Rào cản cho doanh nghiệp đi 'đường dài': Vẫn là bài toán nhân lực chất lượng cao
(DNTO) - Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trần tình, bước vào sân chơi toàn cầu trong giai đoạn hội nhập, dù 5 lần 7 lượt trực tiếp "săn người", song vẫn chưa thể thỏa mãn. Tình trạng thiếu lao động có kỹ năng đang là tiếng chuông báo động ở tất cả ngành nghề.
Bài toán khó không của riêng ai
Thực tế, việc cạnh tranh quốc tế bằng lao động phổ thông, giá nhân công rẻ không còn mang lại hiệu quả, khi tự động hóa, số hóa đang trở thành xu thế lựa chọn của thế giới. Để đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất của ASEAN, giới chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt có thể tham gia vào những công đoạn có giá trị cao hơn, giải bài toán nguồn nhân lực vừa thừa vừa thiếu trong ngành sản xuất, tìm ra giải pháp để tranh thủ thời cơ dân số vàng.
Để làm được điều này, một trong những điều kiện tiên quyết với doanh nghiệp Việt là phải có đội ngũ lao động chất lượng cao, trình độ chuyên môn kỹ thuật sâu. Tuy nhiên, đây lại là rào cản của nhiều doanh nghiệp Việt.
Cụ thể, các doanh nghiệp, đặc biệt là ngân hàng đang tập trung vào chuyển đổi số và tự động hóa dẫn đến việc tăng nhu cầu về các vị trí liên quan đến công nghệ thông tin (IT), công nghệ, dữ liệu...
Bà Phạm Thị Hoài Linh, Giám đốc nhân sự Tập đoàn Navigos Group, cho biết đứng trước các hành vi tiêu dùng của khách hàng đang ngày càng thay đổi theo xu hướng số hóa, các ngân hàng đã và đang ứng dụng chuyển đổi số nhằm đáp ứng các nhu cầu này.
“Thời điểm hiện tại, các ngân hàng đang rất cần tuyển dụng các vị trí đặc biệt tập trung vào nguồn nhân sự chất lượng cao liên quan đến IT, công nghệ, dữ liệu… Mức lương dành cho các vị trí trong mảng chuyển đổi số sẽ có thể cao hơn từ 20 - 30% so với các vị trí cùng cấp bậc thuộc các nhóm nghiệp vụ truyền thống khác, nhhưng lại rất khó tìm kiếm nhân tài. Một phần do các ngân hàng cần phải cạnh tranh với nhau, một phần nữa là tác động của đại dịch khiến ngân hàng phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số này dẫn đến khan hiếm nhân lực”, bà Linh nhận định.
Ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến nhiều hợp đồng và đơn đặt hàng liên quan đến công nghệ thông tin được chuyển về thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, nhu cầu tuyển dụng vẫn tiếp tục tăng lên khi các doanh nghiệp đang cảm thấy khá tích cực về việc kinh doanh hồi phục sau Covid-19.
Một số doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng hoạt động trong nửa cuối năm 2022, cũng như một số doanh nghiệp trong giai đoạn chuyển đổi và tái cơ cấu, sẽ có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn kỹ sư công nghệ thông tin để mở ra các trung tâm số hoặc số hóa doanh nghiệp nhanh hơn. Các vị trí tuyển dụng chủ yếu ở cấp cao thay vì cấp trung do đây là phân khúc có biến động nhiều nhất sau dịch Covid-19.
Song, nhiều nhà tuyển dụng cũng than thở gặp khó khăn trong việc tuyển nhân sự kinh doanh, để đáp ứng thì không có nhiều, thậm chí đưa ra nhiều ưu đãi nhưng vẫn phải tuyển liên tục, vì nhân sự non và yếu không "trụ" được lâu.
Hiện tại, nhân lực AI cũng là những đối tượng được săn đón không chỉ bởi các doanh nghiệp trong nước mà cũng đang là “hàng hot” đối với những tập đoàn nước ngoài. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nguồn cung nhân lực AI đang ở mức rất thấp, chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu tuyển dụng.
Trên thực tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 55.000 sinh viên công nghệ thông tin ra trường, nhưng chỉ có 30% trong số này có thể làm các công việc liên quan tới AI. Và để thực sự đáp ứng được cấp bậc chuyên gia trong AI, quá trình học tập và đào tạo chuyên sâu còn phải kéo dài hơn nữa. Số nhân lực ra trường và có thể đi làm được luôn là rất hiếm.
Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên vẫn là vấn đề muôn thủa của giáo dục trong nước khi việc đào tạo tại trường khác xa so với ứng dụng thực tế, đặc biệt là ở lĩnh vực cần thực hành và tiếp xúc công nghệ cao như AI. Hơn thế nữa, ngôn ngữ cũng là rào cản lớn khiến sinh viên khó tiếp cận với những tài liệu AI vốn quá chuyên ngành, từ đó hạn chế năng lực nghiên cứu.
Kết quả sơ bộ của cuộc khảo sát doanh nghiệp mới đây do VCCI thực hiện với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, khoảng 60% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng, tình trạng thiếu lao động có kỹ năng là một thách thức từ mức độ trung bình đến nghiêm trọng trong lĩnh vực điện tử. Khoảng 50% số doanh nghiệp cũng coi kỹ năng chuyên môn của đội ngũ giám sát và quản lý là một thách thức lớn.
''Nuôi" nhân tài bằng chiến lược đường dài
Trong quá khứ, Việt Nam đã bở lỡ 3 cuộc cách mạng công nghiệp với hàng loạt công nghệ mới mà những thay đổi lịch sử này mang lại. Để rồi sau đó chúng ta phải mòn mỏi chạy theo để học cách sử dụng lại những công nghệ trên. Liệu điều này có một lần nữa lặp lại với cuộc Cách mạng 4.0 mà ở đây cụ thể là tương lai mà AI có thể mang lại?
Để trả lời cho câu hỏi trên, vấn đề lớn nhất chính là nằm ở nguồn nhân lực dành cho AI. Nếu chuẩn bị đầy đủ, Việt Nam có cơ hội trở thành một quốc gia phát triển về AI với những ứng dụng vượt bậc mà công nghệ này mang lại. Tuy nhiên, nếu sự thiếu hụt ở hiện tại vẫn tiếp diễn ở tương lai, chúng ta hoàn toàn sẽ bị tụt hậu lại phía sau và việc bỏ lỡ chuyến tàu AI để tiến tới sự thịnh vượng sẽ thành sự thật.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm - Kỹ thuật TP.HCM, cho rằng dù đào tạo lại ở một mức độ nào đó là một phần của công ty nhưng cũng phải thừa nhận rằng vẫn luôn tồn tại một khoảng cách giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Bên cạnh một số trường đại học liên tục đổi mới và hoàn thiện chương trình, hiện không ít trường còn "sức ì" lớn trong việc thay đổi các cách tiếp cận để giảm thiểu khoảng cách này. Một số trường chỉ chú trọng tuyển được thật nhiều sinh viên nhưng vẫn duy trì những tiết học "rất cũ" theo kiểu giảng viên vừa trình chiếu PowerPoint vừa luyên thuyên nói.
Theo ông Dũng, muốn cải thiện "sức ì", các trường nên thay đổi cách xây dựng chương trình. Chẳng hạn, một số khoa trong các trường đại học chủ động "mời" đại diện các doanh nghiệp, cựu sinh viên, ghi nhận những yêu cầu của họ về một người lao động trẻ sau tốt nghiệp, từ đó thiết kế ma trận đối sánh các môn học và chuẩn đầu ra.
Từ các tiêu chuẩn về kiến thức, kỹ năng và thái độ, giảng viên cần thiết kế chương trình giảng dạy sao cho người học có thể có được các tố chất ấy. Không phải là việc bên nào "đổ lỗi" cho bên nào mà là các bên liệu thật sự có nhu cầu đủ lớn để ngồi lại kết hợp với nhau hay không?
Đứng dưới góc độ giáo dục, để giải quyết tình trạng trên, theo GS.TS Nguyễn Thị Cành, Trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM, người đang làm đề tài nghiên cứu "Giải pháp nâng cao nguồn nhân lực ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao TP.HCM" cho rằng: Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực này phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa "3 nhà": Nhà nước, doanh nghiệp và nhà trường. Đồng thời, các trường cần tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong đào tạo, tăng thời gian thực hành.
“Tôi đề xuất TP.HCM xây dựng website kết nối giữa các khu công nghiệp, công nghệ cao, khu chế xuất với các trường trên địa bàn thành phố để xem các trường cung cái gì, doanh nghiệp cần cái gì, để 2 bên có thể gặp nhau như thế nào vì hiện nay họ không có thông tin về nhau. Khi đó, nguồn nhân lực này sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả hơn và nhất là phát triển kinh tế số hiện nay”, GS.TS Nguyễn Thị Cành kiến nghị.