Nỗi buồn của cổ đông HPG
(DNTO) - HPG đã rơi ra khỏi Top 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán, cùng đó báo cáo tài chính mới công bố cũng cho biết chiều đi xuống của tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo tài chính quý 2 của Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) cho biết, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 4 ngàn tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, tập đoàn này ghi nhận hơn 12 ngàn tỷ lợi nhuận sau thuế, con số này tương ứng giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Xét về kế hoạch lợi nhuận trong năm đề ra, tập đoàn đã hoàn thành 46% kế hoạch.
Thông tin từ phía HPG cho biết, mặc dù gặp không ít khó khăn như thị trường nguyên liệu diễn biến phức tạp do cuộc chiến Nga-Ukraina nhưng tập đoàn vẫn duy trì sản xuất ổn định, đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa cho thị trường trong nước và xuất khẩu, tiếp tục khẳng định vị thế thị phần số 1 Việt Nam về thép xây dựng (36,2%), ống thép (28,8%).
Kết quả cả quý vừa qua của Hòa Phát đã khiến nhiều cổ đông của HPG phải buồn, mặc dù trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên diễn ra tháng 5 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Phát, ông Trần Đình Long, từng báo trước: "Lúc này ngành thép đang không thuận lợi. Khi có kết quả kinh doanh quý II, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào".
Theo đó, HPG tiếp tục một phiên giảm giá trong chuỗi ngày lao dốc của mình. Chốt phiên hôm nay, 26/7, HPG chỉ còn 21.650 đồng/cp, giảm 1,14% so với phiên hôm qua và giảm mạnh so với giai đoạn đỉnh cao trong tháng 10 năm ngoái với mức giá 43.350 đồng/cp. HPG trở thành mã cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất trên HoSE với hơn 21 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, theo sau là SSI với 20 triệu và HAG với 11 triệu cổ phiếu.
Hiện tại HPG đã ra khỏi Top 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán. Tính chung 10 phiên gần đây, HPG giảm 2,91%, giá trị vốn hóa còn 125.890 tỷ đồng.
Mặc dù lợi nhuận trong quý 2 của doanh nghiệp đã giảm mạnh so với cùng kỳ, nhưng theo nhận định từ các chuyên gia của SSI Research, thời gian tới, tỷ suất lợi nhuận của các công ty thép dự kiến sẽ không giảm xuống mức tỷ suất lợi nhuận trong giai đoạn 2018-2019.
Thứ nhất, do lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2016-2017 đã thúc đẩy nhiều công ty tăng công suất từ 50% -100%, đặc biệt trong lĩnh vực tôn mạ, làm gia tăng sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành. Điều này cũng dẫn đến, nợ và hàng tồn kho giai đạn 2018-2018 ở mức cao khiến doanh nghiệp phải cắt giảm biên lợi nhuận để đẩy mạnh cắt giảm hàng tồn kho và giảm nợ vay.
"Mặc dù một số doanh nghiệp chủ chốt trong lĩnh vực này như HPG, NKG và TDA đã có kế hoạch mở rộng cho những năm tới, nhưng chúng tôi cho rằng sự suy giảm của giá thép và triển vọng xuất khẩu, cũng như mức lạm phát cao có thể dẫn đến sự chậm trễ trong việc triển khai dự án này, do công suất sử dụng của nhà máy dự kiến sẽ giảm xuống dưới công suất tối đa vào cuối năm 2022", SSI cho biết.
Cũng theo SSI, tỷ suất lợi nhuận của các công ty sản xuất tôn mạ có thể bị kìm hãm trong ngắn hạn nhưng vẫn sẽ cao hơn mức đáy ghi nhận được trong năm 2018-2019.