Muốn vững vàng sau dịch, doanh nghiệp cần tạo sự khác biệt
(DNTO) - Có thể nói, nguồn nhân lực được ví như xương sống của một doanh nghiệp. Việc duy trì và bảo vệ được lực lượng lao động hiệu quả, tài năng là chìa khóa để doanh nghiệp có thể trở lại cuộc đua trên thương trường.
Ứng phó với dịch chuyển lao động
Các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tại TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam đang đối mặt với một làn sóng dịch chuyển lao động lớn chưa từng có. Sau tròn 1 tháng nới lỏng các quy định giãn cách, làn sóng này đã có phần dịu đi khi số lượng người lao động trở lại ngày càng nhiều, nhưng không vì vậy mà nỗi lo cho doanh nghiệp được giảm bớt.
Lý giải về điều này, nhiều chuyên gia ngành nhân lực cho rằng môi trường làm việc, cách lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm đến nhân viên là yếu tố then chốt để doanh nghiệp có thể bảo đảm nguồn nhân lực của mình trong tương lai.
Theo bà Tiêu Yến Trinh, CEO của Talentnet, mong muốn của nhân viên không còn như trước nữa mà đã có những biến chuyển rõ rệt. Cụ thể, người lao động hiện nay, nhất là những lao động trẻ mong muốn được cống hiến tại một doanh nghiệp có thể tạo ra những tác động tích cực cho xã hội, khiến họ cảm thấy thuộc về nơi làm việc đó và tự hào vì được làm việc cho một công ty chú trọng đến việc đóng góp cho cộng đồng và xã hội. "Bên cạnh đó là những điều kiện công việc, sự hỗ trợ từ lãnh đạo về chuyên môn hay chế độ lương thưởng, phúc lợi cũng là những điều mà người lao động quan tâm khi gia nhập công ty".
Theo bà Trinh, hiện nay, có rất nhiều ứng dụng công nghệ hỗ trợ lãnh đạo doanh nghiệp có thể thực hiện sự giám sát và quan tâm sát sao hơn đến nhân viên. "Tuy nhiên, tôi cũng nhấn mạnh rằng công nghệ càng phát triển thì con người càng quan trọng hơn, không máy móc nào có thể thay thế sự thấu cảm của sếp với nhân viên. Điều khiến doanh nghiệp trở nên khác biệt chính là phải kiến tạo được văn hóa của sự quan tâm".
Người lao động có mặn mà với việc trở lại làm việc tại chỗ?
Theo một khảo sát từ VietGrow, có khoảng 50% người lao động khi được hỏi cho biết rằng họ mong muốn được làm việc theo hình thức hybrid - kết hợp giữa làm việc online và offline. Một khảo sát khác từ Business Week cho thấy có 52% người lao động chấp nhận giảm lương để được làm việc tại nhà tiếp tục sau giãn cách. Tuy nhiên, có thể thấy những con số này không phản ánh được thực tế nhu cầu của người lao động nhưng cũng phần nào cho chúng ta thấy được tác động của việc ở nhà quá lâu.
Chị Nguyệt, chuyên viên tuyển dụng của một chuỗi cửa hàng di động chiếm thị phần lớn tại TP.HCM cho Doanh Nhân Trẻ Online biết việc tình trạng người lao động cảm thấy lạ lẫm, chểnh mảng trong những ngày đầu trở lại nơi làm việc là có. "Tuy nhiên, tình trạng đó chỉ diễn ra trong khoảng 1 tuần đầu tiên vì mọi người chưa bắt nhịp kịp với cảm giác làm việc tại chỗ. Đến nay, đa phần nhân viên của chúng tôi đã có thể lấy lại phong độ vốn có trước đại dịch", chị Nguyệt chia sẻ.
Trước câu hỏi của Doanh Nhân Trẻ Online rằng, việc giãn cách và làm việc tại nhà quá lâu có khiến cho nhân viên "thụ động" hơn không? Các chuyên gia quản trị nhân lực đã có những ý kiến khác nhau.
Bà Nguyễn Hà Trang – Giám đốc Nhân sự Pepsico Foods cho biết: "Tùy vào cách vận hành của mỗi doanh nghiệp mà sẽ có những chính sách sắp xếp nhân sự khác nhau. Tuy nhiên nếu nhân viên làm việc tại nhà mà vẫn có thể đảm bảo công việc và tạo ra năng lượng làm việc tốt thì vẫn nên phát huy. Có nhiều doanh nghiệp lại muốn thấy nhân viên đến công ty mỗi ngày, muốn vậy, doanh nghiệp đó cần tạo nên một môi trường làm việc gắn kết".
Ông Nguyễn Minh Tuấn – Giám đốc Nhân sự khu vực Đông Nam Á Avery Dennison RBIS thì cho rằng, việc nhân viên có được thói quen tự quản trị là điều cần thiết, "môi trường làm việc doanh nghiệp sẽ tạo nên sự gắn kết, mọi người có thể tương tác, hỗ trợ lẫn nhau. Ngược lại, khi làm việc tại nhà sẽ không còn sự quản lý sát sao của sếp, lúc đó tinh thần và ý thức công việc sẽ có sự sụt giảm", ông Tuấn chia sẻ
Có đến 66% người làm việc online bị gián đoạn công việc 5 lần mỗi ngày
Chị Mai Thanh là nhân viên của một công ty kiểm toán lớn cho biết sau hơn 4 tháng làm việc tại nhà, chị đã nhận ra được một số điều bất tiện như điều kiện ở nhà không thoải mái cho việc ngồi làm việc nhiều. "Nhưng khó khăn lớn nhất là không được ngồi cạnh đồng nghiệp nữa, dẫn đến việc giao tiếp ảnh hưởng. Trước đây, ở văn phòng, những ý tưởng bất chợt có thì có thể nhanh chóng bàn bạc với đồng nghiệp và nhanh chóng nhìn được phản ứng của họ qua gương mặt - đây là một nét văn hoá rất Việt.
Tôi có điểm qua một số lợi thế của việc làm việc tại nhà nên chắc chắn tôi sẽ chọn hybrid - kết hợp giữa làm tại nhà và đến công sở. Tuy nhiên, với hoàn cảnh cá nhân mình, chắc chắn là 3-4 ngày làm việc tại văn phòng hàng tuần và chỉ 1 hoặc 2 ngày làm việc tại nhà, đặc biệt khi sức khoẻ hơi yếu thôi."
Theo CEO Talentnet Tiêu Yến Trinh, theo một khảo sát cho thấy có đến 66% người làm việc tại nhà cho rằng họ bị gián đoạn công việc đến 5 lần mỗi ngày do nhiều nguyên nhân từ gia đình, tiếng ồn,... Bà Trinh cho biết sự thụ động của một bộ phận nhân viên sau khi làm việc tại nhà là có. Tuy nhiên doanh nghiệp hoàn toàn có thể cải thiện điều này bằng cách để nhân viên của mình chủ động quản trị các công việc và chịu trách nhiệm cao hơn. Có vậy, sẽ kích thích được khả năng cũng như tác phong của nhân viên sau khi trở lại công sở.