Chuyển đổi số trong quản trị nhân sự
(DNTO) - Sự thôi thúc với mục tiêu chuyển đổi số doanh nghiệp dường như càng lớn hơn sau những tác động tiêu cực của dịch bệnh. Việc nắm bắt năng suất, mong muốn của người lao động thông qua nền tảng số được xem như là giải pháp tối ưu cho chủ lao động trong tình hình mới.
Đã gần 2 tháng trôi qua kể từ khi TP.HCM bước vào giai đoạn bình thường hóa các hoạt động. Đến thời điểm hiện tại, bài toán nhân sự đã dần hạ nhiệt khi số người lao động trở lại doanh nghiệp, nhà máy đang ổn định trở lại.
Tuy nhiên, có vẻ như thời gian giãn cách và làm việc tại nhà quá lâu đã khiến nhiều người thay đổi quan niệm về việc đến công sở làm việc. Theo một khảo sát của KPMG, thực hiện với sự tham gia của 1.362 giám đốc điều hành tại 55 quốc gia cho thấy, 37% giám đốc điều hành toàn cầu đã triển khai mô hình làm việc linh hoạt cho nhân viên của họ, cho phép hầu hết nhân viên làm việc từ xa 2-3 ngày một tuần. Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cũng đã chuyển hướng sang mô hình làm việc hybrid, hoặc sử dụng không gian làm việc chung, khuyến khích nhân viên làm việc tại nhà.
Lợi ích của mô hình cởi mở này có thể kể đến việc gia giảm được các chi phí thuê văn phòng, phụ cấp cho nhân viên xa nhà,... Tuy vậy, mô hình làm việc hybrid hay chuyển hoàn toàn sang làm việc tại gia lại đặt ra một bài toán khác cho việc quản trị nhân sự: Làm sao để nắm bắt tiến độ và theo sát nhân sự từ xa?
Anh Vương Hoàng (26 tuổi, ngụ quận 4, TP.HCM) là nhân viên của một công ty truyền thông, quảng cáo. Từ sau khi TP.HCM mở cửa trở lại, anh Hoàng nằm trong số 50% nhân viên được công ty bố trí làm việc tại nhà. "Hơn một tháng nay mình chỉ lên công ty một vài lần để lấy tài liệu cần thiết, còn lại làm hoàn toàn tại nhà. Ưu điểm của việc này là được làm việc trong không gian quen thuộc của nhà mình, thoải mái hơn so với đến công ty. Tuy nhiên, điểm trừ là việc tương tác giữa các thành viên trong team làm việc hay với lãnh đạo đôi khi không hiệu quả vì chủ yếu thông qua các phòng họp trực tuyến hoặc gọi điện thoại, nhắn tin", anh Hoàng chia sẻ.
Nhiều chủ doanh nghiệp cũng thừa nhận việc giám sát và điều phối công việc từ xa thực sự không hiệu quả. Bên cạnh đó, người sếp cũng không thể quản lý chặt năng suất cũng như tâm tư nguyện vọng của nhân viên qua màn hình máy tính hoặc điện thoại.
Bà Hoàng Thị Dạ Lan, Trưởng bộ phận Triển khai Giải pháp nhân sự, Bộ phận Tư vấn công nghệ thông tin của KPMG Việt Nam cho biết, với hệ thống công nghệ thông tin hiện tại thì chỉ với chiếc điện thoại, các anh chị lãnh đạo, quản lý có thể truy cập vào toàn bộ các thông tin của nhân viên, hiểu được họ đang có kế hoạch làm việc thế nào, từ lịch làm việc đến mục tiêu công việc.
Bên cạnh đó, người lãnh đạo còn có thể đánh giá được rủi ro mất người để từ đó có kế hoạch thay thế, kế thừa phù hợp. Ngoài ra còn có thể phản hồi tức thì cho nhân viên trên hệ thống, khuyến khích, động viên cũng như ghi nhận công sức và thành quả của nhân viên.
"Việc nắm bắt được nhu cầu công việc của nhân viên sẽ giúp người quản lý có thể đưa ra những hướng dẫn, gợi ý giúp tối ưu hóa được khả năng cũng như năng suất của nhân viên, từ đó có những hỗ trợ kịp thời và phù hợp. Với công cụ số, các cấp quản lý cũng sẽ thấy được những thống kê, báo cáo, đánh giá trực quan cho các kế hoạch phát triển.
Đối với những nhân viên trong công ty, việc chuyển đổi số cũng đem đến cho họ trải nghiệm tốt hơn khi làm việc trong môi trường hiện đại. Có thể tra cứu thông tin cá nhân, lương, phúc lợi, hồ sơ của mình mọi lúc mọi nơi. Thay vì như cách truyền thống, tốn nhiều thời gian yêu cầu, đợi phê duyệt, xử lý hồ sơ bằng giấy tờ thì quy trình số hóa hầu như được thực hiện tức thời, nhân viên cũng nhận được dịch vụ nhân sự tốt hơn.
Với sự trợ giúp của công nghệ, các chức năng truyền thống của quản trị nhân sự có thể dễ dàng thực hiện, nhờ đó đội ngũ quản trị nhân sự có thể chuyển sang cấu trúc mềm dẻo và linh hoạt, tăng năng suất lao động, cải thiện hiệu quả và tiết kiệm chi phí vận hành.
Tuy nhiên, theo bà Mai Thúy Hằng, Phó giám đốc Giải pháp nhân sự Navigos Search, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong quản trị nhân sự đang gặp phải không ít thách thức. Ðiển hình có thể kể đến các sáng kiến về nhân tài dựa trên công nghệ chưa thực sự kết nối với chiến lược kinh doanh, tức là những thay đổi cải tiến trong hệ thống quản trị nhân sự chưa đáp ứng được mục tiêu cuối cùng là kinh doanh phải tăng trưởng.