tới nhiều đời theo đuổi nghề gốm, ông Lý Ngọc Minh hiểu hơn ai hết giá trị của chữ "đam mê", chất keo gắn kết đặc biệt giữa người thợ và nghề truyền thống này.
"Người Hoa có câu nói: “Muốn hại bạn bè thì hãy xúi họ theo nghề gốm sứ để họ khổ cả đời”. Nhưng với tôi, đây là nghề lý thú luôn mới lạ và nhiều bí ẩn, khám phá mãi không bao giờ cạn", ông Minh chia sẻ với các doanh nhân trẻ tại Talkshow thuộc Dự án Vietnam2030, dự án đồng hành cùng 500.000 doanh nghiệp chuyển đổi số và kinh doanh số hiệu quả.
Điều ông nhận thấy rõ nhất chính là "duyên nghiệp" với nghề đã thấm trong huyết thống cũng như nhiều thế hệ trước của gia đình.
Ông kể lại, một lần Tổng bí thư Đỗ Mười về thăm Bình Dương, nơi có nghề gốm lâu đời và nổi tiếng. Lúc trà dư tửu hậu, khi nhìn bộ ấm chén được sản xuất tại nước ngoài, Tổng bí thư có nói một câu: "Tỉnh Bình Dương sao phải dùng bộ chén của nước ngoài?"
Thời điểm đó, Minh Long đã có một thị trường xuất khẩu vững chắc tại nhiều nước châu Âu. Năm 1995 được xem là "cực đỉnh" của doanh nghiệp khi 98% sản phẩm làm ra đều có đầu ra thuận lợi tại thị trường nước ngoài.
Câu nói trên đã khiến cho người nghệ nhân tâm huyết day dứt, khát khao chinh phục "cực đỉnh" thứ hai, chính là thị trường trong nước. "Đây cũng là thời điểm bước ngoặt khởi điểm để có những bộ đồ ăn đẹp như ngày nay và đóng góp cho công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa nước nhà", ông Long chia sẻ.
"Lòng tự ái tự tôn dân tộc như bùng lên. Chúng tôi đưa ngay vào cuộc họp trong tuần để thảo luận. Tôi hỏi có ai chịu tách ra làm hàng công nghiệp phục vụ trong nước không? Một số bạn đã đồng ý tách ra nhóm bếp cháy ngọn lửa thứ hai. Thanh niên thì ai cũng muốn cống hiến cho dân tộc. Nếu được khích lệ và tạo điều kiện thì các bạn trẻ sẽ làm ngay", ông cho biết.

Ông Lý Ngọc Minh - nhà sáng lập thương hiệu Gốm sứ Minh Long I
Vai trò của người lãnh đạo
Chia sẻ về bí quyết thành công của doanh nghiệp, doanh nhân Lý Ngọc Minh đặc biệt nhấn mạnh vai trò của người lãnh đạo. Trong hành trình hơn nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành của Minh Long để có được thành quả như ngày hôm nay, ông hiểu hơn ai hết sự kiên trì nhẫn nại, tinh thần học hỏi của người đứng đầu doanh nghiệp có giá trị quan trọng như thế nào.
"Doanh nhân trẻ hiện nay hay trước đây cũng giống nhau thôi. Buổi đầu phải trực tiếp làm, phải ma sát thực tế để lấy kinh nghiệm. Nếu bản thân mình không có kinh nghiệm sẽ khó thuyết phục bên dưới, không hiểu hết những khó khăn mà họ đang trải qua", ông chia sẻ.
"Ở từng cấp thì lãnh đạo phải nắm vững kinh nghiệm. Người lãnh đạo bên trên thì cần phải có tầm nhìn. Cấp dưới phải có mục tiêu, cụ thể hóa mục tiêu thành phần việc công việc cụ thể thì mới lãnh đạo. Tùy theo quy mô, quy mô nào thì tổ chức theo quy mô đó", ông giãi bày.
Việc phải đào tạo bài bản phải bắt đầu từ cấp tổ trưởng, hướng dẫn họ chi tiết thì họ mới hướng dẫn lại cho nhân viên của mình được. Còn người lãnh đạo thì luôn phải học hỏi trau dồi kiến thức bản thân. Bởi theo ông, nếu doanh nghiệp quy mô nhỏ thì người đứng đầu có thể trực tiếp quản lý được. Nhưng nếu quy mô lớn, người đứng đầu chỉ có thể quản trị theo hệ thống thì càng đòi hỏi kinh nghiệm thực tế từ dưới lên và đặc biệt cần xây dựng văn hóa công ty, chìa khóa để giải quyết khó khăn.
"Thích ứng" là từ doanh nhân Lý Ngọc Minh đặc biệt coi trọng trong hành trình lập nghiệp. Dù bất cứ hoàn cảnh nào, sự "thích ứng" cũng mấu chốt để doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ngay cả khi ra sản phẩm mới, doanh nghiệp cũng phải thích ứng bằng việc tái cấu trúc doanh nghiệp với điều kiện sản phẩm mới, quy trình mới để phù hợp với tầm nhìn.
Sau 20 năm, doanh nghiệp đã cho đời sản phẩm gốm dưỡng sinh, mang nhiều tâm đắc của vị doanh nhân và có giá trị sử dụng cao. Ông cho biết, vì muốn tạo đứa con không thua kém ai hết, nấu ngon nhất, an toàn nhất cho người dùng nên khiến ông bỏ bao nhiêu năm cũng thấy không hề thấy uổng. Bởi theo ông, "giống như cái lu đựng nước, ban đêm chỉ "lỏn tỏn" từng hạt, nhưng sớm mai đầy lu. Mình kiên nhẫn làm việc thì giống như cái cây sẽ nở hoa kết trái".