Nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố cạnh tranh cốt lõi của một quốc gia
(DNTO) - Ngày 8/1, tại Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ GD-ĐT, tổ chức Lễ ký kết với gần 20 đơn vị thuộc Bộ ngành, Tập đoàn, doanh nghiệp, tăng cường hợp tác để triển khai các hoạt động hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên, cung ứng nhân lực chất lượng cao cho xã hội.
Phát biểu tại Chương trình, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: Nguồn nhân lực hiện nay là yếu tố cạnh tranh cốt lõi của một quốc gia, của tổ chức và mỗi doanh nghiệp. Năng lực đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nhân lực.
"Hiện nay xã hội, các nhà quản lý, doanh nghiệp luôn đặt ra câu hỏi: Liệu ngành học này học xong 4-5 năm thì có việc làm không, cơ hội phát triển thế nào, nhu cầu của xã hội ra sao? Doanh nghiệp thì đặt câu hỏi là chất lượng đào tạo của từng trường ra sao? Cơ quan quản lý cũng cần biết nhu cầu của từng lĩnh vực, ngành chất lượng đào tạo, khả năng đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp thế nào?", Thứ trưởng Sơn đặt vấn đề.
Vì vậy, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã giao cho Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực (MOET-TSC), xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về việc làm của sinh viên tốt nghiệp, thống kê được tỷ lệ sinh viên có việc làm của từng lĩnh vực, ngành, trường cũng như đánh giá của doanh nghiệp đối với nhu cầu tuyển dụng và khả năng đáp ứng nhu cầu công việc của sinh viên tốt nghiệp.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn mong qua buổi ký kết, sự hợp tác giữa MOET-TSC với các cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, với các Bộ ngành khác sẽ hiệu quả, thực chất, đóng góp vào sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao, đem lại lợi ích cho các bên.
Tại lễ ký kết, ông Bùi Văn Linh, Giám đốc MOET-TSC, cho biết: Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tập trung triển khai báo cáo tình hình việc làm sinh viên tốt nghiệp hằng năm để báo cáo Chính phủ, Quốc hội; Báo cáo dự báo nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của xã hội, dự báo phát triển các chương trình đào tạo, ngành đào tạo; để làm cơ sở cho các cơ sở đào tạo xây dựng chiến lược phát triển nhà trường, giúp học sinh, sinh viên (HSSV), các gia đình lựa chọn ngành/trường học, học tập, sớm có việc làm và chất lượng làm việc hiệu quả, chất lượng hơn...
Để làm tốt các nhiệm vụ nêu trên, Trung tâm định hướng xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ phát triển bền vững gồm các bên tham gia: Bên 1 - Cung (các Sở GD&ĐT tại 63 tỉnh/thành phố, hơn 250 trường đại học, quy mô gần 20 triệu HSSV); Bên 2 - Cầu (các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng lao động trong và ngoài nước); Bên 3 – sẽ tham gia nội dung chương trình đào tạo, cung cấp chuyên gia giỏi (các Công ty Công nghệ giáo dục đào tạo Edutech, Kỹ năng sống); Bên 4 – Các đơn vị chức năng quản lý nhà nước thuộc các Bộ, ngành Trung ương để phối hợp đề xuất các chính sách về việc làm thêm của sinh viên, việc làm, phát triển nguồn nhân lực…
Được biết, Trung tâm đã kết nối với một số đơn vị thuộc các Bộ, ngành, tập đoàn, doanh nghiệp để trao đổi, thống nhất hợp tác triển khai các hoạt động liên quan về hỗ trợ đào tạo, cung ứng nhân lực, giáo dục hướng nghiệp, khảo sát tình hình việc làm của sinh viên, thực tập của sinh viên và tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp...
"Tới đây, để từng bước xây dựng hệ sinh thái giúp Trung tâm phát triển bền vững, triển khai tốt hơn nhiệm vụ nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên, khả năng tìm việc làm và chất lượng việc làm phù hợp chuyên ngành đào tạo tốt hơn cho sinh viên tốt nghiệp…, Trung tâm sẽ tiếp tục đàm phán, ký kết với các đơn vị chức năng thuộc các Bộ ngành Trung ương, các trường đại học, các tập đoàn doanh nghiệp sử dụng lao động, các công ty công nghệ giáo dục (Edtech), giáo dục kỹ năng sống…", ông Linh cho biết.