Bất ngờ một cổ phiếu tăng hơn 60%, lợi nhuận doanh nghiệp tăng đột biến 37 lần
(DNTO) - CLM trở thành mã tăng mạnh nhất trên sàn chứng khoán khi trải qua liên tiếp 5 phiên tăng kịch trần, đưa mã này tăng hơn 60% giá trị và có EPS cao nhất thị trường.
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, 27/7, mã cổ phiếu CLM của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Than - Vinacomin tăng gần 10% so với phiên liền trước, đạt đỉnh 73.900 đồng/cp, con số cao nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp này. Cùng đó là khối lượng giao dịch tăng đột biến, gấp 5 lần so với lượng cổ phiếu giao dịch trung bình từ đầu tháng đến nay.
Điều đáng nói, cách đây 5 phiên, ngày 21/7, mã CLM chỉ có mệnh giá 46.000 đồng/cp. Trải qua 5 phiên liên tiếp tăng kịch trần với mức tăng luôn trên 9,9% mỗi phiên, mã này đã nhanh chóng bật tăng 60,6%, bỏ xa cổ phiếu các doanh nghiệp cùng ngành. Tính từ đầu tháng, CLM đã tăng tới 130%. Với mức giá hiện tại, vốn hóa toàn thị trường của CLM đạt hơn 800 tỷ đồng.
Việc tăng đột biến của cổ phiếu này được cho là đến từ bản báo cáo tài chính quý 2 vừa công bố đầy ấn tượng. Vinacomin đang bước vào giai đoạn ăn nên làm ra khi doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý 1 năm nay của doanh nghiệp mới chỉ 825 tỷ đồng, thì bước sang quý 2, con số này đạt 6.154 tỷ đồng, tăng gần 7,5 lần.
Lợi nhuận ròng quý 2 của công ty mẹ đạt 273 tỷ đồng, gấp hơn 27 lần quý 1 và gấp 37 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 6 tháng đầu năm, mã CLM ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.979 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 283 tỷ đồng, tăng 22,7 lần, tương đương mức tăng hơn 2.000% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện tại, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) của CLM trong quý 2 và 6 tháng đầu năm 2022 lần lượt là 24.818 đồng và 25.745 đồng, đưa mã này trở thành cổ phiếu có EPS cao nhất thị trường.
Giải thích về đà tăng bất thường của kết quả kinh doanh, Vinacomin cho biết, doanh thu tăng cao là do nhu cầu về than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện tăng đột biến thời gian qua khiến công ty phải đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, đặc biệt là nhập khẩu và pha trộn than. Theo đó, sản lượng than nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm đã tăng lên 1,14 triệu tấn, tăng gần 7 lần so với số lượng của cùng kỳ năm ngoái là 163 nghìn tấn; than pha trộn cũng tăng lên 240 nghìn tấn, trong khi cùng kỳ chỉ đạt 157 nghìn tấn.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của Covid-19, căng thẳng chính trị giữa Úc - Trung Quốc và đặc biệt là cuộc chiến Nga-Ukraina đã đẩy giá than tăng mạnh từ cuối năm 2021 đến nay, mức tăng khoảng 300% so với cùng kỳ năm 2021 với mặt hàng than xuất khẩu vào thời điểm cuối tháng 6 vừa qua.
Như vậy, không chỉ CLM mà các doanh nghiệp ngành than trong nước đang trong đà hưởng lợi tình hình trong nước cũng như thế giới. Mặc dù chưa có nhiều doanh nghiệp trong ngành công bố báo cáo tài chính, tuy nhiên có thể thấy một số doanh nghiệp trong ngành làm ăn khá tốt, như Công ty Than Cao Sơn (CST), lợi nhuận 6 tháng tăng 55% so với cùng kỳ, hay Công ty Than Núi béo (NBC) tăng 21%.
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, VN-Index tăng gần 6 điểm (0,5%) lên 1.191 điểm; HNX-Index tăng 1,64 điểm, đạt 284 điểm; UPCoM-Index tăng 0,46 điểm, lên 88,87 điểm. Cổ phiếu HPG tiếp tục là mã ảnh hưởng tiêu cực nhất đến thị trường. Chiều ngược lại, VCB lại có công lớn trong việc kéo thị trường đi lên và kết phiên trong sắc xanh.