Bức tranh lợi nhuận trái chiều trong nhóm VN30
(DNTO) - Trong khi nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận ròng vượt trội thì không ít tên tuổi lại tăng trưởng kém khả quan, thậm chí giảm sâu so với cùng kỳ. Bức tranh lợi nhuận quý 2 của nhóm VN30 không còn màu hồng như nhiều quý trước.
Nhóm VN30 đại diện cho 30 doanh nghiệp có cổ phiếu đạt giá trị thanh khoản và vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán. Đây là nhóm cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường, tác động trực tiếp đến chỉ số Vn-Index.
Quý 2 vừa qua, các "ông lớn" trên sàn chứng khoán đã có một bức tranh kinh doanh không mấy lạc quan. Nếu trong quý 1 năm nay, lợi nhuận ròng của nhóm này khá lạc quan khi tăng 25% so với cùng kỳ thì bước vào quý 2 này, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp lại đi thụt lùi khi lợi nhuận ròng giảm tới 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thống kê từ Công ty Chứng khoán VNDirect cho thấy, có 18 doanh nghiệp, tức hơn nửa doanh nghiệp trong nhóm tăng trưởng tích cực. Dẫn đầu là những gương mặt mới như GAS với mức tăng 125%, VIC 120% và CTG là 106% so với cùng kỳ.
Nếu trong những tháng đầu năm, MSN nổi bật với tăng trưởng lợi nhuận ròng lên tới 752% so với cùng kỳ hay VPB với mức tăng 171%, thì bước sang quý 2, MSN đánh mất vị trí quán quân khi chỉ còn 24% trong tăng trưởng lợi nhuận, VPB thậm chí còn giảm 12,7% so với cùng kỳ.
Kết quả tích cực của 18 doanh nghiệp dường như không đủ sức cứu vãn chỉ số chung khi các doanh nghiệp còn lại trong nhóm rơi vào đà giảm sâu. PLX, HPG, VHM, POW ghi nhận một quý kinh doanh buồn. Cụ thể, VHM giảm hơn 95% hay POW giảm 51% so với cùng kỳ do mức nền cao trong năm 2021 và sự chậm lại của việc kinh doanh trong quý. Mã HPG giảm 59% do biến động của nguồn nguyên liệu hay PLX giảm 113% do trích lập quỹ dự phòng.
Tính chung, mặc dù doanh thu tăng 6,3% so với cùng kỳ, tuy nhiên lợi nhuận quý 2 của nhóm VN30 lại giảm 2,5% so với cùng kỳ, điều này cho thấy sức ép chi phí đầu vào đang ngày càng lớn với các doanh nghiệp khiến bài toán lợi nhuận khó hơn. "Điều này cho thấy các doanh nghiệp niêm yết đã bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng của giá hàng hóa và chi phí logistic", VNDirect cho biết.
Một thống kê từ VNDirect trong phạm vi theo dõi 58 công ty niêm yết, có 48,3% theo sát dự phóng của các chuyên gia, trong khi 15,5% vượt dự phóng và có tới 36,2% không đạt kỳ vọng.
Biên lợi nhuận gộp toàn thị trường quý 2 là 16,2%, tiếp tục xu hướng giảm kể từ quý 3 năm 2021, tập trung ở các nhóm ngành như dịch vụ hỗ trợ, bất động sản, hóa chất và thép. Các chuyên gia cũng nhận thấy đòn bẩy tài chính của thị trường có xu hướng giảm trong bối cảnh hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại bị siết lại để đối phó với lạm phát.